Cách tính điểm cũng thay đổi, theo đó đội thắng 3-0 sẽ được 3 điểm, nếu chỉ thắng 3-1 hoặc 3-2 thì điểm sẽ được chia theo tỷ lệ 2 điểm cho đội thắng, 1 điểm cho đội thua. Thể thức thi đấu mới, nhiều cầu thủ nước ngoài chất lượng, giúp các trận đấu thêm hấp dẫn thu hút đông đảo khán giả ở cả hai bảng đấu vừa được tổ chức tại Bình Phước (nội dung nữ) và Hà Tĩnh (nội dung nam).
Cũng theo Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, kể từ năm 2025, sẽ chỉ còn tám đội nam và tám đội nữ thi đấu ở Giải vô địch bóng chuyền quốc gia. Thể thức thi đấu vòng tròn một lượt cũng khác hẳn so với những mùa thi đấu trước vốn áp dụng cho 10 đội, chia thành hai bảng đấu vòng tròn để xác định nhà vô địch lượt đi và về (hai đội nhất, nhì ở mỗi bảng đấu lượt đi và về sẽ tranh ngôi vô địch).
Sau một tuần thi đấu vừa qua của mùa giải năm nay, với 20 trận đấu ở bảng nam, đội đương kim vô địch Sanest Khánh Hòa tạm dẫn đầu với 12 điểm (có 4 trận thắng trước các đội Long An 3-0, Đà Nẵng 3-2, Ninh Bình 3-1 và Hà Tĩnh 3-0). Đội Biên Phòng cũng với 4 trận thắng trước Ninh Bình 3-0, Hà Tĩnh 3-1, Thể Công Tân Cảng 3-2, XSKT Vĩnh Long 3-0, được 11 điểm, xếp thứ 2. Do đội Thể Công Tân Cảng mới thắng ba trận, thắng Vĩnh Long 3-0, thắng Hà Nội 3-0 và thắng Long An 3-0, hiện xếp thứ ba. Đội Đà Nẵng nhờ công lớn của ngoại binh người Thái Lan Thanathat vươn lên vị trí thứ tư. Bất ngờ lớn nhất là việc đội Ninh Bình, một trong những ứng cử viên vô địch hàng đầu đã tụt xuống hạng năm do một số cầu thủ trụ cột không may bị chấn thương. Thứ tự tạm xếp từ hạng năm đến hạng chín là: Ninh Bình, Hà Nội, Long An, Hà Tĩnh và XSKT Vĩnh Long. Ở giải đấu của nam, 8/9 đội đã có sự xuất hiện của các cầu thủ nước ngoài. Hà Nội là đội duy nhất không có ngoại binh. Có hai đội sở hữu hai cầu thủ nước ngoài là Sanest Khánh Hòa với hai cầu thủ đến từ Brazil là Evandro và Perotto; Ninh Bình cũng sử dụng hai ngoại binh là Anut (Thái Lan) và Araujo (Cuba). Vòng hai của nam sẽ được tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 21/11 đến 1/12.
Ở giai đoạn đầu nội dung thi đấu của nữ diễn ra từ ngày 16 đến 23/3 tại Bình Phước, đội chủ nhà nữ Binh chủng Thông tin-Trường Tươi Bình Phước với sự góp mặt của nhiều tuyển thủ quốc gia lẫn ngoại binh chất lượng đã giành bốn chiến thắng liên tiếp, trong đó trận thắng vất vả 3-2 trước Thanh Hóa khiến họ mất sức và thua đội nữ Quảng Ninh. Tạm thời, nhóm bốn đội dẫn đầu, bao gồm: Binh chủng Thông tin-Trường Tươi Bình Phước, VTV Bình Điền Long An, Ninh Bình và Thanh Hóa. Bất ngờ nhất là việc đội nữ Thanh Hóa (vốn mùa bóng năm ngoái còn ở nhóm phải tranh vé trụ hạng), nhưng với sự xuất hiện của tay đập toàn năng từng vô địch U20 thế giới năm 2017 Cai Xiaoqing (Trung Quốc) đã ghi đến 153 điểm, giúp họ lọt vào tốp 4 trong khi đó Hóa chất Đức Giang vốn là đội mạnh đã tụt xuống hạng năm. Việc hàng loạt đội bóng nữ thuê được các vận động viên mạnh giúp giải đấu tăng tính hấp dẫn, các tuyển thủ Việt Nam nhất là các tuyển thủ trẻ có nhiều cơ hội cọ xát hơn. Vòng hai nội dung nữ sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 12/11 tại Lào Cai.
Mặc dù bóng chuyền là môn thể thao hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả tới sân và người xem truyền hình, song việc tìm kiếm tài trợ, nhất là các hợp đồng dài hạn vẫn hết sức khó khăn cả với đội tuyển quốc gia lẫn các câu lạc bộ. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết: “Phải nhìn nhận thực tế, tìm được nhà tài trợ cho thể thao không dễ dàng. Các đội tuyển bóng chuyền quốc gia có một số đơn vị tài trợ nhưng chỉ theo thời điểm cụ thể. Chúng tôi rất chờ đợi sẽ có nhà tài trợ dài lâu bởi khi có thêm nguồn xã hội hóa thì các hoạt động tập huấn, thi đấu của đội tuyển quốc gia được tốt hơn”. Việc thiếu tài trợ khiến việc tập huấn của các đội bóng gặp nhiều khó khăn, nhất là bóng chuyền nam.