Theo tờ trình của Chính phủ, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng, ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch Covid -19; xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó, các nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22,27 nghìn tỷ đồng.
Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 dự toán là 17, 5 nghìn tỷ đồng, đã sử dụng là 14,62 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi phòng, chống dịch Covid -19 là 10,7 nghìn tỷ đồng. Số còn lại chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và những nhiệm vụ quốc phòng, an ninh những tháng cuối năm.
Hiện Quỹ vaccine phòng Covid-19 có tổng cộng gần 22 nghìn tỷ đồng, gồm: 13,33 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 chuyển sang và hơn 8,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn huy động.
Thủ tướng đã quyết định chi 7,65 nghìn tỷ đồng để mua vaccine. Số còn lại tiếp tục sử dụng, đáp ứng nhu cầu mua, hỗ trợ sản xuất vaccine phòng Covid -19.
Theo tính toán từ Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid -19 cho khoảng 80 triệu dân trong năm 2021, dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều với kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng.
Với sự nhất trí của 100% đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng vào dự phòng ngân sách Trung ương để sử dụng cho phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tiết kiệm hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ngân sách và Nghị quyết 30 của Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bảo đảm việc thu hồi, cắt giảm, tiết kiệm nguồn kinh phí phải thực hiện đúng Nghị quyết 30 của Quốc hội là cắt giảm chi phí cho hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm, chi thường xuyên và thu hồi các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai không được ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, nhất là việc trả lãi được thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, bám sát diễn biến thực tế để điều hành theo thẩm quyền hoặc xin ý kiến cấp có thẩm quyền, bảo đảm tăng thêm nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa cho công tác phòng, chống dịch; duy trì khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân; bảo đảm chế độ, chính sách cho người tham gia phòng chống dịch, nhất là những người đứng đầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương tổng hợp báo cáo kinh phí đã chi và nhu cầu nguồn vốn cho phòng, chống dịch của Covid; báo cáo ra hội nghị Trung ương; tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Đồng thời khẩn trương xây dựng các văn bản sử dụng vaccine ở địa phương.