Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu:Phải phòng, chống mạnh hơn nữa mới dập được dịch

Trong những ngày qua, Bộ Y tế cử nhiều đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ðánh giá bước đầu cho thấy, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, cho nên việc dập dịch bước đầu đã mang lại kết quả.

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế tại các địa phương về việc triển khai các hoạt  động phòng, chống dịch?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu : Ngay sau khi dịch bùng phát tại Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, quan điểm Bộ Y tế là phải tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong công tác dập dịch. Ngoài các đoàn của các vụ, cục chuyên môn, lãnh đạo Bộ Y tế cùng thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại: Hà Tây, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng...

Qua kiểm tra tại các địa phương này cho thấy các cấp ủy chính quyền địa phương đã vào cuộc rất tốt, triển khai nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả đều thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, nhiều tỉnh, thành phố có chỉ đạo cụ thể công tác phòng,  chống dịch.

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa những quy trình phòng, chống dịch, xử lý ổ dịch cũng như quy trình điều trị.  Từ việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ đó, cho nên nhiều địa phương số lượng người bệnh bị tiêu chảy cấp nguy hiểm đã giảm.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, số người bệnh nhập viện ngày  5-11 ít hơn ngày 4-11 là 37 ca, ngày 6-11 ít hơn ngày 5-11 khoảng 30 ca. Các địa phương giảm như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên... Chỉ có hai địa phương có số người mắc tăng là Hà Tây và Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, hiện nay do người dân bước đầu cảnh giác cao, cho nên số người nhập viện tăng, có thể chỉ có những rối loạn tiêu hóa thông thường vẫn vào viện. Số người bệnh thuộc loại cấp và nguy hiểm đã giảm nhiều. Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nhiều loại vi khuẩn gây nên, trong đợt dịch này, các kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với phẩy khuẩn tả chiếm 15 - 20%.

PV: Bên cạnh đường lây chính là những loại thực phẩm mất an toàn, đã xuất hiện những trường hợp nhiễm bệnh từ thực phẩm được coi là an toàn hơn. Xin Bộ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Tuy dịch đã chững lại nhưng chỉ ở một số địa phương, con số tuyệt đối vẫn tăng, nhất là ở hai tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc dịch chưa chững lại, cần  phải phòng, chống quyết liệt hơn nữa.

Chính vì vậy, lúc này chúng ta không được lơ là mất cảnh giác và không chủ quan. Bởi môi trường tại các ổ dịch chưa giải quyết được triệt để.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện đường lây khác, nếu trước đây chỉ tập trung ở nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, nhưng hiện nay ít nhiều đã sang nhóm thực phẩm chế biến thông thường khác, thực phẩm chế biến sẵn, như: giò, chả...

Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tiếp tục phòng, chống mạnh hơn nữa, xử lý ổ dịch đã có, tẩy uế làm sạch môi trường; phải khoanh vùng các ổ dịch để hạn chế và tiến tới cắt đứt đường lây nhiễm.

Ðặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, không chỉ tập trung vào nhóm nguy cơ cao như: mắm tôm, mắm tép, tiết canh, lòng lợn... Phải thực hiện đủ các khuyến cáo: ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú ý tình hình ở các tỉnh miền trung, miền nam đang bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt. Các địa phương này cần giải quyết tốt vấn đề môi trường sau lũ, phòng ngừa từ xa vì sau lũ thường hay xuất hiện dịch bệnh.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.