Từ ngày 15/8, chính sách thị thực (visa) mới cho phép khách một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Đây được xem là cơ hội để du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đẩy mạnh thu hút khách quốc tế.
Cơ hội để khai thác dòng khách quốc tế
Từ sau Covid-19, việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Bình Thuận vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 với 133.000 lượt người song lại giảm hơn 64% so với cùng kỳ năm 2019.
Với những thay đổi trong chính sách visa mới, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong thời gian tới, hướng đến luồng khách chi trả cao, lưu trú dài ngày.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Quản lý Phú Hải resort, thành phố Phan Thiết, cho biết thông tin nới lỏng, kéo dài thời hạn visa từ 30 ngày đến 90 ngày là một tin vui cho những doanh nghiệp làm du lịch trong cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Hiện nay, du khách ở các nước châu Âu, châu Đại dương… đang có xu hướng tìm đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, đây là cơ hội để doanh nghiệp khai thác thêm những dòng khách mới.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến Thành Mũi Né Resort Nguyễn Đức Tiến, từ đầu năm 2023, lượng khách quốc tế bắt đầu quay trở lại Bình Thuận với khoảng 12-15% thị phần khách, chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo nhận định của đơn vị, từ quý 4/2023, lượng khách quốc tế sẽ quay lại một phần là nhờ những thay đổi trong chính sách visa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến Việt Nam cũng như khả năng lưu trú dài ngày của khách du lịch.
Hiện tại, đơn vị đã có nhiều khách quốc tế đặt chỗ cho tháng 10-12 với công suất phòng đạt 25 đến 30%. Thị trường khách quốc tế chủ yếu là khách Tây Âu, Đức, Bắc Á…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết việc gia hạn thời gian lưu trú cho du khách ở những nước được miễn thị thực trong thời gian là 45 ngày, cấp e-visa lên 90 ngày… là những điều kiện để ngành du lịch mở rộng cửa đón khách. Điều này đáp ứng được sự mong đợi của du khách.
Hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú ở Bình Thuận đã triển khai thông tin đến các đối tác du lịch tại nhiều thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, châu Á… về chính sách xuất nhập cảnh mới để chủ động chuẩn bị các bước phù hợp khi áp dụng chính sách visa mới.
“Với những thuận lợi từ chính sách visa, dấu hiệu phục hồi khả quan của hoạt động du lịch, lượng khách đến Bình Thuận sẽ tăng và vượt hơn so với mục tiêu đề ra là 220 nghìn lượt khách. Chúng tôi kỳ vọng đón khoảng 400-500.000 lượt khách quốc tế trong năm nay,” Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh kỳ vọng.
Sẵn sàng cho mùa cao điểm
Để chuẩn bị cho mùa cao điểm khách quốc tế sắp tới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, lưu trú trên địa bàn đã lên kế hoạch rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút du khách.
Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng Quản lý Phú Hải resort, khi du lịch phục hồi trở lại, Phú Hải chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, thay đổi một số vật dụng trong phòng; cố gắng làm mới không gian; tạo cảm giác mới mẻ, thoải mái, tránh nhàm chán để khách quốc tế có thể lưu trú dài ngày. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai nhiều sản phẩm du lịch, ẩm thực, thể thao nhằm “níu chân” du khách.
Khảo sát điểm du lịch mới tại đảo Hòn Tranh, cách đảo Phú Qúy khoảng 1 hải lý. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN) |
Để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu, đơn vị có những chương trình ưu đãi cho những khách quen và những khách đến nhiều lần hoặc combo trọn gói; đồng thời, thiết kế chương trình ghép tour tham quan các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, khám phá văn hóa bản địa.
Các công ty lữ hành xây dựng kế hoạch tour, tuyến, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch trú đông sắp tới. Theo ông Hoàng Công Định, Giám đốc DIMA Tour, nhiều du khách chờ đợi đến Việt Nam sau 15/8. Bên cạnh các tour truyền thống, công ty triển khai xây dựng một số tour, tuyến mới; đưa khách đến những điểm tham quan, trải nghiệm mới ra mắt gần đây.
Hiện nay, du lịch Bình Thuận vẫn đang trong mùa cao điểm khách nội địa. Để chuyển từ phục vụ du khách trong nước (vào mùa Hè) sang khách quốc tế (vào mùa Đông), các doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị kỹ trong việc đào tạo, huấn luyện nhân viên về quy trình, cung cách phục vụ đối với khách quốc tế; đồng thời, gia tăng các sản phẩm trải nghiệm cho du khách như tổ chức các hoạt động âm nhạc, ẩm thực, tour trải nghiệm về văn hóa bản địa.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho rằng chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố rất quan trọng. Hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức các lớp đào tạo tập trung cho đội ngũ quản lý nhân sự, từ đó có thể tuyển dụng, thu hút và đào tạo đội ngũ nhân sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường trong tương lai.
Theo thống kê, trong tháng 7/2023, tỉnh đã thu hút khoảng 847.000 lượt khách (tăng gần 63% so cùng kỳ năm 2022). Lũy kế, trong 7 tháng đầu năm 2023, du lịch Bình Thuận đón khoảng 5,3 triệu lượt khách (tăng hơn 82% so cùng kỳ năm 2022), đạt 79% kế hoạch năm.
Doanh thu trong tháng 7 đạt hơn 2.100 tỷ đồng; góp phần đưa doanh thu du lịch 7 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 13.448 tỷ đồng.