Phát biểu trực tuyến thông tin với báo chí tối muộn 7/10, Tổng thống Widodo thông tin, dựa trên nội dung bức thư FIFA gửi cho lãnh đạo nước này, bóng đá Indonesia sẽ không phải chịu các án phạt từ FIFA.
Theo Tổng thống Indonesia, bức thư trên nối tiếp nội dung làm việc sau khi ông và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã có cuộc điện đàm trước đó vào ngày 3/10 vừa qua, liên quan thảm kịch sau trận đấu thuộc giải bóng đá hàng đầu nước này - Liga 1.
Bức thư cũng cho biết FIFA và Chính phủ Indonesia sẽ thành lập 1 nhóm công tác để tiến hành các công việc giúp cải thiện điều kiện an toàn các sân vận động tại Indonesia sau vụ việc.
Để các nỗ lực này diễn ra suôn sẻ, FIFA sẽ mở văn phòng tại Indonesia trong quá trình chuyển đổi này và thực hiện dưới sự giám sát và tham gia chung của FIFA, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Chính phủ Indonesia, phối hợp cùng Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI).
Cùng ngày, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia, Zainudin Amali cho biết, chính phủ nước này đang tiến hành các bước thận trọng trong việc giải quyết hậu quả thảm kịch Kanjuruhan để tránh các án phạt từ FIFA.
Theo ông Zainudin Amali, giới chức Indonesia muốn tránh can thiệp quá sâu vào công tác của PSSI vì không muốn 1 án phạt như năm 2015 xảy ra 1 lần nữa, khi mà chính phủ đã can thiệp quá sâu, khiến FIFA thu hồi tư cách thành viên của PSSI và ra lệnh cấm các đội tuyển và câu lạc bộ bóng đá Indonesia tham gia các giải đấu quốc tế dưới sự bảo trợ của FIFA và AFC.
Ngoài ra, Bộ Thanh niên và Thể thao cũng sẽ mời các chuyên gia của PSSI, đại diện các câu lạc bộ bóng đá và các đơn vị có liên quan cùng xem xét tổ chức lại các giải đấu để tránh lặp lại thảm kịch Kanjuruhan.
Vụ bạo loạn sau trận đấu giữa chủ nhà Arema FC và Persebaya đêm 1/10 trên sân Kanjuruhan đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi đã dẫn đến thiệt hại kinh hoàng, với số người thiệt mạng lên tới 131 người.
Lực lượng an ninh bắn hơi cay về phía các cổ động viên sau trận đấu giữa Arema và Persebaya tại sân vận động Kanjuruhan, Malang, Đông Java, tối 1/10/2022. (Ảnh: Antara) |
Thảm kịch xảy ra do các cổ động viên của đội Arema bất bình với kết quả thua chung cuộc 2-3 của đội nhà, sau đó tràn vào sân gây rối, uy hiếp sự an toàn của các cầu thủ và quan chức, buộc các nhân viên an ninh phải bắn hơi cay vào khán đài, dẫn đến thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng khi hàng nghìn người tìm cách thoát khỏi sân.
Theo số liệu từ giới chức y tế địa phương, 131 người đã thiệt mạng trong thảm kịch tại Kanjuruhan, trong khi 440 người bị thương nhẹ và 29 người bị thương nặng.
Tổng thống Indonesia đã thành lập nhóm điều tra độc lập gồm 13 thành viên do Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Mahfud MD đứng đầu để điều tra thảm kịch Kanjuruhan trong vòng 1 tháng.
Ngoài ra, ông Widodo cũng đã yêu cầu rà soát lại tất cả các sân vận động ở Indonesia, đặc biệt là những sân tổ chức các trận đấu ở Liga 1, nhằm ngăn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.
Cảnh sát Indonesia cũng đã xác định 6 đối tượng đang đối mặt với truy tố hình sự liên quan đến thảm kịch cuối tuần qua, trong đó có 3 nhân viên cảnh sát, trong khi 3 người còn lại chịu trách nhiệm về tổ chức trận đấu và bảo đảm an ninh, gồm Chủ tịch - Giám đốc PT Liga Indonesia Baru - đơn vị tổ chức Liga 1, Chủ tịch đội bóng Arema FC, và 1 nhân viên an ninh tại sân vận động Kanjuruhan.
Mở rộng điều tra, Cảnh sát quốc gia Indonesia cũng đã xác định 20 nhân viên cảnh sát trong diện tình nghi vi phạm các quy tắc khi thực hiện nhiệm vụ liên quan đến vụ việc, gồm 6 nhân viên của Sở Cảnh sát Malang và 14 cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát tỉnh Đông Java.