Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng thông tin về công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trong quân đội; kết quả khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh thời gian qua và các hoạt động truyền thông về công tác khắc phục hậu quả bom, mìn; kết quả hoạt động xung kích, sáng tạo của thanh niên quân đội.
Theo đó, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Quân y (Tổng cục Hậu cần) cho biết, quý 1 vừa qua, toàn quân đã quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo PCD Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Quốc phòng về các biện pháp PCD, ngăn chặn dịch xâm nhập vào cơ quan, đơn vị.
Lực lượng biên phòng tăng cường các điểm chốt, kiểm tra, kiểm soát PCD tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tuyến biên giới; ngăn chặn nhập cảnh trái phép không để dịch lây lan qua biên giới; điều động hơn 2.800 lượt cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các tuyến biên giới; duy trì quân số làm nhiệm vụ PCD tại 1.613 tổ, chốt, với hơn 10 nghìn người tham gia.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai 175 điểm cách ly cho 191.363 công dân, không để lây chéo trong khu vực cách ly; tổ chức truy vết, cách ly, xét nghiệm kịp thời các trường hợp có liên quan các ổ dịch tại 13 tỉnh, thành phố; xét nghiệm bằng test kháng thể cho Bộ đội Biên phòng tại các điểm chốt chặn và cửa khẩu trên tuyến biên giới; phối hợp tổ chức bảo đảm PCD Covid-19 chặt chẽ các sự kiện của Đảng, Nhà nước và Quân đội; xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 và vaccine Nanocovax; triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trong quân đội...
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết, đến nay đã hoàn thành công tác điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và công bố năm 2018.
Tổ chức tốt tuyên truyền, giáo dục nguy cơ phòng tránh tại nạn bom, mìn trên các phương tiện truyền thông; các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về hiểm họa bom, mìn; giáo dục nguy cơ tai nạn bom, mìn trực tiếp tại các trường học, khu dân cư; 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng; hỗ trợ trực tiếp cho hơn 5.800 trường hợp nạn nhân bom, mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng số kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Thực hiện tốt hoạt động đối ngoại quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn; khai thác các nguồn tài trợ của Hội Hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, Quỹ Hỗ trợ nạn nhân bom, mìn Việt Nam.
Dự kiến trong quý 3-2021, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang tổ chức hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom, mìn; triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt khối lượng khoảng 800 nghìn ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng.
Thượng tá Nguyễn Đức Cương, Phó Trưởng Ban Thanh niên Quân đội cho biết, thời gian qua, Thanh niên Quân đội triển khai nhiều hoạt động xung kích, sáng tạo mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, tiêu biểu.
Như: Tổ chức hơn 4.000 buổi sinh hoạt chính trị, diễn đàn, tọa đàm thanh niên, sinh hoạt truyền thống, triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật; thực hiện trên 1.500 công trình, phần việc thanh niên có gắn biển chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 13.806 ý tưởng được đề xuất trong tham gia Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”; triển khai Chương trình “Xuân biên cương - Tết hải đảo” ở gần 400 điểm trên cả nước; hỗ trợ tu sửa nhà ở, nhà công vụ, tặng sân chơi thiếu nhi, bàn ghế học sinh, cờ Tổ quốc, sổ tiết kiệm, hàng nghìn suất quà, học bổng, xe đạp, hàng trăm tấn gạo, hàng trăm nghìn cây, con giống..., với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng; tham gia hiến hơn 20 nghìn đơn vị máu và tổ chức trồng 1,1 triệu cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” tại khuôn viên đơn vị, các khu di tích lịch sử, công viên, rừng phòng hộ…