“Bức tử” suối Lương để làm du lịch

Nhiều tiềm năng, dư địa và lợi thế để phát triển du lịch, song, hiện tại khu vực suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã bị biến thành một đại công trường khi người dân, doanh nghiệp ngang nhiên đắp đập, ngăn dòng. Thực trạng này đã diễn ra rất nhiều năm qua, khiến suối Lương trở thành dòng suối chết với hàng chục đập ngăn, nguồn nước trơ đáy, cạn dòng.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp tự ý ngăn dòng, tạo ruộng bậc thang trong lòng suối Lương.
Doanh nghiệp tự ý ngăn dòng, tạo ruộng bậc thang trong lòng suối Lương.

Việc tự ý đắp đập, ngăn dòng tạo thành các hồ tắm phục vụ du lịch sinh thái đã diễn ra hàng chục năm qua tại khu vực du lịch suối Lương. Vì lý do “lịch sử để lại” nên đến thời điểm này, tình trạng nêu trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điều đáng nói, khi đầu nguồn suối bị ngăn dòng, thì hạ du của suối cạn trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân đang canh tác, trồng lúa phía hạ du.

Sáng 23/3, có mặt tại khu vực suối Lương, phóng viên ghi nhận thực trạng nêu trên. Trong Khu du lịch sinh thái Suối Lương (thuộc Công ty cổ phần Danatol) như một đại công trường. Suối Lương bị ngăn dòng trơ khốc, tạo thành những hố đá sâu với mục đích tích nước làm du lịch và rất nhiều hạng mục công trình mới đang được triển khai. Nhiều đoạn kè được gia cố bằng đá bọc lưới sắt kiên cố. Việc ngăn dòng, đắp đập không chỉ diễn ra tại khu vực của Khu du lịch sinh thái Suối Lương mà tại các khu vực của nhiều cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái khác dọc suối. Các tác động đến đầu nguồn của suối Lương khiến cho cả ba nhánh chảy của suối hầu như cạn nước. Nếu nhìn bao quát, toàn bộ suối Lương hiện trạng giống như ruộng bậc thang chứa nước.

Một chủ doanh nghiệp du lịch (là hộ kinh doanh cá thể nhỏ nằm trong số 11 hộ tự phát) khẳng định, các hạng mục đập, kè trên suối Lương đã có từ rất lâu rồi. Sau trận ngập lịch sử tại Đà Nẵng ngày 14/10/2022, toàn bộ đập, kè đã bị nước và đá phá vỡ hoàn toàn.

Các hộ dân đã xin chính quyền địa phương vận chuyển đá, khơi thông dòng chảy, sửa sang lại để kinh doanh. Thậm chí, có hộ đã thuê máy móc, đưa một khối lượng lớn đá, sỏi lên bờ. Nhiều cát, đá, vật liệu xây dựng vẫn đang được tập kết tại đây. Tuy nhiên, khi phóng viên xin vào phía trong khu du lịch này để ghi nhận hiện trạng, chủ doanh nghiệp này từ chối khéo và nói rằng, hiện công trình đang sửa sang nên không tiện.

Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng cho biết, khu vực suối Lương có tổng cộng 11 điểm du lịch tự phát và một khu du lịch được Ủy ban nhân dân thành phố cấp phép là Khu du lịch sinh thái Suối Lương thuộc Công ty cổ phần Danatol. Phần lớn các hộ kinh doanh tự ý dựng lều, quán và chặn dòng suối.

Ông Nhơn khẳng định địa phương đã nắm rõ việc doanh nghiệp, người dân tự ý đắp đập, chặn dòng tại khu vực suối Lương và đã mời các hộ kinh doanh đến họp, cam kết không xây dựng trái phép, không tự ý kè ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của suối. Vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã lập đoàn kiểm tra việc xây dựng, ngăn dòng tại khu vực suối Lương. Đến ngày 23/3, địa phương đã có văn bản thông báo yêu cầu tháo dỡ các đoạn kè ngăn suối.

Văn bản gửi Công ty cổ phần Danatol đề nghị doanh nghiệp này tự giác tháo dỡ toàn bộ các công trình ngăn suối thuộc dự án của đơn vị. Thời gian thực hiện tháo dỡ đến ngày 27/3/2023, nếu quá thời gian này, phường Hòa Hiệp Bắc sẽ tiến hành thủ tục xử lý vi phạm hành chính, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ. Ngoài ra, phường cũng ban hành văn bản gửi các cơ quan chức năng về kiểm tra việc thi công, cải tạo một số hạng mục công trình tại dự án Khu du lịch sinh thái Suối Lương.

Ông Hà Thúc Nhơn cho hay, do lịch sử để lại, các quy định chưa rõ ràng, cho nên việc xử lý các sai phạm tại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch nhưng hiện đang vướng nhiều quy định cũ nên rất khó trong việc quản lý. Để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên, phường đề nghị chính quyền sớm có chủ trương quy hoạch phát triển du lịch, giao về cho địa phương quản lý. Để địa phương căn cứ vào chủ trương đó, xây dựng đề án phát triển du lịch tại khu vực suối Lương bài bản, đúng quy định hiện hành. Từ đó, người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách và địa phương quản lý chặt chẽ, tốt hơn.

“Quan điểm của địa phương là vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Không chỉ doanh nghiệp này mà tất cả các hộ dân hiện đang kinh doanh tự phát tại khu vực suối Lương cũng buộc phải tháo dỡ, trả lại tình trạng ban đầu cho suối. Cấm xây dựng trái phép, không xây đập, xây kè chặn dòng. Nếu doanh nghiệp và người dân không chấp hành tự tháo dỡ, địa phương sẽ cưỡng chế, kể cả phải điều động máy móc, trang thiết bị chuyên dụng. Qua kiểm tra, địa phương xác nhận tại Khu du lịch sinh thái Suối Lương có một số công trình, hạng mục đang thi công, cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới và đặc biệt là xây dựng kè ngăn dòng suối Lương. Qua kiểm tra hồ sơ do khu du lịch cung cấp, việc ngăn đập, đắp kè dưới suối không nằm trong các hạng mục được cơ quan chức năng cấp phép”, ông Nhơn khẳng định.

Phát triển du lịch bền vững là định hướng mà thành phố Đà Nẵng đã và đang chủ trương thực hiện, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái. Dựa vào điều kiện tự nhiên để khai thác du lịch, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân là mục tiêu nhân văn, hướng phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, hiện trạng "bức tử", băm nát hơn 2km dòng suối tự nhiên như suối Lương thì đang tàn phá thiên nhiên, gây ra nhiều hệ luỵ lớn.

“Bức tử” suối Lương để làm du lịch ảnh 1

Bức tử suối Lương làm du lịch sinh thái gây hệ lụy lớn.