Bình Phước cần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng để phát triển nhanh và bền vững

NDO -

Thực hiện chương trình công tác, sáng 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại Bình Phước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu vực cầu Mã Đà ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu vực cầu Mã Đà ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi thực tế tại khu vực cầu Mã Đà, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú; nghe báo cáo về hướng tuyến dự án đường bộ từ TP Đồng Xoài (Bình Phước) qua Đồng Nai kết nối với các công trình hạ tầng giao thông chiến lược tại khu vực Đông Nam Bộ như tuyến vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành…

Thị sát thực tế và nghe báo cáo, Thủ tướng lưu ý tinh thần quy hoạch, triển khai các dự án ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất, ít ảnh hưởng tiêu cực nhất. Tuyến đường ĐT 753 từ Bình Phước sang Đồng Nai là đường gần nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải (rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại). 

Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường ĐT 753 được quy hoạch nâng cấp lên thành quốc lộ 13C (từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai). Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và thực hiện nghi thức khánh thành Nhà máy Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam tại huyện Chơn Thành, Bình Phước.

Nhà máy Hayat Kimya của Công ty TNHH Hayat Việt Nam thuộc Tập đoàn Hayat, nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ, được xây dựng trên diện tính 32 ha, tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Nhà máy của Hayat có thiết kế giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên, vật liệu với mức phát thải bằng 0.

Công ty cũng đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời 5,3 MWp để tận dụng tối đa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất. Hayat đặt mục tiêu tiết kiệm 6,5 MWh điện như một phần của cam kết phát triển bền vững tại Việt Nam.

Tập đoàn Hayat kỳ vọng nhà máy tại Bình Phước sẽ đảm nhiệm vai trò là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, dự kiến xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan, Malaysia với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD/ năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Bình Phước -0
 Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi lễ khánh thành Nhà máy Hayat Kimya của Công ty TNHH Hayat Việt Nam.

Trước đó, cuối năm 2020, Tập đoàn Hayat thành lập Công ty Hayat Việt Nam tại khu công nghiệp Becamex Bình Phước (xã Minh Thành, huyện Chơn Thành). Trong giai đoạn 1 của dự án, doanh nghiệp đầu tư 100 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 500 lao động.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, sự có mặt của Hayat là minh chứng thuyết phục cho sự hấp dẫn của Bình Phước trong thu hút đầu tư đối với các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới. Bình Phước sẽ luôn coi sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh. Với nền tảng 4 tốt của Bình Phước hiện nay (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt), tỉnh luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh.

Tỉnh cam kết luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp; luôn chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên quê hương Bình Phước.

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp. Đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.

Bình Phước còn có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan, tổng diện tích hơn 28.300 ha; trong đó, hơn 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Mặc dù ảnh hưởng tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Phước  đạt 6,32%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 20 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng, thu ngân sách đạt 13.675 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020.

Bình Phước đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2021, có 63 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án và gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020. Thu hút đầu tư trong nước được 120 dự án với tổng số vốn 12 ngàn tỷ đồng.

Đạt được kết quả trên là nhờ tỉnh đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã ghi nhận năm 2021 Bình Phước xếp thứ nhất cả nước về ba nội dung quan trọng, đó là: Kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và về chứng thực điện tử. Đến thời điểm hiện nay, Bình Phước vẫn duy trì được thứ hạng thành tích này đứng đầu so với các tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Bình Phước -0
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Hayat Kimya của Công ty TNHH Hayat Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng trước những bước tiến của Bình Phước trong phát triển nhanh, bền vững thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng Bình Phước chưa phát triển tương xứng với điều kiện, tiềm năng sẵn có; phát triển hạ tầng còn hạn chế, nhất là giao thông, hạ tầng chuyển đổi số và hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Cùng với nền tảng “4 tốt”, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bình Phước thực hiện quy hoạch tốt, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một khi quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt đến với địa phương; công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, phù hợp với tầm nhìn chiến lược.

Thủ tướng cũng đề nghị Bình Phước cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài; tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương.

* Chiều 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2021, quý I/2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2022.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đoàn kết, nhất trí, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội; chỉ ra những hạn chế của Bình Phước như: Chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; cơ chế chính sách còn kìm hãm sự phát triển; hạn chế lớn nhất là hạ tầng giao thông; nhân lực thiếu cả chất và lượng; phát triển nông nghiệp, công nghiệp chưa dựa nhiều vào khoa học. Hạ tầng về y tế, giáo dục cần phải đầu tư nhiều hơn nữa; hiệu quả sử dụng đất chưa cao, chỉ số năng lực cạnh tranh còn thấp.

Thủ tướng cũng chỉ ra những lợi thế của Bình Phước như: có vị trí chiến lược, thuận lợi về đất đai, khí hậu và có nhiều tiềm năng, thuận lợi về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng tái tạo. Tỉnh cần xem xét ưu tiên phát triển loại hình nào, vào giai đoạn nào để phát huy được lợi thế của tỉnh. 

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước phải tự lực, tự cường để giải quyết những tồn tại, yếu kém để tự vươn lên; tìm mọi cách để tăng thu, giảm chi và tập trung nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Bình Phước cần phải quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt; phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Bình Phước trong năm 2022. Từ quy hoạch tốt sẽ tạo ra công ăn việc làm, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm, mới có người đến ở, có người đến ở mới phát triển. Trong quy hoạch công nghiệp phải theo chuỗi, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ tài nguyên. Chú trọng cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số. Phải phát triển hạ tầng giao thông bằng nhiều nguồn lực, đặc biệt là hợp tác đối tác công tư để phát triển.

Thủ tướng thống nhất với 5 kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình Phước và chỉ đạo các bộ, ngành tập hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đối với kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà, Thủ tướng chỉ đạo cần phải triển khai để phát triển giao thông liên vùng để thúc đẩy sự phát triển chung. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 2 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai nghiên cứu trong quý tới và đề xuất phương án cụ thể. Với dự án cao tốc Đắk Nông-Bình Phước, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh sớm giải phóng mặt bằng để thuận tiện trong kêu gọi đầu tư. Đối với dự án điện tái tạo, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh ưu tiên phát triển điện áp mái, dành đất để phát triển các dự án khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Phước tăng cường tính tự lực, tự cường; phát triển nhanh, phát triển xanh; phát triển hiện đại và bền vững; trong năm 2023 phải tự chủ được tài chính.  

* Cùng ngày, tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, kiểm tra Nhà máy CPV Food. Nhà máy thứ 17 này của Tập đoàn CP (Thái Lan) tại Việt Nam, cũng là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Tập đoàn, với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Đây là tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi-trang trại gà giống bố mẹ-nhà máy ấp trứng-trang trại gà thịt-nhà máy giết mổ và chế biến, cùng với hệ thống xử lý phế phẩm.

Thủ tướng đánh giá, nhà máy công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhà máy tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hơn nữa trong khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi (hiện nhập khẩu khoảng 70%) góp phần giảm chi phí cho nhà máy và cùng Việt Nam xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ…

Thủ tướng đề nghị tổ hợp nhà máy xử lý tốt vấn đề môi trường khi vận hành 24 trang trại chăn nuôi gà; tận dụng tối đa các FTA mà Việt Nam đã ký kết để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu; sử dụng hiệu quả nhất quỹ đất và lao động trên cơ sở công nghệ, quản trị hiện đại… Đồng thời, đóng góp thuế nhiều hơn nữa cho ngân sách theo quy định của pháp luật Việt Nam; hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương tạo thuận lợi cho nhà máy hoạt động, hai bên phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề đặt ra.