Chia sẻ gánh nặng đón tiếp người di cư từ Afghanistan

Lầu năm góc thông báo quân đội Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút khỏi Afghanistan ngày 30/8, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm tại quốc gia Tây Nam Á này. Tuy nhiên, khi mà hoạt động sơ tán quân đội Mỹ vừa “hạ nhiệt”, cũng là lúc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) bày tỏ những lo ngại về nguy cơ từ cuộc khủng hoảng di cư.

Một chiếc trực thăng CH-47 Chinook được đưa lên máy bay chở hàng C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 28/8. (Ảnh: Bộ quốc phòng Mỹ)
Một chiếc trực thăng CH-47 Chinook được đưa lên máy bay chở hàng C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 28/8. (Ảnh: Bộ quốc phòng Mỹ)

Cảnh báo của UNHCR được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động sơ tán, di cư vẫn tiếp diễn tại Afghanistan - quốc gia có 39 triệu dân. Theo UNHCR, tại Iran và Pakistan đang có 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi kêu gọi các nước láng giềng với Afghanistan mở cửa biên giới cũng như các nước khác chia sẻ trách nhiệm nhân đạo với những “người hàng xóm” của Afghanistan.

Nhiều nước lớn cũng đề xuất các giải pháp ổn định tình hình Afghanistan thời hậu chiến. Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan, ông Zamir Kabulov vừa bày tỏ lo ngại về tình hình ở Afghanistan và cho biết Moskva đang tích cực xây dựng quan hệ với chính quyền mới ở Afghanistan. Nga kêu gọi chấm dứt phong tỏa tài sản dự trữ ở nước ngoài của ngân hàng trung ương Afghanistan. Được biết, Kabul có tài sản dự trữ giá trị 9,4 tỷ USD, phần lớn đang ở nước ngoài.

Những ngày qua, hàng triệu người dân Afghanistan đã tìm cách di tản tới các nước láng giềng và châu Âu. Đại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU)  phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell, trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 30/8 cho rằng, EU nên trợ giúp tài chính cho các nước láng giềng Afghanistan để giúp họ quản lý dòng người tị nạn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm hôm 30/8 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nhân đạo và viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn tại Afghanistan và trong khu vực thông qua Liên hợp quốc. Cho đến nay, khoảng 640 nhân viên người Afghanistan cùng thân nhân đã được đưa từ Kabul đến Đức. Hiện nhiều nước EU và các quốc gia Mỹ Latin đã tiếp nhận hoặc tuyên bố sẵn sàng cung cấp nơi tạm trú cho hàng nghìn người tị nạn Afghanistan.

Để chia sẻ gánh nặng đón tiếp người di cư đang đặt lên vai những quốc gia láng giềng của Afghanistan và giảm bớt nguy cơ khủng hoảng nhân đạo, Liên hợp quốc đang rất cần tinh thần sẵn sàng “chia lửa” của các quốc gia nêu trên. Tuy nhiên, về lâu dài, cách tốt nhất để cộng đồng quốc tế ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan là giúp quốc gia này tái thiết, từng bước hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước hòa bình, ổn định và phát triển.

Tình hình Afghanistan