Bồi thường thỏa đáng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

NDO - Ngày 13/11, Hội nghị chuyên đề “Công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn thành phố” do Ban Dân vận Thành ủy cùng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã nhận được nhiều kinh nghiệm chia sẻ từ các địa phương, một số Ban quản lý dự án là chủ đầu tư các công trình trọng điểm có quy mô giải phóng mặt bằng lớn với hàng chục nghìn hộ dân phải thu hồi đất.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố đã tập trung nỗ lực để triển khai công tác bồi thường, giải phóng bằng cho các công trình, dự án quan trọng. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố đã tập trung nỗ lực để triển khai công tác bồi thường, giải phóng bằng cho các công trình, dự án quan trọng. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố phải phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quyết định đến hiệu quả đầu tư, tiến độ công trình, dự án và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án kéo dài, gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách; đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân.

Theo đồng chí Hồ Hải, tại Thành phố Hồ Chí Minh một trong những dự án kiểu mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là trong công tác vận động nhân dân để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng là dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh, với 1.689/1.692 hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng (đạt được 99,8%).

Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm như công trình hầm chui nút giao An Sương, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương-Bến Cát, dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm… đã và đang thực hiện cũng ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương, nhất là vai trò của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp tham gia vào Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Thành phố thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng là góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. Dự án được đưa vào sử dụng đúng với tiến độ thì cuộc sống, chất lượng của người dân ở trên địa bàn của thành phố cũng được hưởng thụ từ chính những tiện ích, hiệu quả mà công trình mang lại”, ông Nguyễn Hồ Hải đúc kết.

Bồi thường thỏa đáng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ảnh 1

Hộ dân thuộc diện thu hồi nhà đất của dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, đi qua địa bàn quận Bình Thạnh. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Trao đổi tại hội nghị, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, công tác xác định giá bồi thường, hỗ trợ sát giá thị trường trong điều kiện bình thường là yếu tố tiên quyết để người dân đồng thuận chủ trương của Nhà nước, sớm bàn giao mặt bằng.

Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 2022 có 187 dự án, năm 2023 có 174 dự án, năm 2024 có 177 dự án được triển khai thực hiện.

Theo Ban Dân vận Quận ủy quận 3, để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân.

Từ đó, cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đã tập trung nỗ lực để triển khai công tác bồi thường, giải phóng bằng cho các công trình, dự án quan trọng; trong đó, có nhiều công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố với quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, công tác dân vận của chính quyền và thực hiện dân chủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng cũng như có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; đồng thời qua đó giúp kết nối, thắt chặt mối quan hệ mật thiết hơn nữa giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Thời gian tới đây, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục tăng cường sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ để tham gia công tác dân vận, giải quyết những vấn đề bức xúc của người bị thu hồi đất, đặc biệt là những công trình, dự án trọng điểm phải bảo đảm đúng tiến độ.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, sắp tới thành phố có 5 dự án trọng điểm sắp triển khai là dự án rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi, Vành đai 2 (đoạn 1, 2), Vành đai 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài với khoảng là 6.899 hộ dân bị ảnh hưởng, 269ha đất thu hồi để triển khai.

Đây là những công trình sẽ tạo động lực phát triển cho thành phố nhưng cũng là vấn đề nan giải đặt ra với khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Thành phố cũng có chương trình di dời 48.0000 căn nhà trên và ven kênh rạch.

Do đó, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để triển khai đồng bộ, nhất quán, kịp thời trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân…