Ngày 21/9, thừa ủy quyền Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam và các cơ quan đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện A Lưới tổ chức trao số tiền hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa; quà tặng và xe đạp cho các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện A Lưới.
Theo đó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới cùng các đơn vị, đoàn thể đã trao kinh phí 80 triệu đồng hỗ trợ xây “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình bà Hồ Thị Cam, thôn A Chi Hương Sơn, xã A Roàng (huyện A Lưới), bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 20 suất quà cho 20 gia đình ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin; 25 xe đạp cho học sinh bị nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện A Lưới.
Trao tặng xe đạp cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn. |
Dịp này, Đoàn công tác Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã trao 50 suất quà (mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng) tặng các gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ngoài ra, các doanh nghiệp đồng hành còn tặng 100 xe đạp cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới và thị xã Hương Trà.
Huyện A Lưới là địa phương chịu nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin do chiến tranh để lại. Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) làm sân bay dã chiến. Đây là nơi sử dụng làm kho chứa, nơi nạp chất diệt cỏ vào máy bay trước khi đi phun rải, nơi rửa máy bay sau khi đi phun rải về và là nơi chứa các vỏ thùng đựng chất diệt cỏ sau khi đã nạp vào các phương tiện phun rải để không quân Mỹ phun rải ở khu vực miền trung.
Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin. Tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng huyện A Lưới có khoảng 5.000 người.