Tội phạm mua bán người lợi dụng chính sách đưa người đi lao động, du học, kết hôn với người nước ngoài, cho-nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Nhằm đẩy lùi tội phạm mua bán người cũng như bảo vệ quyền cho nạn nhân bị mua bán, Việt Nam đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh các chiến dịch trấn áp tội phạm mua bán người, Việt Nam cũng rất chú trọng công tác hỗ trợ các nạn nhân.
Căn cứ quy định của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Nghị định 09/2013/NĐ-CP có thể thấy, các nạn nhân của nạn mua bán người là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế, tâm lý, pháp lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, cho dù nhiều chiến dịch, cao điểm phòng, chống tệ nạn mua bán người cũng như các chương trình hỗ trợ đã được triển khai nhưng thực tế hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Phần lớn nạn nhân của mua bán người khi được giải cứu hoặc tự giải thoát trở về là phụ nữ và trẻ em, thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Một trong những nguyên nhân chính là từ cơ chế chính sách. Sau nhiều năm triển khai các chính sách vào thực tiễn cuộc sống, nhất là Luật Phòng, chống mua bán người, đã bộc lộ nhiều bất cập.
Một số quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người không còn phù hợp thực tiễn, nhất là công tác hỗ trợ nạn nhân, chưa bảo đảm tính bền vững, thống nhất với tình hình thực tiễn như trợ cấp khó khăn ban đầu, đào tạo nghề, đối tượng hỗ trợ.
Việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn nạn nhân sau khi trở về cộng đồng chưa tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ như học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Nguyên nhân là do các nạn nhân vẫn bị sang chấn tâm lý, mặc cảm với mọi người chung quanh. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn thấp, chưa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết nhằm tạo sự thống nhất trong quy định của pháp luật, phù hợp với Nghị định thư về việc phòng ngừa, trừng trị và trấn áp tội mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em (bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Một điểm mới tại lần sửa đổi này được dư luận quan tâm, đồng tình đó là bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Đối tượng này được hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân. Việc bổ sung những quy định này được các cơ quan chức năng đánh giá là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng khi tiếp nhận những đối tượng này thực hiện các chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu.
Dự thảo luật bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của luật hiện hành, gồm tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý.
Tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý; khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống; được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Nếu nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh sẽ được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo các chính sách tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân...