Bình Phước xây dựng chi bộ ở cơ sở đủ lớn, đủ mạnh

Hiện nay, Bình Phước dù đã xóa trắng chi bộ ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, để chi bộ thật sự đủ lớn, đủ mạnh đang là bài toán khó. Bằng tâm huyết và trách nhiệm, các đảng viên, bí thư chi bộ tích cực bồi dưỡng, đào tạo quần chúng ưu tú để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Chi bộ thôn 4 (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) Bùi Văn Trường (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ưu tú khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Bí thư Chi bộ thôn 4 (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) Bùi Văn Trường (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng ưu tú khi đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Thôn 4, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Dù đã được xóa trắng chi bộ song hơn 10 năm liên tục chi bộ này không phát triển được đảng viên nào. Đến năm 2017, đồng chí Bùi Văn Trường, giáo viên Trường tiểu học Đắk Ơ (Bù Gia Mập) được cử về hỗ trợ Chi bộ thôn 4. Trong vai trò Bí thư Chi bộ thôn 4, đồng chí Trường luôn quan tâm tới công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên.

Bí thư Chi bộ thôn 4, Bùi Văn Trường chia sẻ: “Trong nghị quyết đại hội chi bộ cũng như sinh hoạt định kỳ, chi bộ đều đưa vấn đề tạo nguồn, phát triển đảng viên là vấn đề then chốt. Do đó, hằng tháng sinh hoạt, vấn đề tạo nguồn phát triển đảng luôn được chi bộ quan tâm, phân tích tình hình thực tế và tìm giải pháp. Chi bộ cũng phân công từng đảng viên phụ trách báo cáo tình hình vận động, thuyết phục quần chúng tham gia công tác hội, đoàn thể ở khu dân cư. Qua đó, chọn lọc những nhân tố ưu tú để bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng”.

Sau khi có nguồn, bản thân bí thư chi bộ trực tiếp xuống gặp gỡ gia đình quần chúng để tìm hiểu, thuyết phục, điều tra lý lịch, cầm tay chỉ việc hướng dẫn quần chúng đó viết lý lịch. Sau nhiều năm phát triển đảng viên, đến nay Chi bộ thôn 4, xã Đắc Ơ đã có 10 đảng viên. Mỗi đảng viên trong Chi bộ thôn 4 đều được phân công nhiệm vụ phụ trách từng khu vực, đoàn thể.

Các chi bộ khu dân cư trên địa bàn xã Thanh An, huyện Hớn Quản cũng đang gặp những trở ngại tương tự khi quần chúng, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây chưa nhận thức sâu sắc về tổ chức Đảng. Do đó, Đảng ủy xã Thanh An chú trọng tạo nguồn, phát triển Đảng trong khối cơ quan, trường học; tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn.

Đơn cử, ở Trường tiểu học Trà Thanh, công tác phát triển Đảng cũng gặp một số trở ngại, khó khăn như: thẩm tra lý lịch quần chúng ưu tú, một số khác lại tư tưởng chưa vững vàng, chưa thật sự tha thiết được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông Nguyễn Thanh Hum, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Thanh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản cho biết: Nhiều năm nay, nguồn nhân lực của nhà trường không nhiều biến động, do đó, công tác phát triển Đảng cũng gặp khó.

Gần hai nhiệm kỳ chi bộ chỉ phát triển được hai đảng viên. Với nhiều giải pháp khác nhau, chi bộ nhà trường đang bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng cho các quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng trong thời gian tới.

Việc tạo nguồn phát triển đảng viên tập trung vào khối trường học hoặc huy động sự tham gia, phát triển của hội viên các đoàn thể mặt trận, hệ thống chính trị cũng đang là lựa chọn ở huyện Đồng Phú. Nhiều năm làm công tác tổ chức đảng, ông Phạm Văn Minh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đồng Phú khẳng định: Không thể phủ nhận hiện nay công tác tạo nguồn phát triển Đảng đang gặp những khó khăn.

Tuy nhiên, ở nhiều tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn huyện Đồng Phú khéo léo vận dụng phát hiện, bồi dưỡng từ hội, đoàn thể, trường học để tạo nguồn chất lượng cho Đảng. Qua đó, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng đạt mục tiêu kép vừa đông về số lượng và vững mạnh về chất.

Tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước, lực lượng thanh niên rất ít, một phần là do sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, đi học đại học hoặc đi học nghề rồi ở lại các thành phố lớn để lao động; số không đi học thì cũng vào các khu công nghiệp lao động. Do đó, việc tìm quần chúng ưu tú để bồi dưỡng tạo nguồn cho phát triển Đảng là rất khó; việc tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ có chất lượng cũng khó không kém.

Tùy vào tình hình địa phương, nhiều bí thư chi bộ đã linh động để các đảng viên tham gia sinh hoạt định kỳ đầy đủ. Ông Vy Đức Kiên, Bí thư Chi bộ khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài cho biết: Từ cuối năm 2022, Chi bộ khu phố Suối Đá xin chủ trương tổ chức sinh hoạt định kỳ vào chủ nhật tuần cuối của tháng để tất cả đảng viên, trong đó có đảng viên là công nhân được tham gia sinh hoạt đầy đủ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thành lập tổ đảng để thuận lợi trong những hoạt động, nhiệm vụ có tính đặc thù. Chính những cơ chế trên đã tạo điều kiện cho mỗi đảng viên đều được tham gia sinh hoạt, thực hiện đầy đủ các hoạt động, phong trào nhiệm vụ mà tổ chức giao.

Đã ngoài 80 tuổi, được miễn sinh hoạt, song trong buổi sinh hoạt cuối năm, ông Đặng Công Hóa, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long vẫn yêu cầu người nhà chở đến hội trường khu phố để tham gia.

Chống gậy đến ngồi vị trí phía trước để tiện lắng nghe, góp ý cho chi bộ, ông Hóa chia sẻ: Chúng tôi từng vào sinh ra tử trong chiến trường ác liệt, nuôi ý chí và khát vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi vào Đảng rồi càng vinh dự, tự hào và luôn kiên định con đường đi lên của Đảng, Nhà nước ta. Do đó bản thân luôn trau dồi và đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực từ trong cá nhân, đến tập thể chi bộ.

Ông Hóa cho rằng, để mỗi chi bộ từ cơ sở vững mạnh, mỗi đảng viên trong chi bộ, nhất là đảng viên trẻ phải luôn tự ý thức nâng cao bản lĩnh chính trị của mình, mạnh dạn phê bình và tự phê bình, đồng thời không ngừng góp ý xây dựng. Người đứng đầu chi bộ phải sâu sát, quan tâm, quán triệt một cách quyết liệt các biện pháp. Như vậy, tập thể mới vững mạnh được. Chi bộ có mạnh, Đảng bộ mới mạnh, đất nước mới phát triển và chế độ càng vững bền.