Hòa trong những câu chuyện xưa là câu chuyện của ngày hôm nay, về con cái, cháu chắt, sức khỏe và niềm vui tuổi già... những vết thương chiến tranh đã lành trong thân thể và tâm hồn những người lính, và trong tâm hồn của cả đại gia đình dân tộc. Chia rẽ chỉ là nhất thời, tình cảm dân tộc, tình thương giống nòi mới là trường tồn và bất diệt. Bộ phim tài liệu "Tỉnh thức và hóa giải" của Điện ảnh Quân đội nhân dân hứa hẹn đem đến những cảm xúc đặc biệt cho khán giả.
Ê-kíp làm phim, gồm: Biên kịch Trần Đăng Mậu, đạo diễn - Thượng úy Bùi Thanh Hải, biên tập NSND Lê Thi, quay phim - Đại úy Hà Hải Long và Đại úy Lê Duy Hồi, âm nhạc Thượng tá Trần Tùng, âm thanh Lê Ngọc Chiến, dựng phim - Thiếu tá Vũ Thị Thu Hương.
Hậu trường bộ phim tài liệu được khán giả mong chờ. |
"Tỉnh thức và hóa giải" kể về một sự kiện chấn động xảy ra vào năm 1972 tại Cứ điểm 241, Quảng Trị. Tại đây vào năm 1972, quyết định buông súng hết sức đúng đắn của Trung tá Phạm Văn Đính - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Việt Nam Cộng hòa và quyết định ngừng bắn hết sức nhân văn của Trung đoàn 38 - Pháo binh Bông Lau đã đưa hơn 1000 binh lính Việt Nam Cộng hòa trở về với cách mạng, trở về với gia đình. Sau hơn 50 năm, những người lính của cả hai bên chiến tuyến năm xưa cùng con cái của họ có dịp gặp gỡ nhau tại Quảng Trị. Điều đọng lại qua thời gian chính là tình cảm dân tộc, tình thương giống nòi.
Phim được cấu trúc rõ ràng, bố cục theo từng vấn đề, từng tuyến nhân vật, giúp cho truyện phim trở nên rành mạch hơn, khán giả cũng dễ dàng thâm nhập vào câu chuyện với cái nhìn khách quan, đúng đắn về lịch sử.
Trong "Tỉnh thức và hóa giải", điều đặc biệt chính là lời bình của phim. Để giúp cho bộ phim có sự đối thoại, đan xen giữa lời bình là những đoạn phỏng vấn, trò chuyện, tương tác giữa các nhân vật, khi dựng phim, đoàn làm phim đã sử dụng thủ pháp ẩn dụ, đối đẳng, sử dụng từ ngữ thật đắt kết hợp với tư liệu minh họa để khán giả có thể hình dung được bối cảnh cũng như câu chuyện mùa hè năm 1972.
Qua cách kể, cách bình phim, khán giả có thể thấy rõ lý tưởng chiến đấu của hai bên chiến tuyến: Một bên là những người lính kiên quyết chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc - Một bên là những người lính cũng xông pha nhưng thiếu lý tưởng chiến đấu, cầm súng vì chủ nghĩa anh hùng cá nhân, vì những bông hoa mai trên ve áo mà chế độ Nguyễn Văn Thiệu hứa hẹn. Chính vì vậy, khi nhận ra bản chất cuộc chiến mà chế độ cũ đẩy mình vào, những người lính Trung đoàn 56 đã quyết định trở về với Cách mạng.
Những cuộc gặp gỡ với tinh thần hòa hợp, hòa giải. |
Nhân vật trong phim được đoàn làm phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân lựa chọn kỹ lưỡng, là những người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự kiện, có những thông tin xác thực và nhận định sâu sắc. Qua mỗi câu chuyện kể với những nhân chứng lịch sử, có thể minh chứng về sự đồng cảm, khơi dậy tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc mà những người con nước Việt đã thực hiện từ hơn 50 năm trước.
Phim được Điện ảnh Quân đội nhân dân khai thác theo hướng không đi sâu bình phẩm ai đúng, ai sai. Câu chuyện của lịch sử trong phim được nhìn nhận khách quan hết sức có thể; chân lý tự hiển hiện qua diễn biến câu chuyện và lời kể của nhân vật.
Thượng úy Bùi Thanh Hải là đạo diễn phim tài liệu "Tỉnh thức và hóa giải". |
Dư âm đọng lại khi phim kết thúc là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là ý thức về lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông và sứ mệnh kế thừa cha ông của thế hệ hôm nay. Để làm được điều này, đoàn làm phim đã phải rất khéo léo, trong từng khuôn hình, từng lời nói, từng lời bình, xử lý tốt những thành tố trong truyện phim, không để thông tin sai lệch hoặc nhạy cảm; mỗi chi tiết của phim đều thể hiện sự hòa hợp, hòa giải, tình cảm đại đoàn kết.
Điện ảnh Quân đội nhân dân đánh giá đây là một đề tài hay và nhân văn; nhưng cũng rất cần khéo léo, cẩn thận, chỉn chu trong quá trình khai thác. Trong quãng thời gian trước khi bấm máy, đoàn làm phim đã nhiều lần vào Quảng Trị để khảo sát tình hình, làm việc với nhân vật. Đây được coi là bước đệm để đoàn làm phim ghi hình suôn sẻ hơn, bảo đảm tiến độ đề ra. Tuy nhiên, do sự kiện diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, nên nhiều cựu chiến binh, nhân chứng từng trực tiếp tham gia chiến trường đã mất, vì vậy mà lời kể của gia đình họ không thể trở thành cứ liệu làm phim được.
"Khi bước chân vào Quảng Trị khảo sát, gặp tình huống đó đoàn làm phim đã cảm nhận còn rất nhiều khó khăn nữa mà đoàn sẽ gặp phải. Nhưng đoàn vẫn quyết tâm vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ…".
Biên kịch - Nhà báo Trần Đăng Mậu chia sẻ.
Bước đầu khó khăn, nhưng sau đó những may mắn đã liên tiếp đến với đoàn. Đoàn làm phim của đơn vị nhận được sự đồng thuận và hưởng tích cực của các cựu chiến binh.. Đạo diễn Thượng úy Bùi Thanh Hải chia sẻ: Khi đoàn làm phim gặp gỡ các bác cựu chiến binh, chúng tôi tôi hết sức phấn khởi khi thấy tình cảm thân tình, hòa hợp giữa các bác, dù từng là cựu chiến binh Trung đoàn 38 Pháo Binh Bông lau hay cựu binh Trung đoàn 56 Việt Nam Cộng hòa.
Bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của tất cả các bác đối với việc làm phim. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của đoàn làm phim có lẽ là khi thực hiện cảnh quay tại gia đình bác Trương Nghệ, từng là lính Việt Nam Cộng hòa xưa. Khi đoàn đến, bác đang bệnh nặng, phải ngồi trên xe lăn nhưng bác vẫn cùng những người đồng đội của mình ra cổng chờ đón những người lính Trung đoàn 38 Pháo binh Bông Lau và đoàn làm phim tới.
Tình cảm sau hơn 50 năm của những người lính giữa hai bên chiến tuyến thật chân tình và ấm áp. Tuy tuổi đời của các bác nay đã là xưa nay hiếm, nhưng điều đáng mừng là sức khỏe thể chất và tinh thần của họ còn tốt, còn rất minh mẫn khi nhắc đến chuyện xưa. Những người con, cháu của họ nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, có nhiều đóng góp cho đất nước, quê hương. Đó là kỷ niệm mà đoàn làm phim chúng tôi không bao giờ quên.
Những dấu ấn của ký ức lưu lại cho thế hệ mai sau. |
Biên kịch, Nhà báo Trần Đăng Mậu cũng bày tỏ: Biết nói sao cho hết những kỷ niệm, nhất là khi cựu chiến binh từ miền Bắc vào, những người con của họ từ miền Nam ra. Với những cựu chiến binh lần đầu sau nhiều năm quay trở lại chiến trường xưa đều bồi hồi xúc động. Đoàn làm phim còn cho họ xem bộ phim tài liệu"“Chúng tôi trở về với cách mạng" do Điện ảnh Quân đội nhân dân ghi lại lúc chiến sự xảy ra tại Quảng Trị và những ngày sinh hoạt trên đất Bắc, bỗng dưng tất cả các cựu chiến binh đều ồ lên vì bất ngờ như thấy lại chính mình trong những thước phim tài liệu quý giá ấy. Đó cũng chính là món ăn tinh thần mà qua năm tháng, thời gian chỉ có điện ảnh mới mang lại cho người trong cuộc niềm vui khôn tả.
"Tỉnh thức và hóa giải" muốn truyền tải đến khán giả thông điệp về tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Sau những cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, giờ đây mỗi người lính đều trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình. Họ không mong mỏi điều gì hơn một nền hòa bình bền vững, để mỗi thế hệ con trẻ đều được nuôi nấng trong vòng tay yêu thương của gia đình và dân tộc. Từ câu chuyện của họ đã để lại cho thế hệ trẻ bài học quý: Không có gì quý giá hơn độc lập tự do. Dẫu có sai lầm hay khổ đau, hãy trở về với cội nguồn dân tộc.
Chiến tranh đã qua, quá khứ đã khép lại; qua những câu chuyện được kể từ những người trong cuộc có thấm đẫm những nỗi đau chiến tranh, nhưng cũng đượm giá trị của hòa bình. Câu chuyện của quá khứ để lại giá trị cho hiện tại, để chúng ta thấy: Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về hòa hợp, hòa giải và đại đoàn kết toàn dân tộc.