Kinh tế thế giới đối mặt những thách thức không nhỏ

Các chuyên gia, tổ chức tài chính đã đưa ra những đánh giá quan trọng về triển vọng kinh tế các khu vực, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu. Hạ dự báo tăng trưởng cũng như đánh giá những thách thức do giá dầu và lạm phát leo thang cùng chuỗi cung ứng bị gián đoạn vẫn là điểm chung trong nhận định của các chuyên gia đối với kinh tế các khu vực.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra cú sốc lạm phát đình trệ nghiêm trọng, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây ra cú sốc lạm phát đình trệ nghiêm trọng, đẩy giá cả tăng cao khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lo ngại về những khó khăn của nền kinh tế thế giới, thậm chí là nguy cơ xảy ra một đợt suy thoái tiếp theo cũng đã được các chuyên gia đưa ra, chỉ một năm sau khi kinh tế toàn cầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi và khởi sắc sau tác động của đại dịch Covid-19. Mỹ hiện có số việc làm tuyển dụng cao gần gấp hai lần số lao động thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất trong 70 năm qua. Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có kế hoạch tăng mạnh lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán để chuẩn bị đối phó lạm phát.

Vừa muốn có tăng trưởng tiền lương vừa muốn giá cả hạ nhiệt để có thể đạt được mục tiêu duy trì lạm phát dưới 2%, FED đã công bố kế hoạch giảm lượng trái phiếu đang nắm giữ trị giá 8.500 tỷ USD, bắt đầu từ tháng 5, nhằm thúc đẩy nền kinh tế và dự kiến, tháng 12 năm nay, sẽ nâng lãi suất trong ngắn hạn từ mức dưới 0,25% lên hơn 2,5%.

Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của FED được cho là cần thiết, nhưng sẽ có “tác dụng phụ” gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới. Lịch sử cho thấy FED khó có thể hạ nhiệt thị trường lao động mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Kinh tế Mỹ chỉ có ba lần “hạ cánh mềm” kể từ năm 1945 trong điều kiện lạm phát không tăng cao. Một số nhà đầu tư trái phiếu cho rằng, trong hai năm tới, nhiều khả năng FED sẽ phải cắt giảm lãi suất một lần nữa khi nền kinh tế suy giảm, kéo theo nguy cơ xảy ra suy thoái.

Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cũng nhận định, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, sẽ gặp khó khăn. Trong thư gửi các cổ đông, ông Dimon viết rằng, cùng với diễn biến khó lường của cuộc chiến Ukraine và sự không chắc chắn chung quanh các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, giá cả hàng hóa tăng nguy cơ dẫn đến “tình huống bùng nổ”. Dù nhận định kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, nhưng các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt nhiều thách thức chưa từng có và sự kết hợp của những yếu tố này có thể làm tăng đáng kể rủi ro thời gian tới.

Tại châu Âu, giá năng lượng tăng vọt đang tạo thêm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng và làm tăng chi phí hoạt động của các nhà máy. Nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) được nhận định nhìn chung có thể sẽ vẫn đạt tăng trưởng năm 2022, dù triển vọng này khá mong manh. Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni (P.Gien-ti-lô-ni) dự báo rằng, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến tăng trưởng của châu Âu giảm mạnh.

Bức tranh chung của “lục địa già” sắp tới không phải là suy thoái mà là mức tăng trưởng giảm mạnh vào thời điểm EU đang chuẩn bị gói trừng phạt tiếp theo chống Nga, có nguy cơ ảnh hưởng lĩnh vực năng lượng và làm trầm trọng thêm tác động đối với người dân châu Âu. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của JPMorgan dự báo, GDP của Nga sẽ giảm 12,5% vào giữa năm 2022, tồi tệ hơn giai đoạn sau thảm kịch vỡ nợ năm 1998, trong khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm 50% xuống còn khoảng 2% và kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,5%. Tuy nhiên, những con số dự báo này được nhận định vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022 xuống mức 5% trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn khó lường, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, ngay khi các nền kinh tế khu vực này đang hồi phục sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh thì tình hình xung đột tại Ukraine lại tiếp tục tác động đến động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch WB tin tưởng, những nền tảng vững chắc và các chính sách ổn định sẽ giúp khu vực này ứng phó tốt với những tác động hiện nay.

Những ảnh hưởng của tình hình Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga làm gián đoạn hoạt động cung ứng hàng hóa, gia tăng áp lực tài chính và kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu hay khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đều không thoát khỏi vòng xoáy lạm phát và “cơn bão giá”. Đây là những thách thức không nhỏ mà kinh tế thế giới phải đối mặt.