Bộ Giáo dục và Đào tạo: Học sinh lớp 1 học tốt hơn với chương trình mới

NDO -

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh lớp 1 lứa đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới đã đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1. Các em cũng mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập trên lớp.

Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học mới 2020-2021
Học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học mới 2020-2021

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học của các địa phương cho thấy, tất cả trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.

“Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình 2006” – Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhận định. Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Năm học 2020-2021, cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước.

Đây là năm học đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ học sinh lớp 1. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, một số địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến. Tình hình dịch bệnh cũng đã khiến học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên. Kế hoạch dạy học môn học lớp 1 được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và trình độ học sinh. Sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác, sử dụng hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Trong quá trình dạy học, một số ngữ liệu chưa phù hợp trong sách giáo khoa, sách giáo khoa lớp 1 của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã được chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn…