Tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 25/7, đa số ý kiến đại biểu phát biểu đều bày tỏ tán thành với các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, như chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, biện pháp 5K, các giải pháp hỗ trợ người dân.
Các đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), Tô Văn Tám (Kon Tum) đều cho rằng cử tri và dư luận chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược vaccine, bày tỏ tin tưởng rằng mục tiêu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70 đến 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và sản xuất vaccine trong nước sẽ được thực hiện trong thời gian gần.
Nỗ lực đàm phán ký kết để nâng tổng số lên 170 triệu liều vaccine trong năm 2021
Báo cáo trước Quốc hội về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine trên toàn diện các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine.
Theo Bộ trưởng, thỏa thuận cung ứng vaccine đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ COVAX với 38,9 triệu liều; tháng 11 hợp đồng được ký với Astra Zeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.
Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương đã có nhiều kết quả khả quan.
“Hiện nay chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Anh, Australia và các nước khác với số lượng hơn 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết hơn 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều trong năm 2021”, Bộ trưởng cho biết.
Trong tháng 7, hơn 12 triệu liều sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Về chuyển giao công nghệ, hiện nay có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Với Nga, đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam và chuyển sang giai đoạn 2 là chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.
Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 200 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.
“Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Công tác kiểm soát đợt dịch thứ 4 đang có những tín hiệu tích cực, khả quan
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á, châu Âu, Mỹ tiếp tục hứng chịu làn sóng mới của dịch bệnh với một biến thể có sức lây lan nhanh, mạnh chưa từng có.
Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng tư, đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng các phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng.
Đồng thời, chủ động thiết lập bệnh viện dã chiến kịp thời; áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong quản lý, chăm sóc người nhiễm; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp… các Bộ, ngành, các địa phương đã có các hỗ trợ kịp thời hiệu quả.
"Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Về tổng thể, các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan”, Bộ trưởng Y tế cho biết.