Trước đây, Brunei cũng là một nước nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn cao-su nhỏ bé với sản lượng thấp. Từ năm 1929, việc phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt đã đem lại sự giàu có cho đất nước này. Hiện nay, dầu mỏ và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu.
Với sản lượng khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, Brunei là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở Ðông-Nam Á (sau Indonesia và Malaysia). Brunei còn là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới. Chính vì lẽ đó, mặc dù thời gian thăm Brunei không nhiều, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên trong Ðoàn đại biểu Chính phủ ta cũng đã thu xếp đến thăm cơ sở dầu khí của Tập đoàn Brunei Shell Petroleum, cách Thủ đô Bandar Seri Bengawan gần 100 km, để nghe giới thiệu về tình hình sản xuất, kinh doanh và tìm hiểu các công nghệ khai thác dầu khí hiện đại của tập đoàn này.
Dưới sự trị vì của Quốc vương Hassanal Bolkiah, Brunei tiếp tục vững tiến trên con đường xây dựng một quốc gia phồn vinh, thanh bình và ngày càng thịnh vượng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Brunei hiện nay cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (khoảng 31.000 USD). Với nguồn thu nhập lớn từ dầu khí và do dân số rất ít, Chính phủ Brunei có điều kiện thực hiện một số phúc lợi xã hội như: công dân không phải đóng thuế thu nhập; giáo dục, chữa bệnh, ma chay không mất tiền. Chính phủ còn cấp học bổng cho học sinh giỏi được đi học ở nước ngoài, cho nhân dân vay tiền với lãi suất thấp để kinh doanh, sản xuất hay mua nhà ở với giá rẻ.
Từ kế hoạch năm năm lần thứ sáu (1991 - 1995), Brunei đề ra nhiệm vụ là đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp mới hướng vào xuất khẩu nhằm tránh quá phụ thuộc vào dầu mỏ, phát triển dịch vụ du lịch, tài chính, khôi phục sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Brunei đã hoàn thành kế hoạch phát triển quốc gia năm năm lần thứ tám (2001-2005).
Bộ Phát triển Kinh tế Brunei đang đưa ra một chiến lược thu hút 4,5 tỷ USD đầu tư vào năm 2008 như một phần trong tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển các ngành chế tạo và hóa dầu và xây dựng một cảng container lớn. Brunei đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở khá hiện đại. Trên đường phố của Thủ đô Bandar Seri Bengawan, không có bóng dáng một chiếc xe gắn máy nào. Ðường sá rộng rãi, lượng xe ô-tô tham gia giao thông không nhiều nên cũng không có nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Việt Nam và Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29-2-1992. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Brunei ngày càng phát triển hết sức tốt đẹp trong thời gian qua, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục, thể thao, giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, quan hệ kinh tế giữa nước ta và Brunei còn nhiều hạn chế. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước mới đạt khoảng năm, sáu triệu USD. Brunei mới có khoảng 40 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 130 triệu USD.
Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại Brunei. Brunei còn có nhu cầu rất lớn về lao động, nhưng chúng ta cũng chỉ mới đưa được khoảng 1.000 lao động sang làm việc tại nước này. Tại các cuộc tiếp xúc và hội đàm trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Quốc vương Hassanal Bolkiah nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Cũng trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết ba văn kiện: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Bản ghi nhớ về hợp tác thể thao và thanh niên và Bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí; tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, dầu khí và thể dục, thể thao. Triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí là khá lớn, vì đây là lĩnh vực Brunei có thế mạnh và Việt Nam đang rất quan tâm phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Brunei đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khách sạn và du lịch; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động trên cơ sở nguồn lao động dồi dào của Việt Nam và nhu cầu về lao động nước ngoài khá lớn của Brunei.
Tại cuộc tiếp xúc doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Brunei, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành nhiều thời gian trả lời trực tiếp các câu hỏi của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư và thương mại tại Việt Nam. Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, khai thác thế mạnh của mỗi nước để cùng phát triển, cụ thể là việc Brunei có thể nhập khẩu gạo từ Việt Nam; việc hợp tác khai thác dầu khí và việc đưa thêm lao động Việt Nam sang làm việc tại Brunei. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng khẳng định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Brunei đầu tư kinh doanh tại Việt Nam theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế Brunei, Da-to Ba-du-ka Ong, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đầu tư vào Brunei.
Rời Vương quốc Brunei tươi đẹp và giàu lòng mến khách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ ta đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức năm nước ASEAN như kế hoạch đã đề ra.
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân