Bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ

Khi mà giới quan sát ở khu vực Sahel còn chưa hết ngạc nhiên về quyết định của chính quyền quân sự ở Niger đình chỉ hợp tác quân sự với Washington, giới chức quân đội Mỹ lại thông báo rút quân khỏi căn cứ quân sự ở Cộng hòa Chad. Những thay đổi quan trọng báo hiệu về thời điểm bước ngoặt trong chiến lược quốc phòng của Mỹ tại châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên Lực lượng Đặc biệt Mỹ dẫn dắt các binh sĩ Chad trong một cuộc tập trận ở Ndjamena, Chad, năm 2017. (Ảnh: New York Times)
Thành viên Lực lượng Đặc biệt Mỹ dẫn dắt các binh sĩ Chad trong một cuộc tập trận ở Ndjamena, Chad, năm 2017. (Ảnh: New York Times)

Tháng 3 vừa qua, Niger và Mỹ đối diện bước lùi trong quan hệ đối tác, khi chính quyền quân sự ở quốc gia châu Phi thông báo thu hồi ngay lập tức thỏa thuận cho phép quân nhân và nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ hiện diện tại Niger. Trên truyền hình quốc gia, người phát ngôn chính quyền quân sự Niger nêu rõ, thỏa thuận này chẳng những không đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của người dân Niger, mà còn mang tính áp đặt, vi phạm các quy tắc dân chủ và Hiến pháp Niger. Điều đáng nói là tuyên bố của chính quyền Niger được đưa ra ngay sau chuyến thăm Niger của phái đoàn quan chức cấp cao các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ.

Ngay lập tức, giới quan sát bày tỏ lo ngại việc binh sĩ Mỹ “bị trục xuất” khỏi Niger giáng đòn mạnh vào nỗ lực chống khủng bố. Năm ngoái, Mỹ có khoảng 1.100 binh sĩ và điều hành hai căn cứ tại Niger, trong đó có căn cứ máy bay không người lái được xây dựng gần Agadez.

Căn cứ này được sử dụng để chống các nhóm khủng bố, như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhánh của Al-Qaeda ở khu vực Sahel. Nguy cơ mất căn cứ không quân Agadez, vốn hỗ trợ các nỗ lực của Washington trên khắp Sahel, gây lo ngại làm giảm đáng kể khả năng chống khủng bố của Mỹ trong khu vực, kéo theo hậu quả an ninh nghiêm trọng cho các quốc gia Sahel, cũng như toàn bộ khu vực châu Phi cận Sahara rộng lớn.

Vài ngày sau khi đạt thỏa thuận về việc rút lực lượng khỏi Niger, Mỹ lại tuyên bố tạm thời rút binh sĩ khỏi Chad. Họp báo hôm 25/4 tại Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi, người phát ngôn Lầu năm góc nêu rõ, đây là biện pháp tạm thời trong quá trình đánh giá liên tục về hợp tác an ninh giữa Mỹ và Chad. Trong khi đó, Chad nhấn mạnh lo ngại về sự hiện diện của lực lượng Mỹ, vốn xuất phát từ cam kết chung trong cuộc chiến chống khủng bố.

Châu Phi tiếp tục chứng kiến bất ổn, khi hàng loạt cuộc đảo chính nổ ra kể từ năm 2019, tại Gabon, Niger, Burkina Faso, Chad, Guinea, Sudan và Mali. Giới quan sát cho rằng, việc mất đi chỗ đứng quân sự ở Niger và Chad nhiều khả năng khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc giám sát các chiến binh thánh chiến tại châu Phi, theo dõi nạn buôn người, ma túy và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden thời gian qua không ngừng nỗ lực nhằm khôi phục vị thế của Mỹ ở châu Phi.

Khó khăn của Washington càng rõ hơn, khi G5 Sahel - liên minh chống khủng bố mà Mỹ là một bên hỗ trợ, đối diện nguy cơ tan rã, sau khi Mali, Burkina Faso và Niger tuyên bố rút khỏi các tổ chức và cơ quan của G5 Sahel, gồm cả lực lượng chung. Bất chấp những đóng góp của Washington dưới hình thức đào tạo, trang bị và hỗ trợ tài chính, G5 Sahel vẫn gặp khó trong việc giải quyết hiệu quả các mối đe dọa khủng bố xuyên quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden thời gian qua không ngừng nỗ lực nhằm khôi phục vị thế của Mỹ ở châu Phi. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu lục không giấu giếm quyết định mở rộng đối tác nhằm thúc đẩy lợi ích của chính mình. Với việc binh sĩ Mỹ bị buộc rút khỏi Niger và Chad, Washington đang ở bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại. Theo các chuyên gia, để tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi trong bối cảnh có nhiều đối thủ mạnh, Washington đứng trước yêu cầu điều chỉnh cách tiếp cận đối với quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực.

Hợp tác an ninh là một trong hai công cụ chính sách quan trọng nhất của Mỹ tại châu Phi, bên cạnh quan hệ đối tác kinh tế. Xáo trộn gần đây trong quan hệ đối tác an ninh đang đặt ra câu hỏi rằng, có phải đã đến lúc các sáng kiến kinh tế quan trọng của Mỹ cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn.