Tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (Bình Dương), tháng 11/2023, Công ty Lego Manufacturing Việt Nam đã tổ chức lễ cất nóc tòa nhà đúc khuôn, đánh dấu cột mốc mới của nhà máy bởi đúc khuôn là bước đầu tiên trong quy trình sản xuất ra các bộ đồ chơi Lego. Nhà máy Công ty Lego Manufacturing Việt Nam của Tập đoàn Lego được khởi công xây dựng tháng 11/2022, vốn đầu tư hơn một tỷ USD.
Ðến nay, tập đoàn đã xây dựng trung tâm năng lượng, trạm biến áp 110kV, tòa nhà sản xuất, ép khuôn, đóng gói, kho hàng tự động trên diện tích 44 ha; dự kiến nhà máy có thể bắt đầu đi vào sản xuất trong nửa cuối năm 2024. Nhà máy Lego tại Việt Nam sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn bao gồm giảm 37% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2032. Ông Preben Elnef, Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Việt Nam và Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết: Nhà máy Lego sẽ sử dụng những thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng tiên tiến nhất; đồng thời, các tòa nhà và quy trình sản xuất được thiết kế để giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng năng lượng.
Sản xuất các linh kiện về điện máy và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đến nay Công ty TNHH Sharp Manufacturing Việt Nam tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore IIA (VSIP IIA) có quy mô sản xuất tăng gấp 1,6 lần so cùng kỳ năm 2022, cuối năm 2022 số lượng nhân viên là 1.000 người, đến thời điểm hiện đã tăng lên hơn 1.700 nhân viên.
Bên cạnh việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, sản xuất bền vững, công ty rất quan tâm đầu tư việc sử dụng các nguồn năng lượng mới. Hiện tại công ty đã có kế hoạch để đầu tư nhằm có thể sử dụng được nguồn năng lượng mặt trời và đang xin phép và làm việc với ngành điện để có thể lắp đặt tấm lưới điện mặt trời áp mái tại doanh nghiệp nhằm giảm thải khí CO2.
Theo đó, năm 2019 nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng có vốn đầu tư 120 triệu Euro của Công ty Tetra Pak (Thụy Ðiển), nhà cung cấp các giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới đi vào hoạt động tại Bình Dương với công suất giai đoạn đầu 12 tỷ hộp giấy mỗi năm. Sự kiện đánh dấu lần đầu Việt Nam có nhà máy sản xuất vật liệu hộp giấy đựng đồ uống; đồng thời, đưa Việt Nam vào bản đồ cung ứng toàn cầu của Tetra Pak.
Theo Công ty Tetra Pak, đây là nhà máy thứ tám của Tetra Pak trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quy mô tầm cỡ khu vực được thiết lập để sản xuất các hộp giấy tiệt trùng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Australia và New Zealand.
Ngoài Tetra Pak, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia rộng rãi vào các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Bình Dương trong công nghiệp chế biến, chế tạo như điện tử, cơ khí, máy móc, da giày, dệt may... Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, như: Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam đầu tư chuỗi liên hợp hóa sợi-dệt-nhuộm với vốn hơn 274 triệu USD, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam đầu tư hơn 179 triệu USD sản xuất các loại sợi và vải, Công ty TNHH Singtex Việt Nam đầu tư 50 triệu USD nhằm sản xuất các loại vải nhằm cung cấp cho ngành dệt may, Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD để sản xuất sợi lốp polyester, Công ty TNHH lốp Kumho Việt Nam đầu tư hơn 128 triệu USD để sản xuất lốp xe ô-tô cung cấp cho ngành ô-tô...
Bên cạnh các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng chú trọng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ở Bình Dương và đã đạt nhiều kết quả khả quan, tăng tỷ trọng nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu, như: Công ty cổ phần Ðầu tư Thái Bình đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ngành giày da, Công ty cổ phần Cao-su Thái Dương đầu tư sản xuất sản phẩm cao-su kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp và gia dụng, Công ty cổ phần Sáng Ban Mai đầu tư và sản xuất máy phát điện công nghiệp đủ chủng loại lên đến 2.500 kVA với tỷ lệ nội địa hóa hơn 40%, Công ty cổ phần Hưng Hải Thịnh đầu tư sản xuất lốp ô-tô...
Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, thu hút nhiều dự án đầu tư công nghiệp hỗ trợ đã giúp bức tranh công nghiệp tỉnh Bình Dương thay đổi rõ nét, đưa giá trị xuất siêu liên tục tăng đều qua các năm. Cụ thể, xuất siêu năm 2016 đạt 3,8 tỷ USD, đã tăng lên hơn 8,7 tỷ USD vào cuối năm 2023.
Ðạt được kết quả này, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trong, ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất. Cuối năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Ðề án định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ năm 2020 đến năm 2025, tỉnh phát triển bốn cụm công nghiệp hỗ trợ, mỗi cụm có diện tích 75 ha, trong đó, có cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành cơ khí. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Bên cạnh bước đột phá quan trọng này, tỉnh rất chú trọng các khu công nghiệp khác và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nhằm sản xuất và cung ứng sản phẩm cho nhà đầu tư trong nước phục vụ sản xuất và xuất khẩu, tăng giá trị gia tăng, tăng chuỗi cung ứng tại thị trường trong nước...