Bùng nổ cơn sốt gẩy kẹo trong phim “Trò chơi con mực”

NDO -

Những hộp kẹo mang hình vuông, tròn, chiếc ô, ngôi sao… trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc đình đám “Squid game” (“Trò chơi con mực”) đang bùng nổ thành cơn sốt ở nhiều nước trên thế giới.

Những chiếc kẹo dalgona trở nên đắt khách sau khi bộ phim "Squid Game" phát sóng. (Ảnh: Reuters)
Những chiếc kẹo dalgona trở nên đắt khách sau khi bộ phim "Squid Game" phát sóng. (Ảnh: Reuters)

Với nội dung là một cuộc thi tranh giải thưởng là số tiền khổng lồ hơn 40 tỷ won (38,4 triệu USD) thông qua các thử thách là các trò chơi của trẻ nhỏ, bộ phim “Squid game” đã trở thành một hiện tượng phim truyền hình trên nền tảng Netflix, với rating cao vọt ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Một trong những chi tiết được quan tâm nhiều ở bộ phim là hộp kẹo dalgona với chiếc kẹo mỏng khắc hình, được đem ra thách đố người chơi tách được hình bên trong một cách nhanh nhất mà không làm vỡ kẹo. Nếu không thực hiện được, người chơi ngay lập tức bị những người giám sát trò chơi bắn chết.

Trong thực tế, kẹo dalgona có nhiều hình khắc khác nhau, nhưng trong "Squid Game", thử thách đưa ra 4 hình ngôi sao, chiếc ô, vuông và tròn. Mỗi chiếc kẹo có giá bán khoảng 2 nghìn won (1.68 USD), tuy nhiên người mua có thể được tặng thêm 1 chiếc khi mua 1 chiếc kẹo nếu tách được mà không làm vỡ chiếc đầu tiên.

Bùng nổ cơn sốt gẩy kẹo trong phim “Trò chơi con mực” -0
An Yong-hui và nhân viên đang làm kẹo trong quầy kẹo nhỏ của mình.  

An Yong-hui, 37 tuổi là một thợ làm kẹo có thâm niên 8 năm, bán kẹo trong một khu đại học ở thủ đô Seoul. Khi tập thứ 3 của bộ phim với nội dung tách kẹo được chiếu vào tháng 6/2020 ở Hàn Quốc, anh và các nhân viên của mình đã làm được tới 700 chiếc kẹo từ 15kg đường. Trò chơi này trong bộ phim được mô tả là “ngọt ngào và chết chóc”.

Khi bộ phim được phổ biến rộng rãi hơn vào cuối tháng trước và trở thành một hiện tượng trên truyền hình, An đã không thể về nhà trong một tuần bởi vì những người hâm mộ bộ phim "Squid Game" đã xếp hàng kín khu vực quầy kẹo vỏn vẹn 2m2 của anh từ sớm, háo hức chờ đợi được cầm chiếc kẹo trên tay và thử tách hình. Tính đến nay, mỗi ngày anh bán được khoảng 500 chiếc kẹo, nhưng con số này vẫn thấp hơn so với khoảng thời gian đầu tiên bộ phim lên sóng. 

Ở Hàn Quốc, kẹo dalgona thường được bán bên ngoài cổng các trường học cho đến đầu những năm 2000, nhưng giảm dần từ sau đó. Theo An Yong-hui, loại kẹo này thậm chí có từ trước đó.

Lee You-hee, một sinh viên mới tại Seoul cho biết: “Tôi đã nghe rất nhiều về thử thách đối với loại kẹo này từ bố và bà tôi, và rất tò mò. Đây là lần đầu tiên tôi thử, và tôi đã sốc khi thấy nó dễ vỡ như vậy”.  Lee You-hee đã làm vỡ chiếc kẹo của mình khi thử tách ngay sau khi mua từ cửa hàng của An. 

Cùng với sự bùng nổ của bộ phim, người xem từ khắp thế giới đang liên tục post các video quay cảnh mình nỗ lực tách kẹo và vượt qua thử thách như thế nào trên nền tảng TikTok và các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Bùng nổ cơn sốt gẩy kẹo trong phim “Trò chơi con mực” -0
 Trò tách kẹo đang thu hút rất đông giới trẻ.

Thậm chí những trang thương mại điện tử lớn như Amazon hay eBay hoặc Coupang đều bán những bộ dụng cụ để nấu và tách kẹo với giá khoảng 29,99 USD.

Ở Singapore, Brown Butter Café là điểm kinh doanh mới nhất khai thác cơn sốt kẹo dalgona từ "Squid Game". Ngồi tập trung cao độ đến nhíu cả lông mày, Wang Chen, một fan hâm mộ của "Squid Game" cuối cùng cũng phải nhặt bỏ đi chiếc kẹo dalgona không tách thành công của mình. Nếu trong phim, điều này có nghĩa là Wang Chen phải trả giá bằng sinh mạng, nhưng ở đây, anh chỉ để tuột khỏi tay phần thưởng của mình. “Tôi gần như đã tách được. Nếu đúng như trong phim, tôi “đi” rồi” – Wang chia sẻ. Bên cạnh Wang, bạn anh là Zhang Qi cũng đang chăm chú với cây kim. “Thật là một thảm họa. Cô ấy mà ở trong phim thì chắc bị bắn ngay từ phút đầu” – anh đùa.