“Bồ chữ” ở làng

Dù được thành lập bởi một số cá nhân và chỉ là một “thư viện làng”, nhưng Thư viện Dương Liễu (thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Ðức, Hà Nội) có tới hơn mười nghìn đầu sách. Với số lượng sách và các hoạt động ngoại khóa phong phú, thư viện thu hút được đông đảo người dân, từ người già đến trẻ nhỏ. Nơi đây vừa cung cấp kiến thức cho cộng đồng, vừa góp phần “kéo” trẻ em khỏi những trò chơi điện tử, hay những trò vui thiếu lành mạnh khác.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện Dương Liễu luôn thu hút nhiều em nhỏ đến đọc sách.
Thư viện Dương Liễu luôn thu hút nhiều em nhỏ đến đọc sách.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024, Ban Quản lý Thư viện Dương Liễu đã “tổng kết” hè bằng một giải thi đấu cờ vua cho các bạn nhỏ. Giải đấu gồm hai bảng, một dành cho những kỳ thủ ở lứa tuổi tiểu học, bảng còn lại dành cho các em học sinh lứa tuổi trung học phổ thông. Mỗi bảng lại có giải dành riêng cho nội dung thi đấu của nam và nữ.

Theo Ban Tổ chức, do số lượng bạn nữ ham mê chơi cờ vua còn chưa nhiều nên đây là cách để thư viện khuyến khích các bạn nữ tham gia môn thể thao trí tuệ này. Những giải thưởng được trao ngay trước thềm năm học mới, nhưng không có người thua mà “tất cả cùng thắng”, bởi hoạt động này đem lại niềm vui cho các em nhỏ. Ðến thời điểm này, thư viện trải qua tròn mười năm hoạt động, ngoài hoạt động đọc sách, đây là một trong những hoạt động ngoại khóa thú vị mà thư viện tổ chức.

Trở lại thời điểm cách đây hơn mười năm, khi đó, chàng trai trẻ Phùng Bá Hưng từ làng quê lên Hà Nội học đại học. Thấy các em nhỏ ở quê thường chịu thiệt thòi, ít có điều kiện đọc sách báo mở mang kiến thức, trong khi xã hội lại không thiếu những trò chơi vô bổ, nhất là những trò chơi điện tử mang tính bạo lực, Hưng nghĩ đến việc lập một phòng đọc nhỏ trên quê hương mình. Hưng cùng một số bạn bè quyên góp, vận động mọi người ủng hộ sách, từ đó một phòng đọc xinh xắn với diện tích khoảng 20 m2 đã ra đời.

Phùng Bá Hưng nhớ lại: “Lúc đó bản thân tôi cũng như bạn bè đều không biết một thư viện phải vận hành thế nào cho hiệu quả. Nhưng vừa làm, chúng tôi vừa rút kinh nghiệm để thư viện hoạt động tốt hơn, thu hút mọi người đến đọc nhiều hơn, nhất là các em nhỏ”.

Từ những hoạt động có tính tự phát ban đầu, dần dần, mọi việc trở nên chuyên nghiệp hơn, có phát hành thẻ thư viện cho độc giả. Các loại sách, trong đó nhiều sách đi “xin”, nhưng được Hưng và các bạn trong Ban quản lý lựa chọn kỹ càng, để làm sao cung cấp cho độc giả được những đầu sách bổ ích, hấp dẫn. Từ khoảng 200 thẻ thư viện được phát hành trong giai đoạn đầu, hiện nay, thư viện Dương Liễu đã phát hành 3.200 thẻ. Ðộc giả chủ yếu là các bạn nhỏ, nhưng cũng không ít người cao tuổi đến đọc các cuốn sách về văn hóa, lịch sử, khoa học, văn học. “Cơ ngơi” của thư viện hiện nay cũng mở rộng lên 50 m2.

Phùng Bá Hưng và các bạn trong Ban quản lý thư viện xác định, mục tiêu chính của thư viện là văn hóa đọc. Nhưng để “lôi kéo” được các bạn trẻ thì phải làm sao để các bạn trẻ thấy vui, thấy muốn đến thư viện. Và thế là những cuộc thi nho nhỏ về sáng chế, chế tạo đồ thủ công, hay các trò chơi được Hưng lồng ghép vào hoạt động. Vào giờ mở cửa của thư viện (tối thứ ba, thứ năm và cả ngày dịp cuối tuần), thư viện luôn là nơi tập trung của các em học sinh không chỉ ở xã Dương Liễu mà các em học sinh từ các xã: Sơn Ðồng, Minh Khai… cũng tìm đến.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Tổng phụ trách Ðội Trường trung học cơ sở Dương Liễu cho biết, “Thư viện Dương Liễu đã mở thêm một không gian mới mẻ với các đầu sách phong phú, giúp trẻ có thêm thời giờ đọc sách. Nhà trường đã trao đổi sách với thư viện để làm giàu thêm kho sách. Nhiều cuộc thi do thư viện phát động được nhà trường khuyến khích học sinh hưởng ứng. Tham gia các hoạt động này, thế giới tinh thần của các em thêm lành mạnh, bổ ích, các em rất thích thú, hào hứng”.

Thư viện Dương Liễu vẫn tiếp tục lớn mạnh, hiện đã quy tụ được hơn 80 tình nguyện viên. Ðây là một hình mẫu trong xây dựng văn hóa làng quê, với sự chung tay của cộng đồng.