Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh

NDO -

Ngày 3-9, tại Hà Nội, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội 11 của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có các đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng… đại diện lãnh đạo các ban tham mưu của Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh báo cáo, Văn phòng T.Ư Đảng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các đồng chí trong Bộ Chính trị cho ý kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc. Đồng chí cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.

3_DSC4429-1599125555252.JPG
 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Cụ thể như, công tác chuẩn bị Đại hội của Đảng bộ thành phố được thực hiện nghiêm túc đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Nội dung các văn kiện thể hiện quan điểm đổi mới, cầu thị; bám sát các quan điểm, định hướng lớn nêu trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và thực tiễn của thành phố. Thành ủy đã tổng kết thực tiễn, góp phần để Trung ương nghiên cứu, từng bước hoàn thiện đường lối đổi mới, nhất là các vấn đề lớn như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa...

Ngoài các báo cáo chính còn có một số báo cáo chuyên đề để Đại hội nghiên cứu, thảo luận. Về kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố khá cao, bình quân 7,6%/năm, đóng góp 22,7% GDP toàn quốc. GRDP bình quân đầu người đạt 6.600 USD, gấp 2,4 lần so bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế; kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường có ngày trầm trọng. Công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI, khóa XII còn hạn chế ở một số mặt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, công tác kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp suy thoái về đạo đức, lối sống, phải thi hành kỷ luật. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có mặt hạn chế.

2_DSC4417-1599125555196.JPG
 Toàn cảnh buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, Bộ Chính trị cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có tầm nhìn dài hạn, định vị đúng tầm vóc của thành phố trong khu vực Đông - Nam Á; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội, như hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, liên kết vùng…

Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã kiểm điểm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đánh giá trung thực các ưu điểm, khuyết điểm gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân; phân tích nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan… Phương hướng công tác nhân sự được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và số dư.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nhưng Thành ủy cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị để hoàn thiện các dự thảo văn kiện và tiến hành Đại hội theo đúng dự định, kế hoạch.

Đồng chí nhấn mạnh, Thành ủy cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của thành phố được mang tên Bác Hồ kính yêu, đây là điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; là đầu tàu, động lực có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước; trong kháng chiến thì kiên cường anh dũng, trong hòa bình có nhiều sáng kiến, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới. Nhân dân thành phố có truyền thống anh hùng, dũng cảm. Thành phố cần khơi dậy niềm tự hào ấy, từ đó xác định trách nhiệm làm thế nào để xứng đáng với niềm vinh dự của thành phố mà không nơi nào có được.

4_DSC4351-1599125555129.JPG
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đại hội 5 năm mới có một lần; là sự kiện chính trị trọng đại không chỉ đối với cả nước mà với từng địa phương, mở ra một giai đoạn phát triển mới, một tầm nhìn mới. Trên cơ sở tổng kết những điều đã làm được, chưa làm được để xác định hướng phát triển, đưa thành phố lên tầm cao mới. Vì thế, công tác chuẩn bị Đại hội phải được tiến hành hết sức chu đáo, công phu cả về nội dung văn kiện và công tác nhân sự. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, là một địa phương có nhiều tiềm năng lớn, thành phố đạt những thành tựu đáng kể. Trong nhiệm kỳ tới, cần thể hiện quyết tâm cao hơn, có khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn, không thể bằng lòng với chính mình. Kinh tế, như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đối ngoại… còn gì khó khăn, vướng mắc cần tìm hiểu, phân tích thấu đáo để giải quyết, khắc phục.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nêu vấn đề, tại sao thành phố còn một số tổ chức, cán bộ phải xử lý kỷ luật? Văn kiện đề cập vấn đề này chưa sâu. Không có con người, cán bộ tốt, không có sự lãnh đạo tốt thì làm sao có được những kết quả tốt. Nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng con người không tốt, lãnh đạo không tốt thì tiềm năng, lợi thế ấy cũng không thể khai thác được, thậm chí bị đi chệch hướng.

Vì sao còn để xảy ra những hạn chế, khuyết điểm? Không được đổ lỗi do cơ chế, vì cũng cơ chế ấy, nhưng nhiều nơi làm tốt. Làm tốt thì chúng ta biểu dương, động viên để tạo khí thế vươn lên, nhưng có khuyết điểm, yếu kém thì phải mạnh dạn đấu tranh phê bình, chỉ rõ vì đâu và có biện pháp khắc phục để “mỗi lần vấp là một lần bớt dại”. Trong việc xử lý cán bộ vi phạm phải cảnh giác với luận điệu xuyên tạc, kích động của phần tử xấu nhằm chia rẽ nội bộ. Những vi phạm, khuyết điểm cần kiểm điểm sâu sắc, thẳng thắn hơn nữa.

Các báo cáo cần viết sâu sắc hơn; nội bộ phải đoàn kết thống nhất hơn, yêu thương nhau hơn nữa như Bác Hồ đã căn dặn: “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, kỷ luật cán bộ không phải để loại bỏ nhau mà là giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe. Thực tế, việc xử lý cán bộ vi phạm lâu nay làm đến đâu chắc chắn đến đó, có lý, có tình. Các văn kiện phải truyền đạt cho đúng, cho sâu tinh thần ấy, để tăng cường sự đoàn kết thống nhất, nhất là trong lựa chọn nhân sự, bảo đảm cho đúng người có đức, có tài, không để tình trạng “thấy đỏ tưởng chín”; “cua cậy càng, cá cậy vây”. Đảng bộ thành phố phải đi đầu, phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng cả về tổ chức và con người; thật sự là một khối đoàn kết thống nhất. Không chỉ với Đảng bộ TP Hồ Chí Minh mà tất cả các đảng bộ khác cũng phải làm thật tốt công tác này. Từng tổ chức đảng, cấp ủy, đại biểu dự Đại hội phải nêu cao tính chiến đấu, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực; kiên quyết không giới thiệu người không đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy.

5_DSC4265-1599125554767.JPG
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Bộ Chính trị chụp ảnh chung với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, Đại hội Đảng là phải tập trung bàn thật sâu các vấn đề của Đảng, không phải là hội nghị bàn về kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhưng ai làm kinh tế? Để xây dựng đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay, phải có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự hy sinh của nhiều thế cán bộ và công sức của toàn dân. Trong nội bộ không dám nói thẳng, nói thật, cứ để bụng đối phó nhau thì làm được gì. Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế, nhưng nếu Đảng không tốt, chính quyền không mạnh, pháp luật không nghiêm, nội bộ lủng củng, cán bộ không gương mẫu, làm không được thì làm sao có thể phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế phải gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Đại hội là dịp kiểm điểm sâu sắc toàn diện các nội dung như Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị yêu cầu, không phải chỉ nhăm nhăm vào nhân sự; công tác nhân sự lại không khách quan thì làm được gì. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh phải tiến hành đại hội thật mẫu mực, làm gương cho các nơi khác.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức chặt chẽ, là xây dựng con người ngày càng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Việc kỷ luật cán bộ dù là rất đau xót nhưng không thể không làm; kỷ luật một vài người để cứu muôn người, hoàn toàn không phải do phe cánh, bè nọ phái kia. Mỗi cán bộ cần gương mẫu, nhận thức đúng công tác kỷ luật cán bộ của Đảng là để xây dựng đội ngũ cán bộ tốt hơn, toàn diện hơn; kiên quyết phê phán tư tưởng lệch lạc, nhằm chia rẽ nội bộ. Các văn kiện trình Đại hội, nhất là báo cáo chính trị phải có tính chiến đấu và thể hiện được tư tưởng đó.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các văn kiện và tổ chức thật tốt Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới.

Ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng là thông điệp gửi tới các đại hội đảng bộ và Đại hội XIII của Đảng.