Bữa cơm trên đồi thông

Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới.
Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới.

Giữa lúc mọi người đang say sưa với bản đồng ca, Bác vui vẻ rời khỏi hội trường ra thăm doanh trại. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường sá lượn quanh các ngọn đồi thoai thoải nối tiếp nhau, Bác rất hài lòng.

Nhân lúc Bác vui, các đồng chí trong Bộ tư lệnh ngỏ ý mời Bác ở lại ăn cơm. Bác chưa trả lời, Người bảo đồng chí chính ủy đưa sang thăm các đồng chí anh nuôi.

Từ nhà bếp, mùi xào nấu bay ra thơm phức. Từng chồng bát đĩa men trắng, lấp lánh xếp gọn trên bàn.

Bác cười, bảo: "Cỗ to đấy!"

Thoáng thấy Bác, các đồng chí anh nuôi đã chạy ra đón. Người vui vẻ hỏi ngay:

- Cỗ có mấy món, các chú?

- Thưa Bác, có sáu món ạ!

- Những món gì ?

- Dạ... có gà quay, chim tần, chân giò hầm...

Ðồng chí chính ủy hơi đỏ mặt, đưa mắt ra hiệu.

Ðồng chí tiểu đội trưởng cấp dưỡng chợt hiểu ý, dừng lại, mỉm cười chữa thẹn:

- Dạ, còn món rau và canh nữa ạ!

Bác cười, rồi thân mật bảo các đồng chí anh nuôi:

- Bác cảm ơn các chú đã săn sóc Bác, nhưng vì Bác bận nhiều việc, nên để đến khi nào xây dựng Ðiện Biên thắng lợi, Bác sẽ tới liên hoan với các chú.

Bác bắt tay đồng chí tiểu đội trưởng và vẫy chào anh em, rồi đi về phía ô-tô đang đợi.

Một đồng chí anh nuôi khẩn khoản:

- Chúng cháu thức suốt đêm qua để chuẩn bị đón Bác, Bác không ở lại xơi cơm với chúng cháu được thì xin Bác nhận cho chúng cháu một chút quà.

Không đợi Bác trả lời, mấy anh em khác vội vàng mang quà đặt vào xe. Bác ra hiệu ngăn lại, nhưng không kịp.

Nhân lúc Bác đang dặn dò thêm đồng chí chính ủy sư đoàn, đồng chí phụ trách khẽ nhắc tôi:

- Ðồng chí đi trước, tìm chỗ nào "sơn thủy hữu tình" chuẩn bị ăn cơm trưa ở đó. Ngừng lại, suy nghĩ một lúc, rồi đồng chí ấy ghé sát tai tôi, nói nhỏ: Từ đây về Hà Nội chỉ độ một giờ, đồng chí cứ liệu xem... Nếu không có chỗ nào thuận tiện, thì ta về thẳng nhà là tốt nhất!

Tôi lên xe.

Chiếc xe nổ máy, lượn theo con đường quanh ven sườn đồi, rồi lướt nhanh qua thị trấn Hưng Hóa. Thị trấn Hưng Hóa lúc này, trừ dăm ba gian nhà lá mới dựng và vài đoạn đường nhựa, còn đều là những đống gạch vụn ngập trong rừng chuối. Ngôi nhà thờ lớn đứng trơ vơ, mái sập, tường vỡ loang lổ. Ðó là dấu vết tội ác mà giặc Pháp để lại, trước khi chúng thua chạy khỏi nơi đây.

Qua bến Trung Hà, tôi bắt đầu tìm nơi "sơn thủy hữu tình" như lời đồng chí phụ trách đã dặn.

Phong cảnh ở đây thật là đẹp. Ven theo sông Ðà, suốt từ Trung Hà tới dãy Tản Viên, núi đồi thoai thoải. Dãy "Năm Voi" như một đàn voi theo nhau đủng đỉnh đi về núi Tản. Phía sông Hồng, từ Trung Hà trở xuống, bóng tre xanh đang vươn lên trùm lấy những mái rạ vàng, vừa được dựng lên sau chiến tranh. Ven đường, gió vờn những cánh đồng ngô, lúa như những đợt sóng xanh từ chân trời xô lại.

Thế nhưng, tìm cho ra một nơi "sơn thủy hữu tình" nào gần đường, mà lại bảo đảm yên tĩnh để Bác nghỉ trưa thì thật là khó. Chỉ còn cách Sơn Tây chừng bảy cây số mà tôi vẫn chưa tìm ra nơi nghỉ. Tôi suy tính: "Từ đây về Hà Nội, toàn đồng bằng, làng mạc, nhân dân đông đúc. Thấy Bác, nhân dân sẽ đến, làm sao mà bảo đảm được trật tự, lại còn ăn cơm, nghỉ ngơi... Thôi, cứ theo kế hoạch của đồng chí phụ trách về nhà là tốt nhất".

Quay lại, thấy xe Bác cách xe chúng tôi chừng bốn trăm thước. Tôi quyết tâm thực hiện ý định của mình, nên bảo đồng chí lái xe:

- Về Hà Nội! Tăng tốc độ lên sáu mươi cây số giờ.

Ðồng chí lái xe hiểu ý, mỉm cười, dấn ga. Núi, đồi, thôn xóm đưa nhau chạy về phía sau. Mấy cô gái Sơn Tây áo trắng, chạy tạt sang bên đường cười, nhìn theo xe, lắc đầu chỉ trỏ... Chắc là các cô ấy đang kêu: "Xe anh bộ đội chạy nhanh quá".

Chừng được ba cây số, tôi quay lại thì không thấy xe Bác, tôi vội hỏi đồng chí lái xe:

- Chậm lại, xe Bác cách xa quá!

- Ðúng rồi, Bác tự tìm lấy nơi nghỉ ăn cơm rồi - Ðồng chí lái xe nhanh trí nghĩ ra, vừa nói vừa quay xe lại.

Khi xe chúng tôi quay lại, đã thấy xe Bác đỗ ven đường. Bác và các đồng chí cùng đi, đang lên một ngọn đồi cách đường chừng năm mươi thước. Chúng tôi dừng xe, chạy theo. Thấy tôi, Bác liền hỏi:

- Chú định tìm "sơn thủy hữu tình" ở Hà Nội hay sao?

Tôi vội đáp :

- Thưa Bác, chỗ này gần làng quá, cháu sợ không yên tĩnh - Nói xong tôi vội chạy đi giúp đồng chí cấp dưỡng già bày thức ăn.

Chúng tôi chọn khoảnh đất tương đối bằng, giữa đỉnh đồi, dưới gốc mấy cây thông, cây trám, cành lá la đà làm nơi nghỉ ăn cơm. Mấy đồng chí đi nhặt gạch ở cái lô cốt cũ vỡ, xếp làm ghế ngồi.

Trong lúc cùng nhau bày món ăn, đồng chí cấp dưỡng già thủ thỉ tâm sự:

- Bữa ăn của Bác thanh đạm lắm. Cá kho sao cho khô đanh và thơm thịt. Canh cua đồng nấu cho vừa, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt đỏ, cơm dẻo nóng sốt là được rồi. Nếu đổi món thì rau muống luộc  cho xanh, trứng luộc hơi lòng đào, thêm mấy quả cà pháo muối kiểu xứ Nghệ...

Chúng tôi đang mải chuyện, chợt thấy đồng chí phụ trách lại bảo tôi:

- Bác hỏi tình hình chiến đấu ở đây trước kia, mình không hoạt động trên chiến trường này, nên không rõ.

Tôi vội đến cạnh Bác và thưa :

- Cháu cũng không còn nhớ được mấy ạ.

Bác bảo:

- Ðược, chú nhớ đâu nói đấy!

Tôi lần lượt kể các trận đánh của Ðại đoàn Ðồng Bằng trong chiến dịch Trung Du, đã tiêu diệt gần một tiểu đoàn của giặc, thu cả đại bác 105 ly và hàng trăm súng các loại trên chặng đường này. Rồi chiến dịch Hòa Bình, trận phục kích trên đường 87 dưới chân Ba Vì, tiểu đoàn 115, tiểu đoàn 428 thuộc sư đoàn Sông Lô đã phá hủy hai xe tăng, tiêu diệt gọn hai đại đội địch, phần lớn là hạ sĩ quan da trắng. Tới trận kỳ tập điểm cao 600 trên sườn núi Ba Vì, thì tôi hứng khởi hẳn lên. Trong điều kiện ta chỉ có vũ khí bộ binh, địch có pháo binh và phi cơ tới thả pháo sáng, yểm hộ, mà chỉ trong vòng gần hai tiếng đồng hồ, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn hai đại đội địch.

Bác gật đầu tỏ ý hài lòng và hỏi thêm:

- Chú có biết những trận chiến đấu, hoặc đấu tranh của nhân dân địa phương ở đây không?

Trước câu hỏi của Bác, tôi chưa biết trả lời ra sao, thì mâm cơm đã bày xong, đồng chí cấp dưỡng già đến mời Bác lại. Trong lúc tới chỗ ăn cơm, Bác thân mật bảo chúng tôi:

- Chiến sĩ cảnh vệ chẳng những làm công tác cảnh vệ, còn phải biết lịch sử chiến đấu của nhân dân ta trong kháng chiến, lịch sử đấu tranh của cha ông mình trước kia và hiểu được cái giàu đẹp của đất nước, thì trong công tác cảnh vệ của mình mới hứng thú.

Chúng tôi vâng lời dạy bảo của Người.

Tới bàn ăn (tạm gọi như vậy), Bác bảo chúng tôi cùng ngồi quây chung quanh, Người nói đùa:

- "Sơn thủy hữu tình" thế này, mà có thơ nữa thì thật là tuyệt.

- Tiếc quá, anh Tố Hữu mà cùng đi, chúng cháu lại được nghe thơ.

Bác mỉm cười nhìn sang đồng chí vừa thưa với Bác.

Tôi nhủ thầm: Bác khéo chọn thật! Mình đã nhìn vào ngọn đồi này, nhưng không thấy ra. Bây giờ ngồi trên đỉnh đồi mà ngắm cảnh mới thấy là đẹp: sóng lúa ở đây như sóng lượn ngoài khơi khi gió nhẹ. Có thôn xóm, những mái trường ngồi xa trông như những chiếc phao đỏ, lập lờ bên những hòn đảo xanh. Những mương máng ở chân đồi, và các ruộng mía xếp hàng tăm tắp. Dãy Tản Viên, dãy Tam Ðảo hướng về xuôi như hai pháo đài khổng lồ bảo vệ đồng bằng.

Cuối bữa, đồng chí cấp dưỡng già toan đặt chuối vào mâm, Bác ngăn lại:

- Khoan chú, ta dành món chuối phần các chú ở nhà, để các chú ấy cũng được cùng chúng mình hưởng chút quà cho vui. Còn các chú ở đây, Bác thưởng mỗi người một điếu thuốc lá...

Chúng tôi sung sướng đón nhận phần thuốc Bác cho.

Tay nhận thuốc, lòng tôi cứ nao nao. Bác thương anh em mình hết chỗ nói. Ở Hà Nội, sau những bữa tiệc, Bác cũng nghĩ tới anh em. Nhiều thì ai nấy đều có phần, ít thì đồng chí cận vệ, đồng chí lái xe được hưởng. Giờ đây, chút quà nhỏ vậy, Người cũng nghĩ đến các đồng chí ở nhà.

Thấy một số đồng chí toan thôi, Bác bảo:

- Bác đã dặn nấu cơm cả suất của các chú rồi đấy. Còn quà của đại đoàn cho, không phải "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" đâu!

Chợt như nhớ ra điều gì, Bác quay lại hỏi đồng chí đội trưởng:

- Chú có báo cho các chú ở đại đoàn là chúng ta đã mang cơm theo rồi chứ?

- Dạ, có ạ!

Ðoán được câu hỏi của Bác, một đồng chí vội đỡ lời:

- Thưa Bác, các đồng chí trong đại đoàn muốn nhân dịp Bác tới thăm, mời Bác ở lại xơi cơm, để trong khi ăn cơm, còn có thể tranh thủ xin ý kiến của Bác.

Bác lắng nghe đồng chí đó, rồi chậm rãi trả lời:

- Bác hiểu, và cũng muốn thế, nhưng bây giờ mình còn phải tiết kiệm. Bác đến, anh em qúy Bác, chả lẽ dọn mâm cơm thường? Nhiều anh em cũng muốn ăn cơm với Bác cho vui, thế là có chuyện.

Bác ngừng lại, mỉm cười nhìn chúng tôi một lượt rồi Người nói đùa:

- Cán bộ về xã mà không khéo giữ mình thì thành cán bộ "thịt gà lá chanh". Còn Bác mà không khéo giữ, thì Chủ tịch ra lệnh không được lạm sát trâu bò, nhưng Chủ tịch tới đâu, bò non, lợn béo bị lạm sát tới đó!

Nói xong, Người cười rất vui, chúng tôi cũng không thể nín được cười.

Những lời nói vui của Bác, đã xóa tan sự suy nghĩ giản đơn của tôi.

Ăn cơm xong, chúng tôi trải vải bạt mời Bác nghỉ trưa ngay trên đồi.

Bác tựa lưng vào gốc thông, lắng nghe đồng chí cán bộ văn phòng báo cáo về chương trình xây dựng các nông trường của quân đội ta, và những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện...

Tôi ngồi gần đó, thoáng nghe những lời báo cáo, lòng suy nghĩ miên man. Những hình ảnh Ðiện Biên, Mộc Châu, Than Uyên, v.v... lần lượt hiện ra trong óc, những trận chiến đấu trong các chiến dịch Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Ðiện Biên cũng hiện lên theo...

Tôi đang suy nghĩ, bỗng một làn gió mạnh thổi tới. Trong tiếng lá thông reo, tôi nghe thấy đồng chí cán bộ văn phòng nói to hơn một chút:

- Anh em, về nhận thức đều nhất trí với Ðảng là phải xây dựng Tây Bắc. Nhưng tới khi hành quân thì có hàng trăm sợi dây vô hình của đồng bằng giữ lại. Có đồng chí chưa thông, nhưng vẫn lên đường. Có đồng chí ra đi mà lòng đầy băn khoăn...

Có tiếng Bác:

- Rồi không lâu đâu, chính các đồng chí ấy sẽ nói: "Ðảng chủ trương rất đúng và còn phê bình ta chậm đặt vấn đề củng cố Tây Bắc là khác".

Tôi càng suy nghĩ, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc Bác tới thăm sư đoàn và ý nghĩa của việc các đồng chí mình trở lại Tây Bắc. Chắc là từ nay trên tấm bản đồ trong phòng làm việc, dấu chì đỏ của Người sẽ theo sát bước đi của quân ta trên chiến trường mới.

Có thể bạn quan tâm