Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, di tích đã bị một số cá nhân xâm phạm nhằm mục đích xây dựng sân bóng trong khu vực bảo vệ II của di tích.
“Nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm vụ việc, thông báo kết quả giải quyết về Ủy ban nhân dân thành phố, tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân và cộng đồng, xã hội”, công văn nêu rõ.
Với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, đình chùa Vàng được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1995. Cũng theo quyết định công nhận này, nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, xây dựng trong khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt, sử dụng đất đai ở di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Song, đã một năm nay, khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia chùa Vàng bị xâm hại nghiêm trọng. Một số người dân phá tường, chặt cây cổ thụ để làm đường, sân chơi…
Ông Nguyễn Huy Khải (85 tuổi), nguyên cán bộ Ban Quản lý di tích đình chùa Vàng rất trăn trở trước hiện trạng này. Theo ông, mảnh sân trong khu vực II là để tổ chức các lễ hội trong làng. Chưa kể thôn Vàng đã có sân bóng rộng hàng mẫu ở khu nhà văn hóa rồi, còn lấy đất di tích làm gì nữa…
Liên quan đến việc xâm phạm chùa Vàng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, ông Đỗ Đình Hồng cho biết: “Vị trí tường rào bị phá để mở rộng đường thuộc khu vực bảo vệ II của cụm tích đình, chùa Vàng. Việc phá tường xây lùi vào chỉ giới thuộc khu vực II chưa xin ý kiến của cấp thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định là vi phạm điều 32 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung một số điều năm 2009”.
Chùa Vàng nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đình chùa Vàng, trong đó, đình Vàng là nơi thờ vị thần có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán.
Theo Trụ trì Thích Thanh Tâm, chùa Vàng có từ thời Lê với nhiều bia đá ghi lại lịch sử, trong đó, bia sớm nhất có niên đại Long Đức 1734. Chùa nổi tiếng với nhiều mảng chạm khắc đẹp và có tượng cổ. Từ bao đời nay chùa là nơi tôn nghiêm, nhân dân địa phương đến vái vọng, tín ngưỡng.
Cần làm rõ việc chặt cây, phá tường, lấn đất di tích quốc gia