Bước đột phá trong đào tạo sĩ quan thông tin

Những năm qua, Trường Sĩ quan Thông tin, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) đã nỗ lực vượt khó, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng dạy-học và giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Do vậy, đã tạo bước đột phá nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học cho toàn quân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng TTLL cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Học viên Trường Sĩ quan Thông tin (Binh chủng Thông tin liên lạc) trong giờ học ngoại ngữ.
Học viên Trường Sĩ quan Thông tin (Binh chủng Thông tin liên lạc) trong giờ học ngoại ngữ.

Xây dựng lộ trình phù hợp

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Hoàng Tuyến, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, cho biết: Mục tiêu của nhà trường là đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy, tham mưu thông tin cấp phân đội không chỉ giỏi về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn có năng lực ngoại ngữ để làm chủ các trang, thiết bị TTLL hiện đại, tự tin tham gia các hoạt động đối ngoại về quốc phòng, đáp ứng xu thế hội nhập và hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự. Từ năm 2009, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng dạy-học tiếng Anh và thí điểm giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đây là chủ trương mới, chưa từng có mô hình trong các học viện, nhà trường Quân đội. Thế nên, khi tổ chức thực hiện, nhà trường gặp nhiều khó khăn. Nhất là, lâu nay, cách dạy, cách học tiếng Anh vẫn mang tính đối phó với các kỳ thi; chưa chú trọng đến việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của người học, dẫn đến tình trạng người học tuy đạt điểm cao trong bài thi viết, nhưng lại lúng túng trong giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Để giải bài toán nêu trên, nhà trường đã xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp; trong đó, coi trọng bồi dưỡng, chuẩn hóa năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giảng viên chuyên ngữ và giảng viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Chủ động tìm kiếm đối tác giúp đỡ xây dựng nội dung, chương trình, áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến; hỗ trợ đào tạo và đánh giá, phân loại trình độ tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Lựa chọn cán bộ, giảng viên có năng lực tiếng Anh tốt, liên kết các trung tâm ngoại ngữ trong và ngoài nước tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh tại nhà trường. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và đi đào tạo ở nước ngoài; trên cơ sở đó, từng giảng viên đăng ký tham gia giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh; các bộ môn, khoa bồi dưỡng giảng thử, giảng mẫu, lựa chọn giảng viên tham gia giảng dạy cấp trường...

Nhà trường coi trọng việc kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh đầu vào cho tất cả học viên để phân loại đào tạo; lựa chọn học viên có trình độ tiếng Anh tốt tổ chức thành những lớp chọn, bồi dưỡng theo chương trình tiếng Anh nâng cao và được tham gia các lớp học tiếng Anh do nhà trường kết hợp các trung tâm ngoại ngữ có uy tín giảng dạy. Để rèn kỹ năng giao tiếp trong dạy-học tiếng Anh, bên cạnh giờ học chính khóa, nhà trường còn coi trọng tổ chức các hoạt động học thuật, ngoại khóa, thành lập câu lạc bộ tiếng Anh tại các đơn vị.

Chính sách đãi ngộ thiết thực

Đi đôi với các nội dung, biện pháp nêu trên, nhà trường còn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như: Xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, giáo trình bằng tiếng Anh; mua sắm bổ sung giáo trình, tài liệu, học liệu theo chương trình mới; xây dựng phòng học, phòng tin học-ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn; nâng cấp hệ thống mạng để phục vụ luyện thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; trang bị máy tính xách tay, kết nối in-tơ-nét, mạng Lan đến từng giảng đường và nơi ở để giúp học viên tự học mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, học viên còn được tham gia các khóa học trực tuyến miễn phí; học qua các địa chỉ Web hay phần mềm giảng dạy ngoại ngữ hữu ích; trang bị các phần mềm công nghệ thông tin phục vụ dạy-học và đánh giá kết quả học tập như: E-Learning, Forum, các phần mềm tự học tiếng Anh, tài khoản học tiếng Anh trực tuyến...

Để động viên, khuyến khích phong trào dạy và học tiếng Anh, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhà trường xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp từng đối tượng: Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, trường xác định các chuẩn tiếng Anh và lộ trình, thời gian hoàn thành. Những cán bộ, giảng viên thi đạt và vượt chuẩn năng lực tiếng Anh theo quy định, sẽ được ưu tiên trong việc xét cử đi đào tạo sau đại học, tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, hoặc bồi dưỡng ngoại ngữ ở nước ngoài, trong xét chọn giảng viên giỏi, bình xét thi đua-khen thưởng, thăng quân hàm, nâng lương và đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm; là một trong những tiêu chí để xem xét giải quyết chế độ, chính sách nhà ở, đất ở. Đối với học viên, trường xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh để học viên phấn đấu; những học viên có trình độ tiếng Anh tốt được lựa chọn tham gia lớp thí điểm dạy-học chuyên ngành bằng tiếng Anh; nếu thi đạt và vượt chuẩn tiếng Anh theo quy định sẽ được xem xét trong bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm, thăng quân hàm trước niên hạn.

“Cái được’’ của nhà trường trong thực hiện chủ trương nêu trên là, đã tạo thành phong trào thi đua học tập tiếng Anh, trở thành nhu cầu thiết thân, là hành trang trên con đường lập thân, lập nghiệp của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu thông tin cấp phân đội trình độ đại học toàn quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Bộ đội TTLL đi thẳng vào hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng được giao - Đại tá Tống Hùng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường cho biết.