2023 là năm rất đặc biệt của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam khi thi đấu hơn 40 trận của 10 giải đấu chỉ trong vòng 7 tháng và để từ đó các cột mốc lịch sử liên tiếp được tạo nên. Đó là những lần đầu tiên: vô địch Cúp các CLB bóng chuyền nữ châu Á, vô địch châu lục cấp đội tuyển quốc gia tại AVC Challenge Cup, góp mặt ở giải đấu tầm thế giới FIVB Challenger Cup, đứng trong tốp 4 Giải bóng chuyền nữ châu Á và ASIAD 19.
Theo ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), những thành công này mang rất nhiều yếu tố tích cực. Đó là sự quan tâm của người hâm mộ đến bóng chuyền nói chung và bóng chuyền nữ nói riêng, sự nhìn nhận từ vấn đề quản lý Nhà nước, cũng như Liên đoàn trong việc đánh giá khả năng và đầu tư để có những định hướng tốt. Khi được xã hội quan tâm nhìn nhận sẽ có thêm các “mạnh thường quân” tài trợ, một yếu tố rất quan trọng để chúng ta có điều kiện phát triển và đạt được thành tích cao hơn nữa.
Bóng chuyền nữ nước nhà đã có bước chuyển mình và thay đổi mạnh mẽ cùng sự đóng góp rất lớn của mỗi cá nhân và trên hết là một tập thể đoàn kết để xứng đáng giành danh hiệu “Đội tuyển của năm” tại Cúp Chiến thắng 2023. Có thể thấy rõ nhất là sự thay đổi về chất, về yếu tố con người. Hiện nay cầu thủ bóng chuyền Việt Nam cao trung bình 1m80 là bình thường, nhưng trước đây thì không nhiều. Bên cạnh đó, các VĐV đều nắm chắc các kỹ thuật cơ bản, từ đó nâng cao kỹ năng để áp dụng vào chiến thuật đa dạng và hiện đại hơn từ HLV Nguyễn Tuấn Kiệt.
Mới đây, VFV đã bổ sung nhiều quy định với mục tiêu giúp Giải bóng chuyền vô địch quốc gia ngày càng chuyên nghiệp và đội tuyển được tập trung với thành phần tinh nhuệ nhất. Theo đó, sân chơi quốc gia sẽ được thay đổi thể thức thi đấu vòng tròn 1 lượt với 2 giai đoạn lượt đi-lượt về xác định đội xuống hạng. Sự thay đổi này sẽ tạo nên nhiều trận cầu “đinh”. Ngoài ra, giải nam và giải nữ sẽ không tổ chức chung như trước mà được tách độc lập, nhằm giúp kéo người hâm mộ đến với bóng chuyền đông hơn.
Một trong những quy định mới đáng chú ý là các đội tham dự giải vô địch quốc gia 2024 nếu không có đội trẻ tham dự giải trẻ thì CLB đó sẽ phải xuống hạng vào năm 2025. Quy định này được giới chuyên môn đánh giá cao nhằm hướng tới nền móng bền vững. Và lần đầu tiên trong lịch sử, VFV ra quy định cứng rắn cho những VĐV từ chối lên tuyển làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế với bất cứ lý do nào (trừ bất khả kháng và có sự chấp thuận của VFV) sẽ bị cấm thi đấu ở năm tiếp theo.
Bóng chuyền nữ được kỳ vọng tiếp tục bay cao. (Ảnh: AVC) |
Đó là những tiền đề và đặt nền móng cho mục tiêu nâng tầm của bóng chuyền Việt Nam. Song, trước những thành công vang dội trong năm 2023, bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ phải đứng trước áp lực bảo vệ thành quả và sự kỳ vọng tiếp tục bay cao. Việc chúng ta sau hơn hai thập kỷ vẫn chưa thể so với Thái Lan là lời nhắc nhở rõ nhất cho việc phải liên tục đổi mới để hoàn thiện. Đội tuyển đang sở hữu dàn VĐV khá chất lượng và đồng đều với Trà Giang, Thanh Liên, Nguyễn Thị Trinh, Lâm Oanh, Nguyệt An... và Thanh Thúy đạt đẳng cấp châu lục. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho sự kế thừa là luôn cần thiết. Chưa kể, số lượng giải đấu của bóng chuyền nữ Việt Nam giảm mạnh trong năm nay. Ngoài 2 giải đấu quan trọng nhất là Cúp bóng chuyền nữ Châu Á và AVC Challenge Cup 2024, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ tham dự SEA V.League 2024 và VTV Cup 2024.
“Liên đoàn sẽ phối hợp cùng Cục Thể dục Thể thao tạo mọi điều kiện để các VĐV đều được tham gia thi đấu đầy đủ các giải quốc tế, khi đó chúng ta sẽ trưởng thành hơn và có thể đạt được thành tích tốt hơn. Nhiệm vụ quan trọng nữa là xây dựng lực lượng kế thừa, chủ trương của ban huấn luyện là sẽ tập trung nhiều VĐV, đặc biệt là lứa trẻ. Năm 2024, ngoài tập trung đội tuyển sẽ có thêm những giải trẻ, là cơ hội cho các VĐV trẻ cọ xát và chứng tỏ mình”, ông Lê Trí Trường chia sẻ.
Không có thành công nào là dễ dàng, đằng sau vinh quang là sự đánh đổi mồ hôi, nước mắt cùng những sự hy sinh thầm lặng. Và hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều câu chuyện cổ tích của bóng chuyền Việt Nam được viết tiếp.