Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương đúng; khát vọng giàu có là chính đáng, nhưng nếu không nhận thức và tính toán đầy đủ, hoặc vì lợi riêng thì dễ đưa ra những quyết định sai lầm, như: vội vã cắt đất làm khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí giao đất giao rừng mà kết quả là biến đất công thành đất tư; khai thác nóng tài nguyên... Hiện tượng này phổ biến ở tất cả các địa phương. Tại hội thảo "Thúc đẩy minh bạch trong quản trị tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam", PGS, TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thống kê: Trong số hơn 7,5 triệu héc-ta đất mà Nhà nước giao cho các tổ chức, có đến hàng trăm nghìn héc-ta sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí còn dùng "ma thuật" biến đất công thành đất tư. Cụ thể đối với đất nông lâm trường, cho đến năm 2011, cả nước có 644 nông lâm trường quản lý hơn 6,8 triệu héc-ta đất, tuy nhiên sử dụng kém hiệu quả, để đất hoang hóa, cho thuê sai quy định khá phổ biến... Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 348 khu đất với 1.170 ha bị bỏ hoang, 285 khu cho thuê trái phép, 65 khu cho mượn không đúng pháp luật. Các tập đoàn, tổng công ty ở thành phố này đang trực tiếp quản lý, sử dụng 410 khu đất với diện tích 6,3 triệu mét vuông, nhưng sử dụng đúng mục đích chỉ 2,5 triệu mét vuông, chiếm khoảng 39%.
Báo Nhân Dân số ra ngày 2-9-2014 cho biết: "Từ khi tách tỉnh vào năm 1997 đến nay, Bình Phước quy hoạch tám khu công nghiệp (KCN), một Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, với tổng diện tích hơn 33.600 ha, tuy nhiên đến nay chỉ có bảy KCN hoạt động, thu hút 117 dự án đầu tư và sử dụng diện tích khoảng 458 ha, thấp hơn diện tích quy hoạch rất nhiều". Cũng tại tỉnh này, theo phản ánh của Báo Tuổi trẻ ngày 30-10-2014, nhiều gia đình thuộc cán bộ UBND tỉnh được cấp từ 5 đến 6 ha đất để trồng cao-su, chỉ khi cao-su có thu hoạch (khoảng sáu đến bảy năm) mới tính tiền thuê đất.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến ngày 30-6-2013, có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích hơn 128.000 ha; tỷ lệ lấp đầy KCN là 60,53%; cụm công nghiệp đạt 44,25%.
Chưa nói đến các tài nguyên khác, chỉ sự "xa xỉ" của các dự án sử dụng đất đã gây lãng phí vô cùng lớn. Báo Nhân Dân ngày 29-5-2013 viết: "Theo tính toán của Cục Công sản (Bộ Tài chính): Nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 100.000 tỷ đồng".
Không chỉ trong lĩnh vực tài nguyên, chúng ta còn thấy sự xa xỉ bộ máy, chức vụ, danh hiệu. Trong lúc giáo dục, nghệ thuật... đang tụt hậu so với thế giới; thì chức danh giáo sư, phó giáo sư; học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân; chức danh nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà văn... nhiều chưa từng thấy. "Tiến sĩ" trở thành chỉ tiêu, cho nên cả nước có hơn 24 nghìn tiến sĩ. Nhiều vị không thật sự làm công tác giảng dạy, cũng cố chạy lấy cái hàm giáo sư, phó giáo sư... (kèm theo các danh hiệu này, Nhà nước, tức nhân dân phải tốn một khoản tiền không nhỏ).
Xa xỉ cả danh hiệu đô thị, phường phố. Nhiều làng xóm lên phường mà không hề có trình độ, lối sống phường phố, ngoại trừ việc phá bỏ cảnh quan, văn hóa hài hòa, tươi đẹp của nông thôn.
Xin dẫn một thí dụ tiêu biểu về xa xỉ chức vụ: Theo Trung tướng Trần Ðình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của QH, thì cả nước có 139 nghìn cơ quan hành chính sự nghiệp. Ứng với một cơ quan có một cấp trưởng; trước đây chỉ có một đến hai cấp phó thì nay có bộ có tám thứ trưởng; có UBND có bảy phó chủ tịch. Còn ba, bốn phó là bình thường. Ðồng chí nói: "Cứ tính mỗi cấp phó hằng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước... thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng" (nếu bốn phó thì mất mỗi năm 16 nghìn tỷ đồng, một gánh nặng quá sức cho ngân sách!) - Báo Dân trí ngày 4-11-2014.
Về hội họp, văn bản, chính sách, cơ chế: Ở nước ta, số lượng văn bản luật pháp, hành chính và các văn bản khác để nhân dân thực thi thật sự là một sự xa xỉ. Văn bản này chưa kịp quán triệt, chứ chưa nói là triển khai thực hiện, đã có văn bản khác thay thế. Lượng giấy mực và công sức của chỉ đội ngũ soạn thảo thôi, cũng thật to lớn! Lãng phí trên lĩnh vực này không kém cạnh gì so với các lĩnh vực khác. Lê-nin từng nghiêm khắc phê phán tệ loạn họp, tệ biến công việc nghiêm túc thành công việc bàn giấy; biến công việc bàn giấy thành công việc nghiêm túc; thiết tưởng là bài học rất thấm thía với chúng ta hôm nay.
Xa xỉ trong sinh hoạt: Ðây là một loại xa xỉ phổ biến, làm thiệt hại kinh tế, suy đồi đạo đức, cần được phê phán triệt để.
Trong lúc hàng triệu người ở nước ta chưa đủ cơm ăn, áo mặc thì nhiều người ăn chơi vô cùng xa xỉ. Xa xỉ từ chiếc bánh có chứa một lạng vàng như trong sinh nhật Ðàm Vĩnh Hưng. Xa xỉ từ chiếc túi xách. Túi xách hàng hiệu Hermes, Louis Vuitton (LV), Chanel, Dior... hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD đều tìm thấy tiềm năng ở người tiêu dùng Việt Nam. Một nữ doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh có hơn 1.000 sản phẩm hàng hiệu; bà mở bán 100 túi xách, trong chưa đầy một ngày đã hết veo! Xa xỉ từ chiếc giường của ông Lê Ân giá sáu tỷ đồng đến đám cưới của con trai bà Nguyễn Thị Liễu ở Hương Sơn, Hà Tĩnh tốn 50 tỷ đồng... Có người nước ngoài nhận xét: Các bạn còn nghèo, chưa có nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, nhưng người Việt Nam lại thường xài đồ của những thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhất là ô-tô. Quả vậy, báo chí vẫn nói tới một Cường đô-la và một Cường Luxury với những bộ sưu tập ô-tô hàng chục chiếc, chiếc nào cũng đắt giá. Một người chưa từng được nghe tên tuổi ở Hương Khê đã đặt mua chiếc Rolls Royce phiên bản rồng với giá 40 tỷ đồng... Giám đốc ma-két-tinh của Euro Auto cho biết, tăng trưởng của họ tại Việt Nam những tháng vừa qua của năm 2014 tăng hơn gấp đôi so với dự kiến. Nhân tiện, cũng nêu thêm một con số: Trong chín tháng của năm 2014, việc nhập các mặt hàng cần hạn chế, trong đó có mỹ phẩm, là 4,5 tỷ USD, trong khi đó cả năm 2013 xuất khẩu gạo chỉ đạt ba tỷ USD!
Xa xỉ từ nhà ở, nổi nhất mới đây là lâu đài dát vàng của ông T., bà Q. ở Hà Nội. Kinh khủng hơn nữa, có người đã xây lâu đài trên diện tích bảy héc-ta cho chó và bò ở; mỗi con đều có một phòng riêng, đắp chăn khác mầu nhau. Chó chết, tổ chức tang lễ và xây mộ đẹp hơn cả mộ người!...
Sự xa xỉ trong tiêu dùng còn nêu ra một hình ảnh phản cảm không thể chấp nhận: Trong khi năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất châu Á (xếp hạng của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2013) thì lại tiêu thụ ba tỷ lít bia, tương đương ba tỷ đô-la mỗi năm. Thêm vào đó, hơn tám nghìn lễ hội, quanh năm không biết bao nhiêu người ăn chơi, tiêu phí. Trong cơ quan, cứ thủ trưởng mới là mua xe ô-tô mới; mỗi khi có công việc, họp hành chung, cũng không chịu đi chung nhau, trưởng đi xe trưởng, phó đi xe phó...
Bệnh xa xỉ, lãng phí trước hết là bệnh của những người có địa vị trong xã hội và của những người thừa tiền. Trong cụm từ "làm giàu chính đáng", trong số những người được coi là "làm giàu chính đáng"; tôi dám chắc, có không ít do mưu mánh mà nên.
Có trường hợp sự xa xỉ đã không dừng lại ở sự tốn kém về tiền bạc, hại đến thuần phong mỹ tục mà còn xâm hại đến nhân phẩm. Khi vật dụng đã được đề lên cao quá mức cần thiết, thì con người, giá trị làm người bị hạ thấp xuống. Cái lâu đài chó, bò nói trên phải thuê đến hàng chục người phục vụ, hầu hạ con vật. Một người từng đi học nước ngoài về, là chủ doanh nghiệp khá nổi tiếng, tổ chức sinh nhật hàng tỷ đồng.
Ðối với cán bộ, tổ chức đảng, Nhà nước và đoàn thể, liều thuốc cho căn bệnh xa xỉ, lãng phí là triệt để thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI, về xây dựng Ðảng; phải lấy bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính mà Bác Hồ thường dạy để tu dưỡng bản thân; để đánh giá, làm căn cứ đề bạt và cách chức cán bộ. Pháp luật phải nghiêm minh, không lấy xử lý nội bộ, đức trị thay cho pháp trị.
Và kiên quyết không sợ mấy điều sau đây:
"Không sợ" kẻ thù lợi dụng khi ta nói thẳng, nói thật, làm đúng.
"Không sợ" xử lý mạnh thì mất uy tín cán bộ, mất đoàn kết không có người làm việc.
"Không sợ" người giàu, người có quyền thế, chỉ làm theo lẽ phải. "Ðấu tranh - tránh đâu" không thể là kinh nghiệm sống khôn ngoan.
Ðối với cá nhân, khi xa xỉ là một căn bệnh xã hội, thì vi-rút tiềm ẩn trong mọi người, kể cả những người hôm nay trong túi chưa rủng rỉnh tiền.
Mà cái sự gây náo loạn có phần do báo chí. Một người bình thường, thậm chí tầm thường, vì có cái nhà đẹp, xe đẹp; một cô gái mới hát được vài bài; thế mà yêu ai, mặc gì... đã được biến thành sự kiện, viết cả xê-ri bài, ra rả từ năm này sang năm khác. Chúng tôi không coi đó là sự xa xỉ của báo chí, đó là sự xuống cấp, là khuynh hướng "lá cải".
Ðể đẩy lùi được bệnh xa xỉ cũng như các tệ nạn khác trong xã hội, cần có sự phê phán mạnh mẽ của dư luận xã hội, trong đó làm nòng cốt, chính là báo chí.
Người xưa từng nói: Y phục xứng kỳ đức. Ăn mặc, tiêu dùng đúng cách, phù hợp với hoàn cảnh, con người và địa vị của mình mới là đẹp. "Thành do cần kiệm, phá do xa", nghĩa là "Cần kiệm thì thành công, xa xỉ làm cho sụp đổ". Chuyện đó ngẫm trong lúc này, thật chí lý.