Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn Quốc hội

NDO -

NDĐT - Đúng 15 giờ 5 phút, chiều 5-6, sau khi hoàn tất chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, các đại biểu Quốc hội chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành chất vấn, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chính.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện bắt đầu trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện bắt đầu trả lời chất vấn.

Các nhóm vấn đề thứ thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gồm: Công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh. Công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Thông tin và Truyền Thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Có 61 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Giải pháp đột phá tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) chất vấn: Trả lời đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa để bảo đảm hằng năm đầu tư cho văn hoá không thấp hơn 1,8% chi ngân sách, xin Chính phủ và Bộ cho biết đã có kế hoạch, giải pháp nào để kiến nghị sớm thực hiện thành công.

Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của du lịch của 136 nền kinh tế thế giới, Việt Nam xếp thứ 30 về tài nguyên văn hoá, 34 về tài nguyên thiên nhiên, 37 về tài nguyên nhân lực, nhưng tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67, đâu là nút thắt cổ chai của tình trạng này và những giải pháp đột phá nào để sớm cải thiện thứ hạng đưa du lịch Việt Nam vào top đầu các nước ASEAN, đạt được những thành tựu cao như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra.

Du lịch Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, xin cho biết tại sao tăng trưởng gần 30% năm 2016-2017, nhưng năm tháng đầu năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam lại tăng chậm lại chỉ đạt 8,8%.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn Quốc hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội).

Về bảo đảm chi ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, cho biết: “Việc đề nghị bảo đảm chi 1,8% ngân sách cho ngành văn hoá chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, cần phải có chi ngân sách cho ngành văn hoá. Về vấn đề này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.

Về năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh hai năm một lần, năm 2017 chúng ta xếp hạng trung bình 67/136 nền kinh tế, trong đó có những điểm rất mạnh như tài nguyên tự nhiên xếp thứ 34, tài nguyên văn hoá 30 và sức cạnh tranh bình đẳng 35, nhưng tại sao năng lực cạnh tranh chung chỉ đứng thứ 67, trong khi Thái-lan 34, Singapore 17. Trong này có những chỉ số chúng ta rất hạn chế, như chỉ số hạ tầng du lịch đứng thứ 113/136 trong đó Thái-lan đứng thứ 6; mức độ ưu tiên cho ngành du lịch Việt Nam xếp hạng 101, Thái-lan 34; mức độ mở cửa quốc tế Việt Nam xếp hạng 73, Thái-lan 52; thị thực 116, Thái-lan, Philippines thứ 24, thị thực chúng ta xếp hạng thấp nhất trong các nước ASEAN. Tại sao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp là do vậy.

Giải pháp cho vấn đề này là khắc phục những hạn chế liên quan điểm yếu của du lịch Việt Nam, như về cơ sở hạ tầng, mở cửa, vấn đề thị thực, vấn đề bền vững môi trường; các vấn đề hạn chế như nêu trên.

Việc du lịch tăng chậm lại là do ba năm vừa rồi du lịch tăng rất nhanh, một năm gần 30%, năm tháng đầu năm nay chỉ tăng khoảng gần 9%. Vấn đề này đã được dự báo trước cho nên năm nay kế hoạch đưa ra chỉ tăng 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo tốc độ tăng trưởng này thì có thể đạt được nhiệm vụ Chính phủ giao. Một trong những nguyên nhân không tăng mạnh như trước do lượng khách Trung Quốc giảm.

Giải pháp là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại những thị trường quan trọng.

Ngăn chặn tour du lịch 0 đồng, giá rẻ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đác Lắc) chất vấn: “Có hiện tượng tour du lịch 0 đồng, du khách ăn những bữa rẻ tiền,cắt giảm hành trình, bị chặt chém khi mua sắm, sau đó đã lên mạng nói xấu con người Việt Nam. Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục tình trạng này”.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn Quốc hội ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đác Lắc).

Liên quan tour du lịch 0 đồng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng đây là vấn đề ngành du lịch và toàn xã hội đã có nhiều giải pháp xử lý. Tour 0 đồng có nghĩa là tour giá rẻ, dưới giá thành rất nhiều. Chúng ta cũng đã đi du lịch giá rẻ do có nhiều chiến lược cạnh tranh của các công ty. Tuy nhiên, bản chất tour du lịch 0 đồng là có hành vi tiêu cực, cắt chương trình của khách du lịch, đưa khách du lịch vào khu mua sắm. “Chúng ta kiên quyết chống tour du lịch 0 đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết đã làm việc với các cơ quan quản lý du lịch của các nước đưa khách đến để cùng quản lý, vì các nước đưa khách đến cũng rất phản đổi do ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước họ. Tuyên truyền để khách hiểu những tiêu cực của tour 0 đồng. Mặt khác, Nhà nước phải thanh tra, kiểm tra, giám sát các công ty, hướng dẫn viên thực hiện tour 0 đồng.

Để xử lý tận gốc tour 0 đồng. cần xác định tour 0 đồng lấy doanh thu ở đâu, đó là đưa vào các cửa hàng mua sắm và các cửa hàng bán với giá rất cao để bù đắp lại, hoặc cắt giảm các chương trình du lịch.

Giải pháp phải triển khai rất đồng bộ: liên quan các cửa hàng mua sắm đã phối hợp Bộ Công thương, Bộ Công an để xử lý. Liên quan đến lao động chui thì phối hợp Bộ Lao động và Thương binh xã hội xử lý.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đác Lắc) chất vấn: Gần đây trên địa bàn nhiều tỉnh liên tiếp xảy ra những vụ việc liên kết, lợi dụng uy tín của các tổ chức như Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi thôn, xóm để tổ chức đưa người đi tham quan, du lịch giá rẻ, miễn phí với mục đích dụ dỗ, lừa và bẫy để người tham dự mua hàng kém chất lượng với giá cao cắt cổ. Việc tổ chức hoạt động du lịch biến tướng này không những gây thiệt hại trực tiếp cho người dân, đa phần là đối với những người có thu nhập khó khăn mà còn gây tổn hại cho uy tín của các đoàn thể, quần chúng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trước tình hình này, Bộ đã làm gì và có giải pháp như thế nào để chống lây lan, tiến tới xóa bỏ được loại hình du lịch biến tướng này?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời: Thời gian gần đây cũng có sự việc liên quan đến việc lừa đảo đi du lịch. Người ta lừa đảo để bán hàng, đặc biệt là các hội, liên quan đến các hội, vào làm việc với các hội, tập trung hội viên vào, trên cơ sở đó thì nghe các công ty đó nói rằng đi du lịch giá rẻ, đi du lịch tour 0 đồng, trên cơ sở tin là mua hàng hóa. Chúng tôi xin khẳng định những vấn đề này là lừa đảo, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Lợi dụng du lịch để lừa đảo và chúng ta phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc xử lý hiện tượng này. Đây là lợi dụng du lịch, lừa đảo thông qua du lịch chứ không phải du lịch.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chúng tôi sẽ yêu cầu các sở du lịch, sở văn hóa thể thao và du lịch tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp này và yêu cầu các công ty, lữ hành, các hướng dẫn viên nếu tổ chức tour như thế cần chấp hành pháp luật cho nghiêm.

(Tiếp tục cập nhật)