Bùi Bài Bình: Đi tìm cái mới qua từng vai diễn

Bùi Bài Bình: Đi tìm cái mới qua từng vai diễn

- Từ trước đến nay, khán giả vẫn quen thấy Bùi Bài Bình trong những vai diễn hiền lành, thật thà. Nhưng hai bộ phim “Ma làng” và “Gió làng Kình” đã cho thấy khả năng diễn phong phú của anh với những nhân vật độc ác, thâm hiểm, khác hẳn nhưng gì anh thường thể hiện. Anh có gặp khó khăn khi chuyển sang những vai diễn như vậy? 

- Là một diễn viên bản lĩnh phải hóa thân được vào những vai diễn đa dạng. Hiện nay, cơ hội lựa chọn vai diễn của các diễn viên cũng không nhiều, một năm chỉ được tham gia một, hai phim. Có những kiểu vai mình thích nhưng chưa chắc đã được đạo diễn chọn lựa. Có những phim được mời, nhưng khi đọc kịch bản lại thấy không phù hợp. Vì vậy, với người làm nghề này, mỗi vai diễn phải là một sự rèn luyện, gọt rũa. 

- Nếu được lựa chọn, anh thích những kiểu vai nào?  

Bùi Bài Bình và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

- Tôi thích những vai diễn hiền lành, kỹ sư hay bộ đội, cán bộ. Tuy nhiên, dù ở vai diễn nào, cũng phải tích cóp kinh nghiệm sống để diễn cho thật “đời”. Theo quan điểm của cá nhân tôi, những vai diễn do diễn viên tự “nặn” ra thường không có sức sống và dễ bị lặp. 

- Trong những vai diễn của mình, anh thích và ấn tượng nhất với nhân vật nào? 

- Tôi vẫn còn nhớ vai Trác trong phim “Kén rể” của đạo diễn Phạm Văn Khoa năm 1974. Lúc đó tôi mới đang học năm thứ 2 trường điện ảnh, đây là vai diễn đầu tiên của tôi. Ngoài ra, những vai diễn trong “Những con đường” (năm 1979), đóng chung cùng Lê Vân, hay “Mùa ổi” (năm 2001) và gần đây là “Ma làng” (2007) tôi đều rất thích.  

Khuếnh ăn mặc nửa quê nửa tỉnh.

- Bộ phim “Gió làng Kình” được coi là phần phát triển của “Ma làng”. Vậy từ vai Tòng của “Ma làng” cho đến vai Khuếnh của “Gió làng Kình”, anh có thấy điều gì khác biệt?

- Cả hai nhân vật đều là những hình ảnh điển hình về nạn cường hào mới ở nông thôn hiện nay, nhưng Tòng thể hiện một tính cách kiểu Chí Phèo, lôi kéo bè cánh, hành xử côn đồ để trục lợi. Còn Khuếnh cũng tham lam, nhưng với mục đích khác Tòng, do xuất thân từ một gia đình không thuận hòa nên anh ta phá phách để trả thù. Nhân vật Khuếnh có học hành đàng hoàng, và cũng rất thâm hiểm, chứ không thể hiện thái độ rõ ràng ngay từ đầu như Tòng. Sự đểu giả và ti tiện của một người có học như Khuếnh đáng sợ hơn nhiều so với cái xấu ở Tòng. Tôi đã phải đầu tư rất kỹ cho nhân vật Khuếnh, từ cách để tóc, trang phục cho đến lời nói, cử chỉ. Tôi tạo ra Khuếnh như một trí thức nửa nông thôn nửa thành thị, với mái tóc rẽ ngôi giữa, đeo kính nhưng lại ăn vận quần ta, áo ta.

- Giữa hai bộ phim có mô típ gần giống nhau, anh có sự so sánh nào về kịch bản không?

- Thành thật mà nói, ban đầu tôi không thích kịch bản “Gió làng Kình”. Nhân vật Tòng của “Ma làng” quá hay, mà Khuếnh trong “Gió làng Kình” lại là nhân vật một chiều. Tuy nhiên, đây là ê-kíp đã thực hiện “Ma làng”, phim lại mang tính thời sự, nên tôi muốn thử sức mình. Ở “Ma làng”, mỗi tập phim là một câu chuyện, và tính cách nhân vật được phát triển liên tục. Còn ở “Gió làng Kình”, tính cách nhân vật lộ ra ngay từ đầu. Kịch bản phim giống như cô gái có duyên ngầm, ban đầu chưa thích, nhưng càng đọc càng thấy hay.

Trưởng thôn Khuếnh bỏ trốn trong đêm mưa,
còn diễn viên Bùi Bài Bình ốm một tuần.

- Anh có thể cho biết một vài kỷ niệm nhỏ khi đóng “Gió làng Kình”?

- Chúng tôi đóng “Gió làng Kình” vào mùa đông năm 2007. Khi chuẩn bị quay cảnh kết phim, tôi và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã bàn nhau cho nhân vật Khuếnh bỏ làng trốn đi vào một đêm mưa. Đêm đó, cảnh quay diễn ra trên đê sông Đuống với xe phun nước từ 6h chiều cho đến nửa đêm. Kết quả là sau đó tôi ốm đúng một tuần liền.

Một câu chuyện vui vui khác: Thời gian chúng tôi quay “Gió làng Kình” ở vùng ven đô Hà Nội, cũng là lúc đài truyền hình đang phát sóng “Ma làng”. Nhiều lần tôi đi bộ trong làng, người làng trông thấy đã gọi ầm lên “Ông Tòng kìa”, khiến tôi rất cảm động, bởi vai diễn của mình đã được người xem nhớ.

- Hiện nay, nhiều nghệ sĩ đã phải dùng kinh doanh để nuôi nghệ thuật do cuộc sống khó khăn. Anh nghĩ thế nào về điều này?

- Tại sao lại không nhỉ? Nếu danh tiếng của anh giúp kinh doanh thành công thì quá tốt. Những năm 1990-2000, cơ hội đóng phim rất ít, tôi đã phải chuyển sang làm kinh doanh cùng một người bạn. Sau này, vợ chồng tôi có mở một quán cà phê nhỏ, tiền thu được đủ nuôi hai con ăn học nên người. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn duy trì quán cà phê này như một nơi lui tới của bè bạn và là nguồn thu phụ cho gia đình.

- Anh có thể “bật mí” phim mới nhất sắp tới của mình không?

- Ê-kíp làm phim “Vận may” vừa mời tôi một vai, nhưng mọi việc chưa bắt đầu. Đối với tôi, việc chọn kịch bản hay là quan trọng, nhưng không thể thiếu một ê-kíp tốt để quyết định thành bại của bộ phim.

- Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện, và chúc anh ngày càng thành công trong sự nghiệp!

Tốt nghiệp diễn viên điện ảnh khoá 2, nghệ sĩ Bùi Bài Bình được phân công công tác về Đoàn kịch Điện ảnh (Hãng Phim truyện Việt Nam.) Anh gắn bó với Hãng Phim truyện Việt Nam từ ngày ấy đến nay.  

Bài Bình luôn góp mặt trong các bộ phim với những nhân vật hiền lành, tốt bụng. Điển hình cho mẫu nhân vật hiền lành, thân thiện mà Bùi Bài Bình đã vào vai là Hòa hâm trong Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bùi Bài Bình thể hiện rất thành công nét ngây ngô đến đáng thương của người trí não không phát triển... Và với vai diễn này, anh đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13. 

Năm 2006 là một bước ngoặt lớn đối với Bùi Bài Bình khi anh được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mời vào một vai diễn hoàn toàn khác trước. Vai diễn anh thư ký ủy ban xã lươn lẹo, mưu mô để rồi trở thành chủ tịch xã Tòng với nhiều mưu mô, thủ đoạn xảo quyệt, “Ma làng” đã giúp khán giả thấy một Bùi Bài Bình thực sự mới mẻ. 

(Trích giới thiệu của VTV)