Trong đợt này, số lượng người được đưa về tăng lên nhưng vẫn bảo đảm được tất cả các yêu cầu về thời gian đi và về, địa điểm, an ninh, an toàn; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch. Về đợt này là những người đi khám, điều trị bệnh và người nuôi bệnh; học sinh, sinh viên khó khăn, không có người thân tại TP Hồ Chí Minh; người dân có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; phụ nữ đang mang thai gần đến ngày sinh.
Đoàn xe đi đón gồm 11 xe khách được cấp thẻ nhận diện cho phương tiện để vận chuyển do xe cảnh sát giao thông dẫn đoàn cùng các xe chở nhân viên y tế xuất phát từ Phan Thiết lúc 6 giờ ngày 28/8 đến Bến xe miền Đông (TP Hồ Chí Minh) là địa điểm đón tập trung. Người dân tự di chuyển đến địa điểm đón trước giờ xuất phát để nhân viên y tế xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, nếu âm tính mới được lên xe.
Đoàn xe về đến địa bàn tỉnh Bình Thuận, từng xe di chuyển về các địa phương có người dân được đón về và trực tiếp bàn giao cho các cơ sở cách ly tập trung tại địa phương theo danh sách (không dừng nghỉ dọc đường).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đang hết sức phức tạp, đời sống của người dân bị tác động, gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có một bộ phận người dân Bình Thuận đang sinh sống, học tập, làm việc, đi khám chữa bệnh… Vì vậy, người dân có nguyện vọng được về quê là hoàn toàn chính đáng và việc tổ chức đưa người dân trở về quê là trách nhiệm của tỉnh Bình Thuận đối với người dân quê mình.
Ông Trần Sinh Toàn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở là đơn vị đầu mối đã tiếp nhận hơn 6.000 đơn đăng ký của người dân Bình Thuận ở TP Hồ Chí Minh muốn trở về quê và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua 4 đợt, tỉnh đã đưa hơn 1.200 người về quê và sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tiếp theo vào thứ 7 hàng tuần.