Bình Phước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép

NDO -

Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, Bình Phước đã xây dựng nhiều kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời linh hoạt trong điều hành, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc ở cơ sở.

Hạ tầng khu công nghiệp Minh Hưng – SiKiCo (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) đang được đầu tư hoàn thiện chào đón nhà đầu tư.
Hạ tầng khu công nghiệp Minh Hưng – SiKiCo (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) đang được đầu tư hoàn thiện chào đón nhà đầu tư.

Cũng như nhiều địa phương khác ở Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước chịu tác ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhờ triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, Bình Phước đã tạo môi trường sống an toàn cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Sáu tháng đầu năm nay, Bình Phước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,16%. 

Nỗ lực khống chế dịch bệnh

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tỉnh Bình Phước đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh đã thành lập 8 chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông huyết mạch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào địa bàn tỉnh. 

Thượng tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Nhiều đối tượng thông thạo địa bàn đã “né” chốt kiểm soát, đi đường liên thôn, liên xã, luồn vào các lô cao-su, chúng tôi phải thành lập thêm các chốt phụ và tổ tuần tra lưu động để kiểm soát chặt các trường hợp này”. 

Bình Phước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép -0
Bình Phước đang từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm thu hút đầu tư.  

Ghi nhận tại chốt phụ của chốt kiểm soát số 2 - Tân Lập ở đường dân sinh ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, chỉ vài giờ, hàng chục xe ô-tô các loại lưu thông qua đây. Lực lượng chức năng đã dừng xe kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp chưa khai báo y tế và đã lập biên bản vi phạm phòng, chống dịch, yêu cầu quay đầu xe. 

Trên tuyến biên giới với nước bạn Campuchia, tỉnh Bình Phước cũng đang duy trì 65 tổ chốt cố định và 11 tổ lưu động; các đồn biên phòng bố trí chốt phụ ở các lối mòn, đoạn biên giới các đối tượng dễ lợi dụng vượt biên để chia nhỏ khu vực tạo thành hai vòng khép kín thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới 24/24 giờ.

Đến nay, các đồn Biên phòng đã thành lập 16 tổ với 48 cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn tranh thủ vận động già làng, trưởng thôn, ấp, người có uy tín, các đồng chí lão thành cách mạng và đoàn thể ở địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Qua đó, nhân dân đã nâng cao ý thức đề phòng, khi phát hiện người từ vùng dịch nhập cảnh trái phép kịp thời báo ngành chức năng đưa đi cách ly theo quy định…

Bình Phước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép -0
Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình phước) khử khuẩn phòng, chống Covid-19.  

Bình Phước ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 30/6 tại huyện Chơn Thành sau đó dịch lan sang 11/11 huyện và thành thị. Từ ngày 19/7, Bình Phước thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn tỉnh và đến ngày 16/8 chỉ thực hiện lệnh giãn cách này ở 25/111 xã, phường, thị trấn. Đến ngày 21/8, Bình Phước ghi nhận 338 ca mắc Covid-19, trong đó có 190 ca đã được chữa trị khỏi bệnh, một ca tử vong (nạn nhân trên 80 tuổi ở huyện Bù Đốp).

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, Bình Phước đã biến khó khăn thành cơ hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Với những chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính; đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp…, nhờ đó, Bình Phước đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. 

Trong 7 tháng năm 2021, Bình Phước đã thu hút 79 dự án trong nước với số vốn đăng ký 6.780 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt kế hoạch 10.000 tỷ đồng; 57 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 546 triệu USD, ước thực hiện cả năm đạt khoảng 600 triệu USD; có 722 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Bình Phước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép -0
Công ty TNHH New Apparel Eastern tại khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (huyện Đồng Phú) thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Phước, những dự án phát triển hạ tầng không chỉ có hiệu ứng tích cực cho sự thu hút đầu tư mà còn tạo cú hích cho thị trường bất động sản tại tỉnh. Bình Phước đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng tại các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp như Chơn Thành, Đồng Phú. Riêng tại huyện Đồng Phú, cuối năm 2020 và đầu 2021 đã đồng loạt khởi công nhiều tuyến đường kết nối từ các trục giao thông chính vào các dự án phát triển công nghiệp. Trong bối cảnh ngân sách đầu tư vào hạ tầng gặp nhiều khó khăn, tỉnh Bình Phước đã huy động nhiều nguồn lực từ xã hội chung sức xây dựng hạ tầng. 

Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú Nguyễn Anh Tuấn cho biết, huyện đã triển khai năm tuyến đường kết nối từ ĐT 741 đến Khu Liên hợp Công nghiêp -  Dịch vụ - Đô thị Đồng Phú với tổng chiều dài của các tuyến đường hơn 25 km và phải giải phóng 618 thửa đất với tổng diện tích 109,27 ha. Kinh phí thực hiện năm tuyến đường này cần hơn 300 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ bố trí 150 tỷ đồng. UBND huyện xin chủ trương thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm và người dân đồng thuận rất cao vì khi đường đi qua giá đất sẽ tăng cao.

Những người dân hiến đất cho nhà nước làm đường được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông và giá đất tăng, đồng thời tỉnh Bình Phước cũng tăng thu ngân sách từ nguồn này. Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Phước Trần Văn Hướng cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, Bình Phước có một số nguồn thu tăng cao đột biến. Trong đó, tiền sử dụng đất đạt khoảng 600 tỷ đồng (cả tiền đấu giá quyền sử dụng đất cuối năm 2020 chuyển qua); 66 tỷ đồng của các công ty cao-su không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước; 59 tỷ đồng của Công ty Becamex Bình Phước từ bán và cho thuê đất; 353 tỷ đồng do giá heo (lợn) tăng cao và thu thuế nhà thầu của dự án điện mặt trời… Nhờ đó, tính đến ngày 4/8/2021, thu ngân sách của tỉnh được 8.064 tỷ đồng, đạt 106% dự toán Bộ Tài chính giao cả năm 2021. 

Bình Phước nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép -0
Dây chuyền giết mổ gia cầm của Công ty cổ phần Food Việt Nam (Khu công nghiệp Becamex, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) hoạt động hết công suất trong những ngày tỉnh giãn cách xã hội. 

Từ ngày 19/7, Bình Phước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Để giữ được đà tăng trưởng, Bình Phước đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án “sản xuất, ăn, nghỉ tại chỗ”, hoặc bố trí phương tiện đưa đón công nhân tập trung theo phương thức “một cung đường hai điểm đến”. Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước đã có 167 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhiều công ty thực hiện “3 tại chỗ” cũng tính đến việc ngừng sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu đang cạn dần.

Bình Phước cũng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đồng thời miễn, giảm thuế, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. 

Để giữ được nguồn thu, Bình Phước xây dựng giải pháp thu tiền sử dụng đất, thuê đất các dự án thực hiện trong những tháng cuối năm; rà soát, tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chống chuyển giá; đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản tài chính còn nợ đọng của năm 2020 trở về trước…