“Bốn tốt” và những bài học quý

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi tổng kết 30 năm công tác xây dựng Đảng, tiến hành đường lối cách mạng của thời kỳ mới, Đảng ta đã phát động thi đua xây dựng đảng bộ, chi bộ “bốn tốt”. Từ đây, trên toàn miền bắc đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, với những ngọn cờ đầu, như “sóng Duyên Hải”, “cờ Ba Nhất”, “gió Đại Phong”… “Bốn tốt” trong xây dựng Đảng đến nay đã trở thành những bài học quý tiếp tục được các cấp ủy vận dụng sáng tạo, góp phần làm nên sức mạnh của Đảng.

Quê hương phong trào "gió Đại Phong" năm xưa, đã thay đổi nhờ nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nông dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Quê hương phong trào "gió Đại Phong" năm xưa, đã thay đổi nhờ nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nông dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Từ "bốn tốt" ngày ấy

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ý tưởng về xây dựng chi bộ, đảng bộ “bốn tốt” được đăng trên Báo Nhân Dân, được Bác Hồ hoan nghênh, Bộ Chính trị thông qua và tiến hành cuộc vận động sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. “Bốn tốt” với yêu cầu cụ thể là: sản xuất, chiến đấu tốt; chấp hành chính sách tốt; xây dựng chính quyền, các đoàn thể quần chúng tốt và củng cố Đảng tốt. “Bốn tốt” được hiện thực hóa thành những phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, xí nghiệp; thành ba “xây”, ba “chống” (xây: ý thức trách nhiệm, quản lý kinh tế, cải tiến kỹ thuật; chống: tham ô, lãng phí, quan liêu)...

Toàn miền bắc thi đua sôi nổi, nhân rộng những điển hình trên mọi lĩnh vực. Trong công nghiệp có “sóng Duyên Hải”, nông nghiệp có “gió Đại Phong”, quân đội phất cao “cờ Ba Nhất”, ngành giáo dục gióng lên những hồi “trống Bắc Lý”… Sau hội nghị tổng kết Cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở theo yêu cầu “bốn tốt”, diễn ra tháng 4-1965, Đảng chủ trương mở rộng cuộc vận động ở cấp huyện, theo yêu cầu huyện ủy và huyện ủy viên “bốn tốt”. Đó là tiền đề ra đời “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “mỗi người làm việc bằng hai”… Những phong trào ấy đã cuốn hút được triệu người như một thi đua sản xuất, chiến đấu, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, kế hoạch của Nhà nước thành hiện thực.

“Bốn tốt” và “gió Đại Phong” ngày ấy đã lan rộng khắp miền. Từ xã Tòng Bạt, Ba Vì (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), một đồng chí Bí thư Chi bộ đã lặn lội vào thôn Đại Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) học tập kinh nghiệm. Sau đó, đồng chí cùng Chi bộ quyết tâm xây dựng Hợp tác xã Thái Bạt thành lá cờ đầu của huyện, của tỉnh. Chi bộ cùng các đoàn thể chọn 20 người (10 nam, 10 nữ) làm nòng cốt thực hiện phong trào Đại Phong ở xã.

Đảng viên lão thành, 53 tuổi Đảng Trần Thế Sao, một trong 10 nam Đại Phong của Tòng Bạt bấy giờ, vẫn nhớ rõ thời thanh niên sôi nổi đó. Với niềm tự hào và nhiệt huyết tuổi trẻ, ông cùng mọi người ra sức thi đua, xây dựng các công trình thủy lợi của địa phương. Xung phong chiến đấu ở những chiến trường ác liệt nhất, từ Quảng Trị khói lửa về canh giữ, bảo vệ Thủ đô, rồi lại ngược phía bắc tham gia bảo vệ biên giới Tổ quốc, sau khi xuất ngũ, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã ba khóa liền. Phẩm chất của người chiến sĩ năm nào lại được phát huy trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, phục vụ nhân dân. Lại những trăn trở: Làm sao để điện về tới từng hộ gia đình; sao cho vẫn đồng đất ấy mà thu nhập cao hơn… Nghĩ là làm, và rồi tất cả đều đã thành hiện thực.

“Tiếp nối truyền thống ấy, mỗi cán bộ, đảng viên của Tòng Bạt ý thức hơn về trách nhiệm của mình, phấn đấu hoàn thành các chương trình công tác đã đề ra. Nhiệm vụ trọng tâm là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…” - Bí thư Đảng ủy xã Lương Thị Nghĩa bày tỏ như một lời hứa với dân và người tiền nhiệm.

Nhân lên những kinh nghiệm quý

Trên quê hương của phong trào “gió Đại Phong” năm nào, chúng tôi được gặp những người nông dân cần cù một nắng hai sương, vươn lên từ đồng đất nghèo khó và khắc nghiệt. Qua cái cổng làng khá lớn, thôn Đại Phong hiền hòa bên dòng Kiến Giang đã ghi vào lịch sử những trang vàng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trò chuyện với Phó Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ bộ phận thôn Đại Phong Hồ Hữu Tuấn và đảng viên kỳ cựu Võ Như Hoa, phần nào thấm được niềm tự hào của họ về Đại Phong một thời, để tiếp tục hun đúc ý chí và nỗ lực xây dựng quê hương. Hợp tác xã (HTX) Đại Phong vẫn duy trì nhịp độ, với gần 2.200 xã viên, phần lớn tập trung phát triển nông nghiệp, bên cạnh mở rộng một số ngành nghề như mộc, nề, dịch vụ…

Xã Phong Thủy, nơi từng 10 năm liền đạt Đảng bộ “bốn tốt”, từng đạt xã “hai giỏi”, vẫn phát huy được truyền thống. Năm 2011, được chọn làm điểm nông thôn mới (NTM) của huyện Lệ Thủy, từ Đảng bộ xã tới chi bộ thôn đã thể hiện rõ vai trò tiên phong với quyết tâm cao, hành động thiết thực, lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, phát huy tinh thần nêu gương, tập hợp sức mạnh cộng đồng cùng khắc phục khó khăn do địa hình với ba tháng mùa lũ. Cấp ủy coi xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, lấy công tác xây dựng giao thông nông thôn làm đột phá, phát triển sản xuất tạo đà. Nhiều đảng viên đã đi đầu trong chuyển đổi sản xuất hiệu quả, hiến đất làm đường, ủng hộ tiền mặt… tạo phong trào xây dựng NTM trong toàn dân. Xuất hiện những cá nhân tiêu biểu như thôn Đại Phong có ông Phạm Xuân Dung, tự nguyện hiến 120 m2 đất ở và tháo dỡ 150 m tường rào để mở rộng đường liên thôn; ông Trần Văn Truyền vận động con cháu ủng hộ 20 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Thông ở thôn Thượng Phong tự nâng cấp tuyến đường với số tiền hơn 20 triệu đồng…

Cấp ủy phối hợp Ban phát triển thôn, các tổ chức đoàn thể vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh với gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Xã Phong Thủy đã đạt cả 19 tiêu chí, được công nhận xã NTM. Thực hiện nhiệm vụ năm 2016 trong điều kiện khó khăn, nhất là lũ lụt xảy ra gây thiệt hại không nhỏ, nhưng Đảng ủy xã đã chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất theo thời vụ, sử dụng bộ giống phù hợp và đưa một số loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Vì thế, sản xuất nông nghiệp năm nay vẫn được mùa hơn so những năm trước.

Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy Nguyễn Quang Năm là người có nhiều thời gian gắn bó với cơ sở, trải qua nhiều vị trí công tác từ tổ chức cán bộ, Chủ tịch UBND huyện. Đồng chí hiểu rõ mảnh đất, con người nơi đây, tự hào với Đại Phong, Lệ Thủy. Ở vị trí người đứng đầu, anh ý thức cao hơn về trách nhiệm và tình cảm của mình đối với mảnh đất này. Kinh nghiệm “bốn tốt” ngày ấy trong xây dựng Đảng hiện nay, theo anh, vẫn còn nguyên giá trị. Điểm căn cốt vẫn là, cán bộ, đảng viên thể hiện tốt trách nhiệm của mình, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền vững mạnh, đoàn kết một lòng, hướng tới những việc làm có lợi cho dân. Trong đó, người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Bởi thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Quy định nhằm tạo chuyển biến tích cực, đổi mới công tác cán bộ; tăng chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy cấp ủy, chính quyền.

Theo quy định, người đứng đầu và cấp phó cơ quan, đơn vị, tổng số là 283 cán bộ, ký cam kết với Ban Thường vụ Huyện ủy vào đầu nhiệm kỳ, hoặc khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động chức vụ lãnh đạo, quản lý; ký cam kết với đảng ủy cùng cấp; với chi ủy các cơ quan, đơn vị có các tổ chức đầu mối trực thuộc… cùng giám sát thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Mới đây, Huyện ủy đã chỉ đạo các đảng ủy, chi ủy trực thuộc, các ban đảng, văn phòng cấp ủy; phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đây là biện pháp nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên, viên chức làm việc cầm chừng; bỏ vị trí trong giờ hành chính; sử dụng tài sản công vào việc riêng; sách nhiễu, phiền hà nhân dân…

Cũng theo đồng chí Bí thư, củng cố tổ chức, đội ngũ phải đi liền với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Một trong năm chương trình trọng điểm được xác định trong nhiệm kỳ này là phát triển kinh tế nông nghiệp. Ở Lệ Thủy, mùa vụ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, cần sự đồng nhất trong sản xuất ở diện rộng, cho nên kinh tế tập thể vẫn đóng vai trò quan trọng. Đây là điểm sáng về liên minh HTX của tỉnh Quảng Bình với hai đơn vị là Đại Phong và Thượng Phong. Mô hình HTX tiếp tục duy trì có hiệu quả theo hướng tổ chức lại sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, lấy giống làm đột phá, mở rộng chăn nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhiều mô hình gia trại, trang trại đã hình thành tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy, Hưng Thủy… Khuyến khích người dân chăn nuôi quy mô lớn, huyện đã kêu gọi đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến năm 2016, huyện Lệ Thủy đã có sáu xã đạt chuẩn NTM, với thu nhập bình quân đầu người là 30 triệu đồng/năm.

“Bốn tốt” trong xây dựng Đảng là nhằm hướng tới niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Niềm tin ấy thể hiện sức mạnh của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những bài học từ cuộc vận động “bốn tốt” ngày ấy sẽ vẫn là những bài học quý.