Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, toàn ngành hiện có 8.880 nhân viên y tế với tỷ lệ 7,51 bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh 5.202 giường với tỷ lệ 20 giường/10.000 dân. Các tỷ lệ và chỉ tiêu này còn thấp so mục tiêu của Bộ Y tế đề ra năm 2020 là 9 bác sĩ và 25 giường bệnh/10.000 dân. Công tác phát triển nhân lực trong thời gian qua còn có những bất cập so với yêu cầu hoạt động của ngành y tế, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, dự báo quy mô dân số tỉnh hơn 3,5 triệu vào năm 2030, để đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh/10.000 dân, 11 bác sĩ/10.000 dân, tỉnh Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh, hơn 1.900 bác sĩ, gấp đôi số giường bệnh và bác sĩ hiện có. Vì vậy, việc xây dựng Đề án Phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương là hết sức cần thiết.
Theo dự thảo đề án, mục tiêu tỉnh Bình Dương sẽ phát triển tối thiểu 5.000 giường bệnh; trong đó thành lập mới 4 bệnh viện chuyên khoa; nghiên cứu phát triển trung tâm tim mạch, trung tâm ung bướu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh; xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường; đào tạo và tuyển dụng mới 2.500 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên…
Tại hội thảo, đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia y tế, lãnh đạo các bệnh viện, đại diện các trường y, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực y tế đã góp ý cho dự thảo Đề án, tập trung vào các vấn đề, như: giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao của ngành y, chính sách khuyến khích và giữ chân nguồn nhân lực gắn bó lâu dài, giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, liên kết và phát triển y tế vùng Đông Nam Bộ, xã hội hóa và tham gia của y tế tư nhân, đổi mới hoạt động của y tế cơ sở…
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh quan điểm thực hiện đề án, cần xác định sức khỏe người dân là trung tâm, đặt người dân làm chủ thể, phát triển ngành y tế tỉnh Bình Dương là để phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Xem nguồn nhân lực y tế là then chốt, là điều kiện quyết định đến thành công của đề án, do đó cần tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và có chế độ chính sách đãi ngộ đặc biệt.
Bộ Y tế thống nhất về sự cần thiết phải đầu tư phát triển một số bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, đóng vai trò là bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyên khoa nào, quy mô giường bệnh bao nhiêu thì phải phân tích kỹ tính khả thi và hiệu quả đầu tư phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc xây dựng Đề án với tinh thần đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tạo điều kiện giúp ngành y tế tỉnh phát triển nhằm mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Với sự góp ý chân thành của các đại biểu vào dự thảo đề án, tập trung những vấn đề cốt lõi, trọng tâm, phù hợp đặc điểm của tỉnh Bình Dương, cũng như bổ sung đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý sẽ giúp tỉnh tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi của Đề án Phát triển ngành y tế tỉnh đến năm 2030.