Bước chuyển mạnh mẽ ở huyện vùng cao Na Hang

Vượt lên những khó khăn của huyện vùng cao, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã nắm bắt thời cơ, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ các nguồn lực, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thị trấn Na Hang được quy hoạch khang trang, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã.
Thị trấn Na Hang được quy hoạch khang trang, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã.

Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm

Bí thư Huyện ủy Vân Ðình Thảo và Chủ tịch UBND huyện Na Hang Hoàng Anh Cương cho biết, lãnh đạo huyện vừa làm việc lần thứ ba với lãnh đạo Tập đoàn Mavin, doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a đầu tư tại Việt Nam đã phát triển thành công chuỗi giá trị Từ nông trại tới bàn ăn, cung cấp cho thị trường chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và vật phẩm. Ðây là cơ hội giúp huyện Na Hang mở ra hướng phát triển mới trong việc khai thác những thế mạnh của địa phương như chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản trên hồ Na Hang thuộc lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Qua đó, sẽ thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển và bền vững. Các đồng chí cho biết thêm, ba năm qua, huyện luôn hoàn thành vượt mức 18 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đề ra hằng năm, nhất là thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 21 (nhiệm kỳ 2016-2020), kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch, xây dựng, công nghiệp; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp; huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nông nghiệp, thủy sản dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; kinh tế du lịch tiếp tục phát triển mạnh; đời sống nhân dân được nâng lên, tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 21 đề ra ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là tập trung lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển mạnh đàn trâu, bò, cá đặc sản; cây chè đặc sản, đậu tương, đậu xanh, lúa chất lượng cao; đẩy mạnh khai thác tiềm năng về hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ; Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển nâng cấp thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã trong tương lai.

Từ việc xác định nhiệm vụ trọng tâm đúng và trúng với điều kiện và thực tế, Huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025, triển khai Ðề án của UBND huyện về phát triển một số cây trồng hàng hóa (Lúa nếp đặc sản, đậu tương, đậu xanh, rau sạch) huyện Na Hang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Từ đó, đã xác định và hoàn thiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: sản xuất rau an toàn, phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, cải tạo, phát triển cây ăn quả ôn đới, lúa nếp đặc sản, đậu tương, đậu xanh, rau đặc sản... góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất. Từ năm 2016 đến nay huyện đã hỗ trợ 1.100 kg giống đậu tương, 400 kg giống đậu xanh cho các xã Sinh Long, Yên Hoa, Ðà Vị; tổ chức trồng tập trung 7,3 ha lúa nếp đặc sản tại xã Thượng Nông, 20 ha đậu tương tại xã Sinh Long, 20 ha đậu xanh tại xã Ðà Vị, Yên Hoa; phối hợp trồng chín héc-ta rau đặc sản các loại tại xã Hồng Thái. Thực hiện dự án trồng mới và chăm sóc 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên đặc sản tại xã Hồng Thái. Phối hợp thực hiện dự án cải tạo, khôi phục chè shan tuyết, đưa nghề sản xuất chè shan tuyết trên địa bàn xã Sinh Long theo hướng ổn định, bền vững. Thực hiện đưa các giống lúa năng suất cao, ổn định, chất lượng, triển khai các đề tài trồng thử nghiệm sản xuất với các giống lúa đặc sản mang lại, giá trị kinh tế cao và phù hợp điều kiện địa phương.

Năm 2016, triển khai thực hiện thành công bảy mô hình trồng thử nghiệm lúa chất lượng cao trước khi nhân rộng, kết quả năng suất lúa bình quân các mô hình đều đạt hơn 61 tạ/ha. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết của tỉnh hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, phát triển đàn trâu, bò có giá trị, phù hợp điều kiện địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Ðến nay, toàn huyện có 93 hộ gia đình, ba doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với 675 lồng cá các loại, tăng hơn 140 lồng so với năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đạt 657 tấn, vượt 2,3% kế hoạch. Toàn huyện có 22 hộ chăn nuôi trâu, bò với quy mô hơn 15 con; 36 hộ chăn nuôi với quy mô hơn 10 con. Quan tâm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu như: Cá sạch Na Hang, Rau an toàn Hồng Thái, Chè shan tuyết Na Hang.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ðẩy mạnh khai thác tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn; thực hiện kế hoạch phát triển du lịch huyện Na Hang giai đoạn 2016 - 2020. Phát triển du lịch gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc, trọng tâm là bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, các lễ hội truyền thống. Huyện phối hợp Bảo tàng tỉnh hoàn thiện hồ sơ đo đạc, định vị, khoanh vùng bảo vệ 28 di tích trên địa bàn. Duy trì tổ chức các Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, hội bắt cá tại xã Năng Khả vào dịp Tết truyền thống hằng năm, lễ hội giã cốm, đua mảng ngóc, các câu lạc bộ hát then, đàn tính,... xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên tỉnh được đẩy mạnh. Ðã tạo ra sự kết nối các tuyến đường thủy từ Na Hang với các xã của huyện, nối liền với khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn; huyện Bắc Mê của tỉnh Hà Giang. Tích cực phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh và tỉnh Bắc Cạn trong xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình là Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt; đề nghị UNESCO công nhận Khu di sản thiên nhiên Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) là Di sản thiên nhiên thế giới.

Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư; khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch; phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị các sản phẩm hàng hóa là đặc sản của địa phương như: rượu ngô, chè shan tuyết, đậu xanh, đậu tương, thịt chua, thịt trâu khô...; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch. Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Giai đoạn 2016 - 2018, khách đến tham quan, du lịch ước đạt hơn 100.000 lượt, đạt 77% kế hoạch 5 năm.

Hướng tới xây dựng Na Hang trở thành thị xã trong tương lai

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển nâng cấp thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã trong tương lai, UBND huyện Na Hang đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị trên địa bàn thị trấn Na Hang; rà soát điều chỉnh và lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư; khu chức năng: trung tâm chính trị - hành chính; dịch vụ thương mại, du lịch; văn hóa - thể thao; khu xử lý chất thải... Chỉ đạo các đơn vị của huyện phối hợp các cấp, các ngành của tỉnh xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm và tiếp tục triển khai các hạng mục nâng cấp đô thị, hoàn thiện tuyến kè bảo vệ sông Gâm (bờ phải); cầu Ba Ðạo, cầu Tát Luông - Hang Khào, Khu đón tiếp khách du lịch Thác Mơ thuộc khu du lịch sinh thái Na Hang, đường giao thông lên khu Lâm Viên Phiêng Bung... Xây dựng và đưa vào sử dụng công trình vườn hoa nút giao thông tại trung tâm thị trấn; công trình nhà Hiệu bộ, lớp học Trường tiểu học thị trấn Na Hang, hoàn thiện mặt bằng công trình nút giao đầu cầu cứng đấu nối với quốc lộ 279. Hiện nay, đang triển khai thi công xây dựng tuyến đường nội thị thuộc dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng xã Thanh Tương; công trình Dự án hạ tầng du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; các hạng mục phụ trợ khu vực Huyện ủy, UBND và các đoàn thể huyện.

Na Hang đang triển khai thực hiện năm tiêu chí và 52 tiêu chuẩn được quy định trong Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về phân loại đô thị. Trong đó, tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng Quảng trường và nhà văn hóa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số hạng mục công trình theo hướng hợp khối, tạo những không gian công cộng bảo đảm mỹ quan đô thị; mở rộng đường giao thông, bố trí cây xanh, tạo không gian mở và điểm nhấn cho đô thị.

Từ những nỗ lực đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn vượt 5% so với chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 21 đề ra; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 19,7 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia 89,1%; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đến năm 2017 đạt 657 tấn; trồng rừng tập trung giai đoạn từ năm 2016 đến sáu tháng đầu năm 2018 được 2.043,5 ha, tỷ lệ che phủ rừng 79%; tỷ lệ hộ nghèo ước thực hiện năm 2018 giảm xuống còn 34,31%, bình quân giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là 5,3%/năm, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Thời gian tới, huyện Na Hang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, tận dụng cao nhất tiềm năng, lợi thế của huyện để mở rộng vùng sản xuất đậu tương, đậu xanh, lúa nếp cái hoa vàng tại các xã có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc (trâu, bò, dê); khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ thủy điện gắn với chế biến, nhất là phát triển nuôi cá đặc sản. Phát huy tiềm năng du lịch của huyện; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án về du lịch, dịch vụ theo hướng chất lượng, phát triển bền vững. Trong đó: Sưu tầm, nghiên cứu khôi phục lễ hội giã cốm (dân tộc Tày) gắn với liên hoan hát then, đàn tính; lễ hội Cấp sắc, lễ Nhảy lửa (dân tộc Dao); lễ hội đua mảng ngóc; xây dựng các làng văn hóa du lịch; tổ chức các Tuần văn hóa du lịch và các lễ hội dân gian truyền thống hằng năm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và các danh lam thắng cảnh; nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chú trọng công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, thực hiện quản lý quy hoạch và quản lý đô thị theo quy định của pháp luật. Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị loại V tại trung tâm các xã Yên Hoa, xã Ðà Vị; nâng cấp thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV và chuẩn bị các điều kiện để thành lập thị xã Na Hang trong tương lai.