Bớt trung gian, tăng phân cấp, ủy quyền

Dự thảo Nghị quyết phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được lấy ý kiến và hoàn thiện. Nghị quyết dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16 và nếu được thông qua sẽ tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. (Ảnh THỦY TIÊN)
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. (Ảnh THỦY TIÊN)

Dự thảo Nghị quyết quy định rõ việc phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền thành phố và chính quyền cấp huyện. Theo đó, nếu thấy cần thiết và được chính quyền thành phố cho phép, căn cứ nội dung được chính quyền thành phố phân cấp quản lý, chính quyền cấp huyện có thể tiếp tục phân cấp cho cấp xã thực hiện quản lý từng lĩnh vực và nội dung công việc trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể của mỗi địa phương.

Tự chủ hơn, hiệu quả hơn

Dự thảo đưa ra năm lĩnh vực với 16 nội dung, gồm: Quản lý đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; thoát nước đô thị và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến xe ô-tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; quản lý rừng; thông tin truyền thông; giáo dục-đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; văn hóa-thể thao, du lịch; y tế; các hoạt động xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ.

Ngay sau khi được đưa ra lấy ý kiến, hầu hết những đóng góp đều cho rằng việc tăng cường phân cấp, ủy quyền là hết sức cần thiết, vừa tăng tính tự chủ cho các cấp, vừa nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, các công việc giao cấp huyện quản lý phải thống nhất với cơ quan quản lý chuyên ngành để tránh tự phát. Thí dụ như việc quản lý bến, bãi đỗ xe là vấn đề đang chịu áp lực nên cần quy định chi tiết hơn với đối tượng do cấp huyện quản lý. Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Lê Văn Hoạt cho rằng, trong toàn bộ nội dung phân cấp quản lý về văn hóa-thể thao-du lịch, thành phố còn chưa mạnh dạn phân cấp về cho các quận, huyện và đề nghị đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện hơn để cấp thành phố tập trung vào nghiên cứu xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô đối với toàn ngành, toàn lĩnh vực và tập trung quản lý tốt một số cơ sở, doanh nghiệp lớn, quan trọng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố cho biết, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Việc xây dựng quy định theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm “từ trên xuống” trên cơ sở đề xuất “từ dưới lên”. “Cần tính toán kỹ các tác động đến người dân, trong đó những việc có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước, đặc biệt là những vấn đề dân sinh thiết thực”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, qua rà soát 15 sở, ngành đang thực hiện 1.154 nhiệm vụ, tính trung bình mỗi sở, ngành đảm nhiệm 76 nhiệm vụ. Ngay trong năm 2022, thành phố phấn đấu phân cấp, ủy quyền ít nhất 20% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị đề xuất bổ sung phân cấp thủ tục hành chính về cho cấp sở 48 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho rằng, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý hành chính giữa Ủy ban nhân dân quận và Ủy ban nhân dân phường sẽ không để xảy ra tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết gây mất thời gian, công sức của người dân; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà thông tin, Sở sẽ chỉ đạo tăng cường rà soát, bóc tách, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các thủ tục còn lại để đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền tổng thể về thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố mới đây bàn về nội dung này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phân cấp, ủy quyền là nội dung rất hệ trọng, tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; là giải pháp quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp căn cơ để xử lý nhiều bất cập, hạn chế bấy lâu nay của thành phố, trong đó có cả việc chậm triển khai các dự án, công trình; chậm giải ngân vốn đầu tư công… Do đó, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và khi đã phân cấp cho đơn vị cấp dưới thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thì về nguyên tắc, cấp thành phố sẽ không được can thiệp hoặc tham gia vào quy trình xử lý công việc của đơn vị cấp dưới. Thành phố chỉ tập trung ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát để phân cấp, ủy quyền bảo đảm hiệu quả.