Đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), và mới đây là khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc (Hà Nam) trong dịp cuối tuần qua là những địa điểm được truyền thông nhắc tới nhiều nhất, không phải chỉ là là những điểm du lịch tâm linh đầu tiên mở cửa sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng” do dịch bệnh diễn biến phức tạp, mà còn là những nơi mà du khách đổ xô đến hàng chục nghìn lượt người.
Ở đền Cửa Ông, số lượng du khách kéo đến vào dịp cuối tuần lên đến 21 nghìn người, chùa Hương trong buổi sáng 13-3 đón khoảng 16 nghìn du khách và ước tính cuối tuần đón khoảng 40-50 nghìn du khách. Đặc biệt, tại Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc trong ngày 14-3 đã đón 40-50 nghìn người, con số vượt qua cả dự kiến của cả Ban quản lý chùa lẫn chính quyền địa phương. Số lượng du khách đông bất thường đã gây ùn tắc cục bộ tại một số khu vực trong chùa và khiến cho Ban quản lý chùa gặp khó khăn trong việc xử lý. Số lượng du khách đến các điểm du lịch tâm linh, di tích này tuy chỉ bằng khoảng 50% so với khi chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng là con số cao bất thường trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi và còn diễn biến phức tạp ở một số nơi.
Dịch bệnh xảy ra vào đầu năm 2020 đúng mùa lễ hội, cùng với những diễn biến phức tạp sau đó đã khiến các địa phương phải đóng cửa toàn bộ các lễ hội. Lệnh giãn cách xã hội đầu năm 2020, và sau đó là yêu cầu tuân thủ những quy định về an toàn trong dịch bệnh cũng đã khiến cho nhu cầu đi chùa, dự lễ hội… phải giảm đáng kể. Đầu năm nay, thời điểm Tết cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số địa phương, cho nên các lễ hội xuân tiếp tục bị dừng lại. Chính vì thế, khi một số tỉnh thông báo mở cửa trở lại các di tích, điểm du lịch tâm linh, tâm lý du khách giống như một chiếc lò xo bị nén đã đến ngày được bung ra.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc phòng chống dịch Covid-19 trước mùa lễ hội. Ngay đầu năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 365/BVHTTDL-VHCS ngày 29-1-2021 yêu cầu các địa phương có dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người; đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của ngành y tế tại nơi tổ chức các hoạt động...
Trước đó, Bộ cũng đã ban hành công văn số 5050/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành. Thậm chí, công văn còn nêu rõ, sẽ tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; Giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể hơn, công văn cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động du lịch; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại nơi công cộng; tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tham gia lễ hội theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các địa phương cũng đã thận trọng và chặt chẽ khi đưa ra những quy định về khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và giữ khoảng cách đối với người tham gia các hoạt động lễ hội, tâm linh. Tuy nhiên, trong tình trạng quá đông du khách dồn về một địa điểm trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, khó có thể bảo đảm tất cả các quy định về phòng chống dịch đều được tuân thủ, nhất là yêu cầu về giữ khoảng cách. Đặc biệt, có thể thấy trong số những người đi lễ, có không ít người chủ quan, không đeo khẩu trang.
Nhu cầu đi lễ của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường, các địa phương có các điểm du lịch tâm linh cần nâng cao ý thức của người dân, để những mùa lễ hội vẫn được diễn ra trong an toàn, nhất là khi vẫn còn nhiều điểm du lịch tâm linh, di tích, thắng cảnh… đang chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại.