Số bệnh nhân lao đa kháng thuốc còn cao
Phóng viên: Thưa PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tuy nhiên gánh nặng bệnh tật lao vẫn còn cao, theo ông, nguyên nhân vì đâu?
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam là một trong những nước có gánh nặng lao và lao kháng thuốc cao. Tình trạng lao đa kháng, siêu đa kháng là một thách thức lớn trong công tác điều trị.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng lao đa kháng, siêu kháng. Một là, có thể người mới phát hiện lao, khi uống thuốc thấy đỡ nhanh trong hai tuần hết triệu chứng nên nghĩ bản thân đã khỏi bệnh và bỏ thuốc. Bên cạnh đó, vì lượng thuốc nhiều, có người bỏ đi một vài viên dẫn tới không đủ liều điều trị. Thứ ba, để hấp thu tốt, phải uống thuốc khi dạ dày rỗng nhưng nhiều người lại uống vào lúc no.
Đặc biệt, nhiều người không tuân thủ theo đúng hướng dẫn, dẫn tới vi khuẩn sẽ kháng thuốc. Khi chủng lao kháng thuốc lây sang người khác thì người bị lây cũng phải điều trị phác đồ đa kháng và nếu điều trị bỏ dở, virus sẽ trở thành siêu kháng với các loại thuốc.
Do đó, ngay từ ban đầu, người bệnh phải điều trị thật đúng về liều điều trị mới có thể chữa khỏi. Mặc dù người bệnh hết triệu chứng cũng phải tuân theo phác đồ với ít nhất là sáu tháng.
Phóng viên: Hiện nay, tỷ lệ lao đa kháng, siêu kháng tại Việt Nam có cao không thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Trước đây, tỷ lệ bệnh nhân mới được phát hiện và điều trị lần đầu có tỷ lệ kháng thuốc là 4% và hiện giảm còn 3%. Số bệnh nhân lao đa kháng thuốc từng điều trị trước đây là 24%, giờ chỉ còn 17%.
Kết quả tích cực này là do Việt Nam triển khai điều trị lao đa kháng thuốc từ năm 2009, tăng dần bao phủ điều trị các trường hợp mới được phát hiện. Trong thời gian hai năm gần đây, chúng ta đã đạt hiệu quả điều trị lên tới 85% với thuốc phác đồ ngắn hạn, thuốc mới. Những kết quả tốt này là do chúng ta có can thiệp tích cực, quản lý tốt, với sự hỗ trợ của tình nguyện viên, người giám sát trực tiếp.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam phát hiện có 4.800 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, siêu kháng, nhưng chúng ta đã điều trị được cho gần bốn nghìn người. Năm nay, chúng ta đặt chỉ tiêu cao hơn số bệnh nhân cần điều trị để giảm nguồn lây lao, cải thiện tình hình lao kháng thuốc.
Bước tiến mới trong điều trị lao đa kháng, siêu đa kháng
Phóng viên: Việt Nam hiện đang thí điểm triển khai phác đồ điều trị lao mới BPaL. Điều này có ý nghĩa như thế nào với bệnh nhân lao?
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam hiện đang triển khai điều trị lao đa kháng hiện với phác đồ ngắn hạn là 9 -12 tháng với hơn năm loại thuốc và đã áp dụng thường quy.
Đầu năm 2021, Việt Nam bước một bước tiến nữa, dùng phác đồ thuốc mới BPaL điều trị ngắn hạn trong 6-9 tháng với người lao đa kháng, siêu kháng thuốc. Những trường hợp tiền siêu kháng, áp dụng phác đồ này là bước đột phá rất lớn.
Theo WHO, kết quả điều trị phác đồ mới này hiệu quả lên tới 90% với lao siêu kháng. Việt Nam chúng ta đặt mục tiêu ít nhất hơn 85% bệnh nhân khỏi bệnh.
Phóng viên: Xin ông cho biết kế hoạch triển khai thí điểm và hiệu quả của dự án này như thế nào?
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam là một trong những nước tiên phong áp dụng phác đồ mới BPaL được WHO khuyến cáo và chúng ta sẽ triển khai một cách phù hợp, đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Chúng tôi triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng không cần đối chứng (giai đoạn 3B), thu nhận hơn 500 bệnh nhân điều trị. Phác đồ mới này sẽ ba loại thuốc mới, trong đó có hai thuốc hoàn toàn mới.
Nếu tiến triển thuận lợi, bệnh nhân chỉ cần sáu tháng khỏi bệnh. Đây là cơ hội lớn cho người không may mắc phải vi khuẩn lao siêu kháng, đặc biệt đối với trường hợp đã điều trị lao đã thất bại từ 1-2 lần, thậm chí từng thất bại điều trị tới 4-5 lần.
Chúng tôi bước đầu triển khai điều trị thí điểm cho 100 bệnh nhân, sau đó mở rộng tiếp. Nếu thấy lợi ích của phác đồ mới, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng càng sớm càng tốt chứ không thử nghiệm lâu dài, ảnh hưởng cơ hội sống của hàng nghìn người.
Sau ba tỉnh, thành phố làm tốt, chúng tôi sẽ mở rộng chương trình bằng hai cách: một là, người bệnh sẽ đến tại nơi điều trị ban đầu sau đó chuyển cho bệnh viện tỉnh quản lý và hai là tăng cường thêm năng lực cho cơ sở điều trị.
Phóng viên: Chúng ta gặp những thuận lợi và thách thức nào trước việc triển khai phác đồ điều trị mới này?
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam là nước có nhiều kinh nghiệm trong điều trị lao, áp dụng những phác đồ điều trị mới. Thách thức đầu tiên là các loại thuốc cho phác đồ điều trị BPaL đều mới, nhưng chúng ta cũng đã giải quyết được khó khăn đầu tiên là có nguồn thuốc về Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ điều trị, các cơ sở y tế điều trị phải giám sát bệnh nhân tuân thủ 100% liều lượng thuốc.
Về giải quyết tác dụng phụ không mong muốn, qua nghiên cứu cho thấy, chỉ có 10% số bệnh nhân điều trị có tác dụng phụ trung bình và 10% phản ứng nặng. Những điều này Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm điều trị nên không phải là vấn đề lớn. Tôi hoàn toàn tin tưởng việc áp dụng phác đồ được triển khai nhanh chóng và sẽ thành công.
Tới đây, chúng ta cũng sẽ áp dụng điều trị lao không phải kháng thuốc với phác đồ bốn tháng. Thử nghiệm lâm sàng này đang được tiến hành tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới. Chúng ta chỉ chờ đợi khuyến cáo của WHO để triển khai.
Việc điều trị lao rất quan trọng, nên khi có triệu chứng nghi lao, người bệnh nên đi khám và phát hiện sớm, việc điều trị đơn giản hơn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, hiện nay, phác đồ mới này người bệnh được miễn phí 100% thuốc điều trị nên người mắc lao cần tiếp cận Chương trình Chống lao quốc gia, đừng tìm cách mua thuốc ngoài vừa đắt lại không hiệu quả.
Từ nay tới mục tiêu chấm dứt lao vào năm 2030 chỉ còn chín năm nữa. Việc gì chúng ta cần làm ngay thì càng phải triển khai sớm để tránh khỏi hàng nghìn cái chết đáng tiếc do không điều trị lao.
Xin cảm ơn ông!