Bình Thuận cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh

NDO -

Ngày 29/6, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Bình Thuận năm 2021 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022. Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, dự hội nghị. 

Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đình Châu)
Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đình Châu)

Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) Bình Thuận năm 2021 được thực hiện dựa trên điều tra cảm nhận của 150/8.142 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; trong đó có 120 doanh nghiệp tư nhân trong nước, 30 doanh nghiệp thành lập mới trong 2 năm 2020, 2021. 

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, chỉ số PCI của Bình Thuận đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc. Đây cũng là năm tăng bậc cao nhất trong hơn 10 năm qua của Bình Thuận. Điều đó cho thấy, thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh 6 tiêu chí tăng điểm thì còn có 4/10 tiêu chí giảm điểm. 

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành đã có các tham luận phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, các đơn vị đề xuất UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát với thực tế để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. 

Ông Huỳnh Ngọc Chín, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Thuận, cho rằng, lãnh đạo tỉnh cần tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và đúng quy định của pháp luật. Các cấp, các ngành cần tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cần có sự tập trung toàn lực vào tái cơ cấu sản xuất sau dịch bệnh.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thẳng thắn nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp và người dân.

Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, để nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh nói chung và chỉ số đào tạo lao động nói riêng, công tác đào tạo nghề cần phải được đẩy mạnh nhằm góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đẩy mạnh hợp tác 3 bên nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn An nhấn mạnh, Bình Thuận đang tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển đột phá, có tầm nhìn xa nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh, để cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nâng cao tinh thần, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... nhất là các ngành, lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho nhân dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần chấm dứt tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính quyền.

Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý cần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp, liêm chính, kiến tạo để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên; thanh lọc và thay thế các công chức thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, tiêu cực trong công tác. 

Nhằm tiếp tục cải thiện tốt môi trường đầu tư, nhất là các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phải thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, cải thiện tốt môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi, bình đẳng, đúng quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức phải xem khó khăn, vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp như chính của bản thân mình, của cơ quan, đơn vị mình để từ đó đặt mình vào công việc để giải quyết tốt nhất. Khẳng định trách nhiệm của tỉnh đối với doanh nghiệp, với sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh. Phấn đấu năm 2022 và những năm tiếp theo xếp hạng Chỉ số PCI của tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 của cả nước.