Bóng đá nữ Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển và khẳng định vị thế. Vừa qua, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã lần thứ 3 liên tiếp giành Huy chương Vàng SEA Games. Đội tuyển nữ Việt Nam đã xuất sắc giành vé dự vòng chung kết World Cup nữ 2023, tiếp tục duy trì xếp hạng 32 trên thế giới.
Với những thành tích đó, những "cô gái kim cương" đã nhận được sự quan tâm, khen thưởng đặc biệt của các ban ngành, đoàn thể. Nhằm tiếp tục xây dựng chiến lược, tạo cơ chế, chính sách để phát triển bóng đá nữ, Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, huấn luyện viên Mai Đức Chung, đại diện Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, các chuyên gia thể thao....
Về phía các nhà tài trợ, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính VPBank-SMBC (FE Credit) và ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình tham dự tọa đàm.
14:30
Đúng 14 giờ 30 phút chiều 4/6, tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam” do Báo Nhân Dân tổ chức đã bắt đầu diễn ra.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía Báo Nhân Dân có các đồng chí lãnh đạo Báo gồm: đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Báo Nhân Dân.
Về phía khách mời, gồm có: ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31; ông Mai Đức Chung, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam; tuyển thủ Huỳnh Như - Đội trưởng Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam; tuyển thủ Hải Yến; tuyển thủ Chương Thị Kiều; cựu tuyển thủ Ngọc Châm.
Đến tham dự buổi tọa đàm còn có các chuyên gia bóng đá, đại diện các cổ động viên của đội tuyển nữ Việt Nam, gồm nhà báo Vũ Quang Huy, nhà báo Nguyễn Minh Hải; đại diện các nhà trợ: ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính VPBank-SMBC (FE Credit), ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình.
Dẫn chương trình tọa đàm trực tuyến "Nâng tầm bóng đá Việt Nam" là nhà văn, nhà báo Hữu Việt.
14:40
Phát biểu của đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân
Kính thưa quý vị đại biểu
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vừa kết thúc với những thành công rực rỡ. Đoàn Thể thao Việt Nam đã đạt kỷ lục với 205 Huy chương Vàng, phá 21 trong số 41 kỷ lục SEA Games. Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công lần thứ 7 "ngôi hậu" tại SEA Games 31, trong đó có 3 lần liên tiếp, đem lại niềm tự hào, hạnh phúc cho hàng triệu cổ động viên.
Thay mặt Ban Biên tập Báo Nhân Dân, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng những thành tích xuất sắc của Đoàn Thể thao Việt Nam, chúc mừng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, chúc mừng huấn luyện viên Mai Đức Chung, người góp công lớn trong việc nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam.
SEA Games 31 qua đi để lại những kỷ niệm khó quên, những ấn tượng sâu đậm, những niềm vui và sự tiếc nuối. Con đường phía trước của đội tuyển bóng đá nữ là những hành trình mới đầy thách thức, là khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới, là mục tiêu vươn tầm thế giới tại Vòng chung kết bóng đá nữ - World Cup 2023.
Thưa quý vị,
Phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cộng đồng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Song song với thể thao quần chúng, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các môn thể thao thành tích cao. Sau những thành công thời gian qua, bóng đá nữ Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, các chiến lược đầu tư trọng tâm trọng điểm, các điều kiện luyện tập hiện đại, chế độ đãi ngộ phù hợp, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, sự đồng hành của các cơ quan báo chí.
Với vai trò là kênh thông tin chính thống, giúp định hướng dư luận, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Báo Nhân Dân đang đổi mới mạnh mẽ, xây dựng trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, nội dung thông tin đa dạng, phong phú hơn, trong đó có nội dung thể thao. SEA Games 31 vừa qua, Báo Nhân Dân đã tuyên truyền sâu rộng trên nhiều loại hình báo chí, các nền tảng mạng xã hội. Báo cũng tổ chức cuộc thi Ảnh đẹp SEA Games 31, thu hút gần 800 tác phẩm dự thi.
Hôm nay (ngày 4/6/2022), Báo Nhân Dân tổ chức cuộc tọa đàm “Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam”. Chúng tôi hy vọng những ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các huấn luyện viên, vận động viên, các chuyên gia bóng đá, các cổ động viên… tại buổi tọa đàm hôm nay sẽ tạo tiền đề để bóng đá nữ Việt Nam có những bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn, thành tích cao hơn.
Chúc các vị khách quý, các huấn luyện viên, vận động viên, sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Sau đây là nội dung cuộc Tọa đàm:
15:05
Nhà báo Hữu Việt: Bằng tất cả nỗ lực trong suốt nhiều năm, đội tuyển nữ Việt Nam đang chiếm ngôi vị cao nhất của SEA Games với kỳ tích 7 lần giành Huy chương Vàng, trong đó có 5 lần đội tuyển lên bục vinh quang dưới sự dẫn dắt của ông. Xin ông chia sẻ về hành trình giành tấm Huy chương Vàng ở các kỳ Đại hội và đặc biệt tại kỳ SEA Games 31 lần này?
HLV Mai Đức Chung:
Kính thưa anh Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và các anh trong Ban Biên tập, thưa toàn thể đại biểu, các nhà bình luận, các nhà báo, các học trò của tôi cùng chung vai gánh vác nhiệm vụ vừa qua.
Hôm nay, trước khi vào tòa soạn Báo Nhân Dân, tôi cảm thấy người vẫn lâng lâng vì niềm vui đến với chúng tôi vẫn còn nhiều dư âm. Ngoài niềm vui vẫn còn dư âm của trận Chung kết bóng đá nữ SEA Games 31, khung cảnh hôm nay còn gợi lại cho tôi niềm nhớ cách đây 5, 6 năm đã từng đến Báo Nhân Dân tham gia tọa đàm và nhận phần thưởng Đội tuyển nữ quốc gia.
Hôm nay cho phép tôi được gợi nhớ lại và được chia sẻ những điều chân thành nhất.
Như nhà báo Hữu Việt nói, đội tuyển với nòi giống con người Việt Nam thấp bé so với các đội ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines. Nhưng bù lại, chúng ta có tinh thần chiến đấu quyết liệt và có lẽ trong họ mang tinh thần của người phụ nữ Việt Nam, là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu với tinh thần bất khuất, không chịu khuất phục khi đương đầu với kẻ thù.
Chúng ta gặp đối thủ cũng với tinh thần ấy và các bạn đã thể hiện tinh thần đó rất tuyệt vời. Tôi là nam giới vinh dự được huấn luyện các bạn. Nhờ các bạn đã tạo nên tên tuổi cho tôi. Thành công này là thành công tập thể của đội tuyển, thành công của một tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau.
Tôi luôn nhắc nhở về tinh thần này trong đội và các bạn chấp hành tốt. Nếu trong tập thể không có sự đoàn kết nhất trí sẽ không làm nên chuyện gì. Đó là điều nổi bật nhất trong Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia.
Thí dụ như bạn Huỳnh Như 33 tuổi, gần như lớn tuổi nhất trong đội tuyển luôn luôn sẵn sàng bảo ban các em, nhường cơm sẻ áo cho các bạn. Tôi rất khâm phục đội trưởng luôn có sự hy sinh cá nhân cho các em. Đó là một tấm gương sáng trong Đội tuyển bóng đá nữ.
Về chiến thuật, tầm vóc, sức mạnh của chúng ta không bằng đối phương. Trong bóng đá, việc đấu đối kháng quan trọng như tỳ, đè, tranh giành, giữ bóng thì chúng ta hầu như thua kém đội bạn. Nhưng bù lại, chúng ta có tinh thần khát khao chiến thắng và có kỹ thuật tương đối tốt và có sự dẻo dai trong đó để vượt qua đối phương.
Mọi người thấy hình ảnh quay lại trận chung kết vừa qua, Huỳnh Như hầu như đối mặt 3 đối thủ, nhưng cô đã biết đẩy bóng lên, nhảy qua đối phương để tránh đối phương và đặt lòng vào lưới ghi bàn thắng. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, dẻo dai, khéo léo của người phụ nữ.
Về đấu pháp, chúng tôi luôn nói các bạn là phải cầm bóng vì con người Việt Nam không có sức mạnh và có những quả đá bóng bổng, bóng dài, đánh đầu vì thế không thể đá dài mà phải chơi sơ đồ chiến thuật 3-5-2, gần gũi nhau, chơi một chạm-hai chạm, cự ly đội hình gần nhau tốt hơn. Nếu các bạn đá dài không thể có sức như đội bạn, sẽ phá sức ngay ban đầu. Như thế, chúng tôi đã đưa ra đấu pháp thực hiện và chúng ta thực hiện rất tốt.
Chúng ta đá vòng loại World Cup gặp Ấn Độ, gặp Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và trong trận với Trung Quốc chúng ta đã ghi bàn thắng đầu tiên rất "giật mình". Chúng tôi không tưởng tượng được ra.
Khi ra khỏi khách sạn, xuống ô-tô họ nhìn mình với con mắt khinh thường vì thấp bé như trẻ con – tôi nghĩ vậy – nhưng chắc cũng như vậy. Nhưng ra sân, cái nhỏ bé đó mất đi, thay vào đó là khí thế hào hùng của người phụ nữ Việt Nam kiên trì, bất khuất. Là người đàn ông tôi phải học các bạn đó.
Qua đó, tôi thấy toát lên sự đoàn kết, nhất trí trong đội rất cao, yêu thương nhau. Thí dụ một người bị đau, tất cả xúm vào chăm sóc, nâng lên hoặc làm mọi cách để đồng đội tỉnh dậy nhanh chóng tiếp tục vào trận đấu.
Tôi nhớ lại hình ảnh năm 2019 đá chung kết tại Philippines, Huỳnh Như gần hết trận hai chân cứng không đi được. Chương Thị Kiều bị tước hết phần mông vì đá trên sân cỏ nhân tạo, chảy máu, ra ngoài băng xong lại chạy vào đá. Đây là một tinh thần ngay cả nam giới chúng tôi cũng có thể chưa có. Còn các nữ cầu thủ, không kể phút nào trận đấu, tiếp tục vào trận đấu để giành thắng lợi cuối cùng.
15:12
Nhà báo Hữu Việt: Xin hỏi các cầu thủ Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Hải Yến. Theo các em, tinh thần, thể lực và kỹ chiến thuật - yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến thắng tại SEA Games 31?
Cầu thủ Huỳnh Như: Trước tiên, cho tôi xin gửi lời chào tới các lãnh đạo và các cô chú anh chị đang có mặt tại Tọa đàm. Như bác Chung nói, để thành công, quan trọng nhất là sự đoàn kết.
Trong suốt cả thời gian qua, sự đoàn kết của toàn đội đóng vai trò rất quan trọng. Bác Chung vừa là người thầy, vừa là người ba trong gia đình. Ngoài tập luyện, bác dạy chúng tôi cách sống và tình cảm giữa thầy trò, đồng đội với nhau. Điều này tạo nên sức mạnh như trong một gia đình, sự đoàn kết cao, khiến tất cả chúng tôi thi đấu với tinh thần rất cao. Mỗi khi có người đau ốm, chúng tôi đều hỗ trợ. Gần như không có cãi vã trên sân.
Cầu thủ Hải Yến: Theo tôi, tinh thần đoàn kết, sự gắn bó đồng đội như bác Chung và chị Như nói là rất quan trọng. Bên cạnh đó còn sự quan tâm của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá, Tổng cục và lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Trong vài năm qua, chúng tôi cảm thấy đã được quan tâm nhiều hơn, không còn như ngày trước nữa. Khi được quan tâm nhiều hơn, chúng tôi cảm thấy được phát triển nhiều hơn.
15:20
Nhà báo Hữu Việt: Khoảnh khắc nào tại SEA Games 31 khiến các nữ tuyển thủ nhớ nhất?
Cầu thủ Hải Yến: Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong kỳ SEA Games 31 vừa rồi là khoảnh khắc chị Huỳnh Như ghi bàn trong trận chung kết. Lúc ấy cảm xúc của cả đội vỡ òa vì lần đầu tiên cả đội được thi đấu trên sân nhà, cũng là kỳ SEA Games thứ 3 liên tiếp chiến thắng Thái Lan.
Nhà báo Hữu Việt: Khi đối mặt với các đối thủ to cao hơn, Chương Thị Kiều đã làm như thế nào?
Cầu thủ Chương Thị Kiều: Bản thân tôi ra sân là chiến hết mình. Khi chấn thương, bị rách đùi, bác Chung hỏi: "Có sao không con?". Lúc đó, tôi lại càng muốn vào sân nhanh hơn để chiến đấu. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng tập luyện hằng ngày.
15:28
Nhà báo Hữu Việt: Thưa ông Trần Đức Phấn, xin ông cho biết ý kiến về thành tích đội tuyển nữ vừa rồi, hành trình chúng ta tiến tới giải Đông Nam Á năm nay và công tác chuẩn bị cho World Cup, làm sao để chúng ta không giống một số đội tuyển khác đến World Cup chỉ để dạo chơi, xem đội bạn mà thật sự giành được thành tích thế nào đó đúng với sức lực, kỳ vọng của vận động viên?
Ông Trần Đức Phấn: Trước hết, cho phép tôi thay mặt Tổng cục và Ban tổ chức SEA Games 31 cảm ơn các anh, chị đã đồng hành cùng thể thao Việt Nam tại SEA Games 31.
Trong quá trình chúng ta chuẩn bị cho các đội tuyển nói chung, bóng đá nữ nói riêng, về nguồn lực chúng ta còn rất hạn chế. Thực tế, chúng ta không chỉ có một mục tiêu là SEA Games mà còn các mục tiêu khác nữa như ASIAD, World Cup. Trong quá trình này, chúng ta có những ưu tiên cụ thể cho các mục tiêu trước mắt, mục tiêu trung và dài hạn.
Với SEA Games 31, chúng ta có lần vô địch thứ 7 và cũng là lần thứ 3 liên tiếp vô địch SEA Games. Đây cũng là năm cả hai đội tuyển nam và nữ vô địch.
Bản thân tôi với tư cách trưởng đoàn, tôi đánh giá bóng đá nữ năm nay thay đổi rất nhiều. Chúng ta có sự chuyển mình trong cả quá trình chuẩn bị. Đó là nét khác hẳn so với SEA Games 30.
Những trận đấu toát lên tinh thần của các vận động viên, điều này đã thổi hồn vào cho đội tuyển, kể cả các cầu thủ dự bị. Chúng ta đến World Cup không phải để chơi, dù trình độ bóng đá nữ của chúng ta có phần hạn chế so với châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Triều Tiên…, so với thế giới, khoảng cách càng xa. Nhưng chúng ta sẽ vào để chiến đấu với tinh thần cao nhất.
Năm 1994, khi học ở Nhật Bản tôi đã rất ngạc nhiên khi các cầu thủ nữ đổ xỉ than và nước vào sân bóng đá để tập. Mỗi buổi tập xong, các cầu thủ bẩn nhem nhuốc, đen xì. Sau đó tôi mới biết là các bài tập thể lực của họ. Câu chuyện ấy cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải có những giải pháp tốt hơn. Huấn luyện viên Mai Đức Chung cũng đã từng đưa các cầu thủ vào Khánh Hòa để tập với cát.
So với các đối thủ tại ngay châu lục, chúng ta vẫn còn nhỏ bé về thể hình, thua kém về thể lực. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu để khởi sắc. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt để bước vào các đấu trường cấp cao hơn, như Đại hội Thể thao Đông Nam Á và World Cup.
Do đó, trong chiến lược phát triển lâu dài, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sự phát triển chung của các đội tuyển bóng đá, trong đó có bóng đá nữ. Chúng ta cũng cần phải tập trung vào phát triển nguồn cầu thủ trẻ cho bóng đá nữ. Điều đáng mừng là các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng chỉ đạo chúng tôi phát triển bóng đá nữ.
Sắp tới đây, chúng ta sẽ tập trung vào việc đào tạo bài bản hơn để nâng tầm bóng đá nữ để lâu dài chúng ta có thể cạnh tranh ở sân chơi châu lục.
Bên cạnh thể lực, chúng ta cần nâng cao nhiều hơn về các yếu tố khác như kỹ, chiến thuật. Điều này thì anh Chung có rất nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi tin tưởng anh Chung sẽ làm được điều đó. Chúng tôi hy vọng, các vận động viên ngồi đây cũng sẽ chung tay làm điều này.
Về phía Tổng cục, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cho bóng đá nói chung và bóng đá nữ nói riêng.
15:35
Nhà báo Hữu Việt: Xin hỏi ông Trần Đức Phấn, khi xây dựng chiến lược phát triển, nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam, chúng ta đã nghiên cứu kinh nghiệm phát triển bóng đá nữ của các nước trên thế giới như thế nào? Có những bài học gì chúng ta có thể áp dụng phù hợp với thể thao Việt Nam, nhất là trong việc tạo cơ chế, chính sách để phát triển?
Ông Trần Đức Phấn:
Chiến lược của bóng đá đã đi được một số năm rồi, nhưng thực ra để thực hiện được các nhiệm vụ của chiến lược thì vẫn còn rất hạn chế. Và chiến lược của ngành thể thao là hết 10 năm và bây giờ đang bắt đầu chiến lược mới. Chỉ mỗi bóng đá là có chiến lược cho đến thời điểm hiện nay, nhưng chưa thực hiện được nhiều nhiệm vụ do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu chúng ta không nâng tầm chúng ta lên, thì rất khó thực hiện được các nhiệm vụ tiếp theo của chiến lược. Chúng tôi đã yêu cầu Liên đoàn Bóng đá phải rà soát kế hoạch của mình để chuẩn bị chiến lược mới, muốn làm được như vậy thì phải có nguồn đầu tư.
Trên cơ sở chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, tôi cho rằng, bóng đá về mặt thực hiện các nhiệm vụ sắp tới đây rất sáng sủa. Ngoài nguồn lực xã hội, hiện nay đang được xã hội rất quan tâm, thì nguồn lực nhà nước cũng sẽ được đầu tư bài bản. Vì thế, đối với bóng đá nữ nói riêng, chúng ta đã vào được sân chơi của World Cup, các vận động viên và ngay cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nói rằng vận động viên Việt Nam thể hình nhỏ bé quá.
Thể chất con người Việt Nam hiện nay để đào tạo vận động viên bóng đá nữ không phải tỉnh nào cũng đào tạo được. Hiện nay chúng ta đang hạn chế, không làm được giải vô địch quốc gia vì các địa phương không phải nơi nào cũng có đội bóng đá nữ, đào tạo vận động viên cũng không nhiều. Vì thế chúng ta chưa thực hiện được nhiệm vụ này. Nhưng trong tương lai, tập luyện theo hướng chuyên nghiệp, tập phải có thi đấu, trên cơ sở đó chúng ta có thể tuyển chọn vận động viên cho tương lai cho đội tuyển quốc gia. Vì vậy,chúng tôi cho rằng sắp tới đây tiềm lực của bóng đá rất sáng sủa so với các môn thể thao khác. Đầu tư của Nhà nước sẽ rnhiều hơn, bài bản, theo một hệ thống khoa học để giúp cho bóng đá phát triển, sẽ thay đổi nhận diện của bóng đá.
Tôi cho rằng, chúng ta vào World Cup, một sân chơi chưa từng chơi, chúng ta cũng cần thận trọng trong từng bước đi. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải đá hết mình, vì sân chơi toàn ông lớn, chỉ trong châu lục thôi đã có 5 ông lớn, đều là những đội mạnh kể cả trong World Cup, Olympic và châu lục. Chúng ta về thành tích còn rất hạn chế. Tôi rất đồng tình với anh Huy và anh Hải. Chúng ta đá với Thái Lan, Myanmar, Philippines đều chưa thể vượt trội họ. Nhưng chúng ta có đấu pháp, có chiến thuật hợp lý, có tinh thần và nghị lực phi thường của các vận động viên cho nên chúng ta đã chiến thắng họ. Nhưng đối với sân chơi châu Á, chúng ta chưa thể so được.
Đó là ở châu Á còn chưa thấy xuất hiện các quốc gia Trung Đông. Trong tương lai tôi nghĩ sẽ có bóng đá nữ của các quốc gia đó, và họ có điều kiện đầu tư thể hình, thể lực rất tốt. Cho nên chúng ta cũng phải nâng tầm mình lên, phải tấn công vào đấu trường châu lục tất cả các môn thể thao. Đến một giai đoạn nào đó, bóng đá sẽ có thành tích.
Tôi cũng thống nhất với ý kiến của nhà báo Minh Hải. Tôi nghĩ anh Chung sẽ vẫn dẫn dắt đội tuyển nữ vào World Cup, đó là tinh thần, nghị lực và tình cảm của anh đối với đội tuyển nữ. Tình cảm của anh ấy đối với đội tuyển nữ rất quan trọng. Tuy nhiên, anh Chung cũng đang có vấn đề về sức khỏe.
Chúng tôi đánh giá rất cao con người, rất cao tinh thần của anh Mai Đức Chung. Do vậy đội tuyển nữ cũng yên tâm, anh Chung vừa là người cha của đội bóng, nhưng cũng kiêm luôn cả những công việc khác nữa. Anh là con người khác biệt so với mọi người. Vì vậy, anh mới làm được nên nhiều kỳ tích. Từ lúc là một cầu thủ của đội Đường Sắt đến bây giờ, anh luôn là một người khiêm tốn, mẫu mực. Anh làm nhưng không nói.
Quan trọng nhất đội tuyển nữ vào World Cup là phải đá hết mình, và không tự tạo áp lực cho mình. Nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về đội tuyển nữ thôi cũng đã tạo áp lực cho đội tuyển. Bởi vì chúng ta vào đó đều là đối đầu với những đội tuyển không phải bình thường. Chúng ta phải đá hết mình, tạo nên tinh thần Việt chứ không phải là để đạt được một cái gì cả. Bởi vì các đội tuyển vào đó đều chưa lộ diện. Chúng tôi cũng tạo điều kiện hết khả năng của một cơ quan quản lý của Nhà nước để cho đội nữ có thể làm được một điều gì đó.
15:42
Xin hỏi cựu tuyển thủ Ngọc Châm, Ngọc Châm có cảm xúc thế nào khi lắng nghe câu chuyện về những người đàn em của mình thi đấu? Một trong những câu hỏi mà chúng tôi vừa hỏi ông Chung và ông Phấn, với kinh nghiệm của người đi trước, Ngọc Châm có thể chia sẻ những kinh nghiệm để phát triển lực lượng trẻ, lực lượng kế cận cho bóng đá nước nhà?
Cựu cầu thủ Ngọc Châm: Trước hết, tôi xin gửi lời chào, lời cảm ơn tới tất cả các lãnh đạo, anh chị phóng viên đã mời tôi đến tham dự tọa đàm hôm nay. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Ngày hôm nay, bác Mai Đức Chung, các em vận động viên, các nhà báo Minh Hải, Quang Huy đã chia sẻ rất nhiều về những kỷ niệm và định hướng. Cá nhân tôi đã là một cựu cầu thủ, cũng có những năm tháng làm huấn luyện viên chuyên nghiệp cùng dẫn dắt các bạn nữ Hà Nội, rồi cũng có những danh hiệu vô địch quốc gia. Bên cạnh đó, tôi bây giờ cũng đang làm công tác đào tạo trẻ.
Quá trình các bạn thi đấu ở giải châu Á cũng như SEA Games vừa rồi, tôi rất may mắn được đồng hành cùng trên cương vị bình luận viên, và cũng đã theo sát các bạn ở tất cả các trận đấu. Tôi thấy rằng bây giờ bóng đá nữ Việt Nam của chúng ta đã phát triển rất nhiều.
Cách đây khoảng chục năm, có tờ báo từng phỏng vấn tôi và hỏi rằng: “Theo em nghĩ bóng đá Việt Nam có thể phát triển được hay không?”. Khi đó, tôi đã trả lời rằng chúng ta sẽ còn phát triển và còn đi xa hơn nữa. Ngày hôm nay, đội tuyển nữ Việt Nam đã giành được tấm vé dự World Cup. Tôi cho rằng đây không chỉ là thành công của riêng bóng đá nữ Việt Nam, mà còn là thành công của cả một bộ máy dưới sự đầu tư của các cấp lãnh đạo, cũng như của hệ thống đào tạo của chúng ta.
Nếu tôi nhớ không nhầm, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thành lập được khoảng 5-7 năm. Đó cũng là cái nôi đào tạo ra những cầu thủ trẻ tài năng như em Nhã, em Vạn; đó là những cầu thủ kế cận cho các Huỳnh Như, Hải Yến và Chương Thị Kiều. Xem các cầu thủ thi đấu trên sân, mọi người hỏi tôi cảm thấy thế nào. Tôi rất vui và xúc động, vì ít nhiều mình cũng từng là cầu thủ, từng đứng trong hàng ngũ đội tuyển như các em; thời của mình chưa làm được thì đến bây giờ các em đã làm được.
Tôi cũng cảm thấy rất ấn tượng với câu nói của anh Minh Hải khi nhắc lại kỷ niệm hỏi Huỳnh Như: “Nếu như em chưa thể đi tiếp vào World Cup thì em sẽ làm thế nào?”. Huỳnh Như trả lời là: “Em sẽ làm đến khi nào được thì thôi”. Đó là một câu trả lời rất ấn tượng. Chúng ta đều biết, bóng đá nữ tuổi nghề và tuổi đời rất ngắn; bóng đá nam mọi người có thể đá được dài hơn, lâu hơn, và họ có vốn tích lũy xa hơn. Còn bóng đá nữ, lương thưởng rất ít. Thời điểm tôi nghỉ thi đấu và chuyển sang công tác huấn luyện, lương của tôi chỉ ở mức 2 triệu đồng. Đến bây giờ, các bạn thi đấu ở câu lạc bộ đã có mức lương tốt hơn, nhưng nếu nói rằng có của ăn, của để dành để xây nhà như bóng đá nam thì rất là khó.
Có thể nhiều người không biết, nhưng bản thân tôi từng là cầu thủ, được sống cùng các bạn, chị em chơi với nhau, thì tôi biết là các cầu thủ nữ về cơ bản đều có xuất phát điểm gia đình rất nghèo. Giống như nhà báo Hữu Việt vừa hỏi Chương Thị Kiều làm thế nào để duy trì thể lực, có phải về bắt cá hay không. Mọi người đã thấy hình ảnh rất đẹp của Chương Thị Kiều khi mà về nhà em vẫn xắn tay vào làm công việc gia đình. Có cầu thủ còn đi ra ruộng gặt lúa. Huỳnh Như có một cửa hàng nho nhỏ để bán dừa, dừa Cô Chín. Có nhiều cầu thủ bây giờ, thậm chí là cầu thủ quốc gia, vẫn bán giày online. Đó là những công việc không phải mọi người làm để vui, mà để trang trải cuộc sống, tìm kiếm mưu sinh, vì lương của mọi người bây giờ, có thể so với bọn em ngày xưa thì không thấp, nhưng chỉ khi mọi người được lên tuyển, mức lương mới cao hơn.
Còn ở mức câu lạc bộ, tôi nghĩ rằng đến bây giờ mọi người chỉ ở mức lương 5 triệu đến 10 triệu là nhiều. Có thể Huỳnh Như ở CLB TP Hồ Chí Minh có tài trợ, và cũng đã có thành tích thì em có được mức lương tốt hơn. Nhưng các cầu thủ trẻ khác ở đội mức lương chỉ tầm 5 đến 10 triệu, do đó để tiết kiệm và có một khoản gửi về cho gia đình làm sổ tiết kiệm, hay là xây nhà, mua nhà thì rất khó. Tôi cho rằng, nếu như bây giờ được đầu tư tốt hơn thì các em sẽ có thể đi được những chặng đường dài hơn. Theo tôi, chúng ta muốn phát triển xa hơn, chúng ta cần phải đầu tư bài bản từ sớm, và phải có sự chắc chắn, lâu dài.
15:50
Nhà báo Hữu Việt: Xin được hỏi bình luận viên Quang Huy, nhà báo Nguyễn Minh Hải, trong hành trình giành vé đi Word Cup hồi đầu năm và chiến thắng tại SEA Games 31, các cô gái của chúng ta đã thể hiện một lối chơi rất hiện đại với các mảng miếng phối hợp sắc nét; đồng thời cũng có những “độc chiêu” riêng. Xin các anh phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
Bình luận viên Quang Huy: Tôi nhớ những năm đầu tiên làm thể thao, Việt Nam còn chưa có giải bóng đá nữ quốc gia. Khi đó mới có giải bóng đá nữ Hà Nội mở rộng với các đội đầu tiên là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tây. Sau đó đến Cúp Than Quảng Ninh năm 1997 tổ chức. Giải Quốc gia nữ đầu tiên là vào năm 1998, và tôi may mắn được tường thuật giải này. Chúng ta đã dự SEA Games và giành Huy chương Đồng năm 1997 từ trước khi chúng ta có giải nữ quốc gia.
Trải qua một hành trình như vậy, chúng ta đã giành vé đi World Cup và 7 lần vô địch SEA Games. Thật sự rất đáng tự hào và rất xứng đáng với những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam.
Trong cách chơi của đội nữ, chúng ta luôn toát lên được những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam như khả năng chịu đựng, sự khôn khéo. Có những chuyện như chấn thương của Chương Thị Kiều, chịu đau băng bó để vào sân thi đấu tiếp mặc dù máu chảy ra ngoài cả băng.
Hay như tôi nhớ trong trận đấu ở SEA Games 2017, cầu thủ Kim Chi, hiện nay cũng có trong ban huấn luyện, có một cú ngã cắm đầu trong trận đá với Thái Lan, nhưng sau đó chỉ ra băng đầu rồi lại vào đá tiếp. Sau này tôi có chia sẻ với một số cầu thủ nam, là nam giới mà ngã như vậy chắc là không đá được nữa luôn, bởi vì có khi xương của phụ nữ dẻo hơn, mềm hơn.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung có một thuận lợi, là một danh thủ của Đường Sắt trước đây và rất hợp với bóng đá nữ, nhưng anh cũng có một thời gian làm bóng đá nam, thành tích cũng rất tốt, từng dẫn dắt Bình Dương đá Cup Quốc gia, và từng đạt được thành tích lịch sử là vào tới trận bán kết cúp C2 châu Á.
Tôi cảm giác là quãng thời gian anh Chung làm bóng đá nam vài năm xong trở lại làm bóng đã nữ, đã có thêm độ sắc sảo và linh hoạt. Tất nhiên những năm đó, bóng đá nữ cũng đã có những sự đầu tư tận gốc rõ hơn. Đến ngày hôm nay sự đãi ngộ và đầu tư tận gốc cũng chưa phải là đã được như mong muốn. Bóng đá nữ vào năm gần đây ngoài giải quốc gia và các giải quốc tế, cũng bắt đầu có những giải trẻ như U19, U16. Đó là hệ thống ươm mầm rất tốt.
Anh Mai Đức Chung trong thời gian làm bóng đá ở V-League cũng đã có thêm kinh nghiệm từ bóng đá nam bổ sung cho bóng đá nữ. Chúng tôi khi bình luận đều rất vui và đều rất tự hào bởi bóng đá nữ ngoài những phẩm chất vốn có, lối đá cũng linh hoạt hơn, đa dạng hơn.
Những miếng đánh như ở SEA Games hay ở vòng loại châu Á mà chúng ta giành vé đi World Cup, có những pha bóng tưởng chừng chỉ thấy ở giải nam, bây giờ nữ cũng làm được, đó là điều đáng mừng.
Về chăm sóc và đãi ngộ, chúng ta đã có sự chăm sóc tốt hơn, có tuyến trẻ. Một số đơn vị tập đoàn cũng đã có tiếp nhận đầu ra cho các tuyển thủ nữ sau khi giải nghệ, bảo đảm định hướng tương lai cho cầu thủ.
Tuy nhiên vẫn cần có sự chăm sóc thường xuyên hơn đối với các cầu thủ nữ, không chỉ khi nào có thành tích, lên cao trào mới có sự hưởng ứng, chăm sóc, mà phải thường xuyên hơn, hằng ngày hằng giờ, phải có sự gắn bó với nhau rõ ràng hơn.
Tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn rất lớn, cần phải cùng nhau thúc đẩy và chăm sóc tốt hơn mới đẩy được tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam cao hơn nữa.
Tôi cũng muốn nói với anh Mai Đức Chung là rất muốn World Cup nữ đầu tiên trong lịch sử, anh sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ. Tôi hiểu là bây giờ anh cũng đã cao tuổi rồi, muốn nhường lại cơ hội cho người khác, nhưng đây là World Cup đầu tiên của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có những bỡ ngỡ vấp váp không tránh khỏi, nếu anh dẫn dắt tiếp, sẽ thấy được rõ nhất những thước đo cho đội tuyển Việt Nam, mức độ hay tầm vóc như thế nào. Chúng ta cũng biết mình đứng ở đâu để từ đó xây đắp bóng đá nữ tốt hơn. Còn nếu người khác dẫn dắt, sẽ có những đánh giá từ bên ngoài theo kiểu người kế tục anh Chung không phản ánh đúng năng lực của đội nữ.
Nhà báo Hữu Việt: Tôi muốn hỏi luôn ý kiến của các tuyển thủ nữ Việt Nam về ý kiến của bình luận viên Quang Huy?
Cầu thủ Huỳnh Như: Chúng con vẫn muốn thầy Chung tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam.
Nhà báo Minh Hải: Tôi rất đồng ý với quan điểm của bình luận viên Quang Huy. Bởi vì ngay sau khi trở về từ SEA Games, khi cảm xúc còn đặc quánh, Minh Hải đã đến nhà huấn luyện viên Mai Đức Chung và 2 bố con cũng có ngồi nói chuyện với nhau.
Quan trọng nhất là trí tuệ Việt Nam. Con người Việt Nam vẫn ao ước được đứng trên đấu trường cao nhất của thế giới để mang bản lĩnh, trí tuệ cạnh tranh, để người ta biết rằng ở Việt Nam dù vẫn bị coi là vùng trũng thể thao, nhưng vẫn có nền bóng đá đủ tốt và cá nhân chơi hay.
Đó không chỉ là nguyện vọng của anh Quang Huy mà còn của 90 triệu dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho huấn luyện viên Mai Đức Chung tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ tại World Cup. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần tôn trọng quyết định của huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Tôi cũng tin huấn luyện viên Mai Đức Chung và Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam sẽ tính toán để có được một vị trí cho huấn luyện viên Chung, có thể không phải huấn luyện viên trưởng, nhưng có thể ở cương vị khác.
Trở lại câu hỏi của anh Hữu Việt, tôi cũng là một nhà báo nên tôi muốn kể chuyện nhiều hơn là phân tích. Mọi người rất khâm phục Chương Thị Kiều, khi bạn ấy đá rách hết ở phần bụng chân, nhưng đó chỉ là nửa câu chuyện. Kiều bị đứt bán dây chằng.
Ngay buổi tối hôm sau, trong khi các đồng đội đang xem bóng đá nam, thì bạn ở nhà cùng thủ môn Kim Thanh. Và tôi có đến thăm đúng lúc bác sĩ tới khám, thực sự tôi chưa từng nghe tiếng kêu nào đau đớn đến thế. Khi thuốc sát trùng mới chạm vào vết thương, rất kinh khủng.
Tôi mới hỏi Chương Thị Kiều: "Nếu có cơ hội làm lại, em có làm không?". Kiều trả lời khiến tôi cảm thấy vô cùng nhỏ bé: “Em không thể để đồng đội ở lại phía sau em được, nhất là khi mọi người cần em”. Đấy chính là tinh thần kế thừa của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Nếu nói về tinh thần không bao giờ từ bỏ, chúng ta cần nói về Huỳnh Như, tôi từng hỏi Huỳnh Như: “Nếu giấc mơ World Cup của em không trở thành hiện thực, em sẽ làm gì”. Như trả lời: “Nếu như vậy em sẽ không bao giờ từ giã bóng đá”. Đó là ý chí kiên cường của những cầu thủ rời bỏ gia đình từ tuổi còn rất trẻ 12-13 tuổi. Chương Thị Kiều cũng xa ra đình ở Kiên Giang từ sớm để tập luyện.
Bóng đá nữ Việt Nam có thể yếu về thể lực, nhỏ hơn về thể hình. Nhưng trái tim của chúng ta vĩ đại, chúng ta chiến đấu bằng tinh thần của chiến binh, trung thành với giấc mơ cả đời của mình. Đó là lý do bóng đá nữ phát triển hơn rất nhiều so với sự đầu tư cơ bản.
15:59
Nhà báo Hữu Việt: Xin hỏi Huấn luyện viên Mai Đức Chung. Rất nhiều người mong muốn ông tiếp tục gắn bó với bóng đá nữ Việt Nam. Ngay lúc này, ông có thể chia sẻ ý kiến của mình được không?
Huấn luyện viên Mai Đức Chung: Bản thân tôi đã lớn tuổi, ra sân với các cháu, thí dụ sáng nay, nắng kinh khủng, đứng cũng không chịu được nhưng tôi vẫn phải có mặt cùng các cháu. Mỗi năm một tuổi, sức khỏe không còn được như trước nữa. Thế nhưng, tôi cũng sẽ cố gắng. Về vấn đề các bạn đề nghị, tôi xin nhận và cố gắng suy nghĩ thế nào để đáp ứng được nguyện vọng của mọi người.
16:22
Nhà báo Hữu Việt: Đến với World Cup, chúng ta sẽ không chỉ chiến đấu bằng ý chí và tinh thần. Việt Nam cần phải chuẩn bị thế nào, thưa bình luận viên Quang Huy và nhà báo Minh Hải?
Bình luận viên Quang Huy: Chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, biết bao thế hệ cầu thủ bóng đá nữ đã hy sinh công sức, thậm chí cả máu để bây giờ giành được tấm vé đi World Cup. Đây là sân chơi rất lớn với các đối thủ hàng đầu thế giới. Điều đầu tiên, tôi mong báo chí không nên gây áp lực cho các cầu thủ. Bản thân chúng ta mặc dù 7 lần vô địch SEA Games nhưng cũng chỉ chiến thắng sát nút các đối thủ sát sườn trong khu vực với sự tập trung và chuyên nghiệp rất cao. Đông Nam Á đã thế thì World Cup, chúng ta không nên tạo áp lực. Các chị em cứ tận hưởng đã.
Tôi rất mừng khi vừa qua, VFF cũng đã có chiến lược đưa chị em đi tập huấn, sắp tới là đi Pháp và sau đó là châu Á. Đây là cơ hội để các chị em cọ xát với các trường phái bóng đá khác nhau.
Thứ hai, tôi mong mỏi đến lúc nào đó, giải nữ sẽ được tổ chức như giải nam, thay vì chỉ đá tập trung tại một địa điểm như hiện nay, chúng ta nên tiến tới đá theo thể thức lượt đi, lượt về với mỗi tuần một trận. Điều này sẽ rất tốt cho các cầu thủ.
Nhà báo Minh Hải: Theo tôi, việc đầu tiên cần phải làm ngay là sớm xác định ban huấn luyện tại World Cup. Hiện nay, chúng ta đang gây sức ép cho ông Chung bằng tình cảm. Nhưng tôi biết, ông Chung đang bị run tay và vừa thay khớp háng. Ông từng tâm sự World Cup là giấc mơ cả đời của ông, nếu giờ phải từ bỏ là rất đau. Nhưng nguyện vọng nghỉ của ông Chung cũng rất chính đáng. Vấn đề là người kế thừa ông Chung là ai, và có cần sự bổ trợ từ ông Chung hay ko? Chúng ta có thể dùng ông Chung ở vị trí Giám đốc kỹ thuật, tư vấn.
Điểm thứ hai rất quan trọng là khâu chuẩn bị mà gốc rễ là giải Vô địch Quốc gia. Chúng ta cần xử lý thế nào để chúng ta có thể đá các giải quốc tế. Nếu không xử lý được lịch thi đấu, các cầu thủ sẽ bị quá tải và suy kiệt.
Thứ ba, rõ ràng về mặt kỹ thuật chúng ta có thể tiệm cận được với các đàn chị ở châu Á, nhưng thể lực thì chắc chắn không. Chúng ta phải có một kế hoạch về dinh dưỡng thực sự có tính kế thừa. Chúng ta phải tích lũy từ bây giờ chứ ko phải đợi tới gần World Cup. Các HLV thể lực phải đa dạng hóa bài tập. Theo tôi, quan trọng là chúng ta cần có kế hoạch và triển khai hợp lý. Tôi rất mừng vì Liên đoàn đã tổ chức chuyến tập huấn tại Pháp. Nếu chúng ta có thể tổ chức một giải nữa với các đối thủ tại Nam Mỹ thì tuyệt vời.
Vấn đề cuối cùng, chúng ta cần một kiến trúc sư trưởng, để điều phối toàn bộ để tất cả vận hành một cách trơn tru.
Chúng ta rất đồng cảm với các cầu thủ. Giấc mơ đã được hiện thực hóa theo một cách khó khăn nhất. Đừng để các em chỉ đá bằng tinh thần thôi. Chúng ta hãy kiến tạo một nền tảng vững chắc hơn cho các em.
Thú thực, tại SEA Games 31, khi xem trận Việt Nam gặp Philippines, tôi thực sự rất lo. Nhưng khi đó, ông Chung lại cười rất an yên mà bảo: Tôi rất tự tin. Hãy để các em vào trận với tâm thế tự tin nhất, và nó sẽ được bắt nguồn bằng chính những việc chúng ta làm.
16:30
Nhà báo Hữu Việt: Chúng ta lần đầu tiên tới đấu trường World Cup, làm thế nào hướng tới World Cup với những mục tiêu rõ ràng, so với tương quan lực lượng, chúng ta cần làm gì để nức lòng người hâm mộ?
Cầu thủ Huỳnh Như: Khi giành được tấm vé dự World Cup, thực sự em cảm thấy rất hạnh phúc. Vậy là ước mơ từ thủa nhỏ, từ khi bắt đầu được chơi đá bóng, đã trở thành hiện thực.
Khi đứng trên sân, biết tin giành được tấm vé dự World Cup, những hình ảnh về ước mơ từ thủa nhỏ bất chợt hiện lên, và trong cuộc đời làm cầu thủ của em, đó là giây phút tuyệt vời nhất, sẽ không bao giờ em quên được cảm giác đó.
Như mọi người biết, đến với World Cup, các đối thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ rất mạnh. Mọi người vẫn nói đến World Cup đá cho vui, không hy vọng thành tích nhiều. Nhưng chúng em không bao giờ nghĩ như vậy, em luôn nghĩ rằng chúng ta đến World Cup không phải để đá cho vui.
Khi đến World Cup em luôn nghĩ là phải cố gắng. Tụi em đã xem đội tuyển Thái Lan đá ở World Cup vừa rồi, và Thái Lan thua Mỹ kết quả khá đậm, thực sự chúng em cũng không nghĩ Thái Lan lại nhận kết quả như vậy. Tuy nhiên, em nghĩ rằng, tất cả mọi đối thủ dù mạnh, nhưng chúng ta cũng sẽ tiến bộ, chúng ta sẽ làm gì đó để lá cờ Việt Nam được tất cả mọi người trên thế giới nhìn thấy, để bạn bè quốc tế hiểu rằng đất nước của chúng ta mặc dù nhỏ bé, nhưng ý chí và sức mạnh luôn vươn xa.
Em hy vọng rằng đội tuyển của chúng ta không chỉ tham gia vào kỳ World Cup sắp tới, mà trong tất cả các kỳ World Cup trong tương lai, sẽ có Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
16:34
Nhà báo Hữu Việt: Là những cô gái đá bóng, chắc chắn các nữ cầu thủ sẽ gặp nhiều thiệt thòi. Các em có thể chia sẻ những khó khăn, suy nghĩ của mình khi trót đam mê trái bóng...
Cầu thủ Chương Thị Kiều: Đến với bóng đá là cái duyên, một phần cũng do gia đình ở quê nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi được giới thiệu lên đội tuyển của TP Hồ Chí Minh. Lúc đầu, còn chưa biết bóng đá là gì, lên câu lạc bộ được các cô chú, anh chị chỉ bảo, tình yêu bóng đá ngày càng lớn. Là những cô gái đá bóng, khó khăn nhất với tôi là những lúc bị chấn thương, hiện tại, chấn thương vẫn đang đeo đẳng khiến phong độ thi đấu của tôi không được 100% như mong muốn.
Nhà báo Hữu Việt: Kiều có gặp khó khăn gì trong việc hỗ trợ điều trị chấn thương?
Cầu thủ Chương Thị Kiều: Hiện tại, được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nhiệt tình, đầy đủ của các nhà tài trợ, tôi thấy rất tốt và không gặp khó khăn gì trong quá trình điều trị.
Nhà báo Hữu Việt: Kiều có thể chia sẻ với chúng tôi biết về dự định, mong muốn tương lai?
Cầu thủ Chương Thị Kiều: Ngay lúc này đây, trong đầu tôi vẫn chỉ hiện lên 2 chữ: “bóng đá”, về mong muốn sau này, tôi muốn làm kinh doanh.
Cầu thủ Hải Yến: Điều kiện gia đình không khá giả, tôi tham gia bóng đá để hỗ trợ, giúp gia đình bớt khó khăn, cha mẹ đỡ vất vả. Cuộc đời cầu thủ chỉ một quãng thời gian nhất định, chúng tôi mong muốn sau khi giải nghệ được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển sâu hơn theo nghiệp thể thao của mình.
Nhà báo Hữu Việt: Yến có suy nghĩ gì khi các cầu thủ nam thu nhập rất tốt, mua nhà, mua xe, trong khi các cầu thủ nữ thu nhập còn khá khiêm tốn, em có thấy chạnh lòng không?
Cầu thủ Hải Yến: Về sự bất bình đẳng giữa bóng đá nam và bóng đá nữ thì chúng em không suy nghĩ nhiều và sẽ cố gắng nỗ lực vượt qua tất cả.
Cầu thủ Huỳnh Như (cười): Cái khổ lớn nhất, về nhà nghỉ mấy ngày, cô chú, ông bà cha mẹ tới hỏi: Ủa mày nghỉ để lấy chồng chưa hay còn đá nữa? Tôi bảo: Trời, chưa đi World Cup làm sao lấy chồng. Mọi người vẫn cứ động viên thôi cứ cố gắng. Tôi không tính nhiều đâu, cứ đá bóng đã rồi tính tiếp.
Nhà báo Minh Hải: Tôi xin phép bổ sung thêm một câu chuyện liên quan. Đợt SEA Games 31 vừa rồi, tôi có dịp ngồi với các cầu thủ và gia đình các em tại Cẩm Phả. Trong câu chuyện, bố một nữ cầu thủ có nói: “Sau này anh chết đi rồi, không biết nó sẽ sống như thế nào? Về sau liệu có ai chăm sóc nó và để nó nương tựa hay không?” Đó thực sự là một nỗi trăn trở lớn.
Lại có lần khi phỏng vấn bố mẹ Huỳnh Như, tôi có hỏi: Sau thành công này, cô chú còn bắt con về lấy chồng nữa hay không? Đứng trước máy quay thì họ bảo không; nhưng sau đó lại bảo riêng: Kể nó về lấy chồng được thì tốt.
Phỏng vấn bố của một huyền thoại khác của bóng đá nữ, tôi hỏi: Liệu anh có muốn đánh đổi toàn bộ Huy chương Vàng, toàn bộ sự thành công của con gái lấy một điều gì khác hay không? Thì anh trả lời: “Tôi muốn nó như bạn bè, bây giờ có con bồng, con bế”. Rõ ràng, đây là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng để hỗ trợ các cầu thủ để khi không còn đá nữa thì cuộc sống các em không quá vất vả, để các em đừng cô quạnh quá. Hãy vào cuộc để tránh việc chúng ta bị coi là một nền thể thao vắt chanh bỏ vỏ.
16:39
Nhà báo Hữu Việt: Cảm ơn các vận động viên chia sẻ những khó khăn đã trải qua, với tư cách là phụ nữ, một người chị đi trước, Ngọc Châm có thể chia sẻ điều gì với các em và với tất cả các quý vị đại biểu có mặt tại tọa đàm hôm nay?
Cựu cầu thủ Ngọc Châm: Qua những chia sẻ, em thấy rằng hiện nay bóng đá nữ đã nhận được những đãi ngộ, quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước. Bóng đá nữ đã được hỗ trợ nhiều hơn, đã có nhà tài trợ. Hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ công việc làm cho cầu thủ nữ sau khi giải nghệ.
Tuy nhiên, cũng như các em vừa chia sẻ, mọi người đều mong muốn rằng, sau mười mấy năm thanh xuân gắn bó với bóng đá, sau khi giải nghệ, các em vẫn mong muốn tiếp tục được làm những công việc mọi người đã từng làm, đó là những công việc liên quan đến bóng đá. Như chị Kim Chi, bây giờ hiện là huấn luyện viên của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam, trợ lý của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Đó là những công việc phù hợp với các em hơn.
Trước đây đã từng có nhiều ngân hàng mời tôi hoặc nhiều cầu thủ về làm một vị trí ở ngân hàng, nhưng những cầu thủ của chúng ta còn thiếu kỹ năng nên họ không tự tin để đảm nhận được công việc như thế.
Cá nhân tôi sau khi giải nghệ đã qua nhiều công việc khác nhau, bây giờ hiện tôi đang làm huấn luyện viên trẻ, đào tạo các cầu thủ nhí từ 5 -15 tuổi, và công việc này giúp tôi vẫn duy trì được đam mê của mình. Khi làm công việc như vậy, tôi cảm thấy tự tin hơn, truyền được đam mê của mình và hướng dẫn được kỹ năng của mình tới các cầu thủ nhí.
Cũng như tôi, các em cầu thủ trẻ hiện nay đã có mười mấy năm kinh nghiệm đá bóng, khi giải nghệ, các em có thể vẫn làm những công việc liên quan đến bóng đá như huấn luyện viên, trợ lý huấn luyện viên, giáo viên giáo dục thể chất. Tôi nghĩ rằng những công việc đó sẽ phù hợp với các em hơn.
16:42
Nhà báo Hữu Việt: Bên cạnh các khoản tiền thưởng, cần có những chính sách đào tạo, hỗ trợ việc làm như thế nào cho các cầu thủ sau giải nghệ?
Ông Nguyễn Thành Phúc:
Tôi nghĩ rằng bản thân các tuyển thủ phải hiểu rằng, trong mỗi công ty, doanh nghiệp đều có những công việc cố định, chúng ta có phù hợp hay không. Với mỗi vận động viên, thi đấu rất vất vả, nhưng đó là một sân khấu, có vầng hào quang.
Như vậy, việc đầu tiên là bản thân vận động viên đó phải thay đổi, khi bước xuống sân khấu khác đi rất nhiều. Chúng ta phải có sự thay đổi. Doanh nghiệp cũng rất nỗ lực hỗ trợ, nhưng vận động viên cũng phải cố gắng hòa nhập, chấp nhận chuyện đó. Việc thay đổi suy nghĩ rất quan trọng, việc học một cái gì đó mới không khó. Kể cả những người ở độ tuổi 40-50 tuổi, nếu phải chấp nhận sự thay đổi, chúng ta sẵn sàng học một việc mới thì không có gì khó. Khó ở đây chính là suy nghĩ của mình.
Hiện nay, ở khía cạnh doanh nghiệp, có rất nhiều công việc đa dạng mà các vận động viên làm được. Chưa kể các vận động viên có lợi thế hơn người bình thường rất nhiều, đó là thể lực hơn nhiều người. Ở tuổi 30-35 còn rất trẻ để học một công việc mới, nếu chúng ta chấp nhận học việc mới, thì nhu cầu của vận động viên và doanh nghiệp sẽ dễ dàng gặp nhau hơn.
Ông Nguyễn Hữu Đường:
Trong năm 2022, tôi đã làm 10 nghìn căn nhà ở xã hội, mỗi tòa nhà này đều có một căng tin bán bánh mì, xúc xích, các loại nhu yếu phẩm cho dân cư ở các tòa nhà và các nhà thầu. Tôi cũng đang đề nghị Quốc hội là các tỉnh thành phố đều có quỹ nhà ở xã hội, chúng tôi sẽ tham gia.
Các cháu đá bóng qua thời kỳ đỉnh cao, ở tuổi 31, 32 đi học không được, khi đó các cháu sẽ có nhà, có công việc làm, nhà chỉ 12 triệu đồng/m2. Khoảng 300 triệu đồng là có căn nhà ở đầy đủ tiện nghi và có việc làm. Tại Hà Nội, trong năm nay sẽ làm 10 nghìn căn. Các tỉnh thì yên tâm là các cháu sẽ có chỗ ở, có nhà.
16:55
Nhà báo Hữu Việt: Chúng ta vừa nghe tâm sự về những vất vả trong cuộc sống của các nữ tuyển thủ, đặc biệt là sau khi giải nghệ. Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những giải pháp, chính sách gì để các cầu thủ yên tâm cống hiến cho bóng đá nữ nước nhà?
Ông Trần Đức Phấn: Đối với bóng đá thì có thuận lợi là Liên đoàn Bóng đá rất mạnh, xã hội rất quan tâm. Có thể nói, bóng đá hiện nay vẫn là môn thể thao được xã hội quan tâm và đầu tư tốt hơn nhiều so với các môn thể thao khác. Các môn đều có vất vả như nhau, không có môn nào vất vả hơn môn nào để giành được huy chương. Các vận động viên phải hy sinh tuổi trẻ và rất nhiều thứ để có thể đạt thành tích mong muốn.
Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo ngành rà soát chính sách. Với một số môn thể thao, trong thời gian qua, phía cơ quan quản lý nhà nước cũng rất tích cực và cũng thấy rằng đầu ra của các môn thể thao nói chung có một số bất cập và rất khó khăn đối với các vận động viên, đồng thời đã triển khai một loạt giải pháp liên quan vấn đề đầu ra của các vận động viên, như ký thỏa thuận với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Theo đó, trên toàn quốc, tại tất cả các địa phương, sau khi vận động viên giải nghệ, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam sẽ nhận tất cả các vận động viên đó vào làm việc và đào tạo nghề cho các vận động viên, bảo đảm sau khi giải nghệ, họ có thể có công việc ổn định.
Thứ hai, đã ký thỏa thuận với Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội để tổ chức giảng dạy, nhận các vận động viên, đặc biệt là vận động viên có huy chương, vào thẳng học các ngành nghề mà hiện nay đối với thể thao vẫn đang hạn chế. Thí dụ, thể thao có 3 môn học, ngành học còn hạn chế. Đó là quản lý thể thao, kinh tế thể thao, quản lý truyền thông thể thao.
Lĩnh vực truyền thông thể thao thì chúng ta rất mạnh nhưng quản lý truyền thông thể thao thì chúng ta chưa có. Chương trình học của Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội có liên kết với một trường đại học ở Anh. Chúng tôi phát hiện môn học này mà người Anh rất thành công trong quá trình truyền thông về thể thao. Chúng tôi cũng đã có đề xuất. Có một số vận động viên đã được vào học ngành này, như Quang Hải, Quách Thị Lan. Chúng ta đã có 5 vận động viên được vào thẳng.
Hy vọng các bạn ấy sau khi hết thời gian tập luyện, thi đấu, có thể học ngành nghề phù hợp. Họ cũng rất ưu tiên cho vận động viên có thể được đào tạo tiếng Anh để ra nước ngoài học và hoàn toàn miễn phí cho vận động viên trình độ cao, có thành tích xuất sắc.Đối với Hội Doanh nghiệp trẻ, hiện nay, tại tất cả tỉnh, thành phố, số lượng vận động viên vào làm rất ít sau khi kết thúc thi đấu. Có vấn đề gì đó mà chúng tôi chưa khảo sát được: Vì sao họ mở cửa ra và không đòi hỏi bất cứ điều gì nhưng vận động viên lại không vào? Câu chuyện này chúng ta cần có khảo sát và đánh giá thực trạng để chúng ta có giải pháp để giúp các vận động viên.
Chương trình Tọa đàm trực tuyến "Nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam" kết thúc lúc 17 giờ. Trân trọng cảm ơn quý vị khách mời đã tham gia, giải đáp nhiều câu hỏi, chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, đưa ra những ý kiến quý giá cho nội dung buổi tọa đàm. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.