Kết quả này có được là do tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Năm 2020, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tiếp nhận gần 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC),
tăng 39.440 hồ sơ; trong đó đã giải quyết đúng hạn gần 160.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,85%. Tỉnh niêm yết công khai TTHC rõ ràng, minh bạch và thực hiện tốt các TTHC công mức độ 3 và mức độ 4. Cũng trong năm 2020, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến chiếm 43,63%; tỷ lệ hồ sơ được nhận tại địa chỉ qua bưu chính đạt 7,63%; tỷ lệ hồ sơ trả kết quả tại địa chỉ là 24,45%; có hơn 50% số hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp không cần đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công tỉnh vẫn giải quyết được TTHC; trong đó, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 99,4%, tăng 33,4% so năm 2019. Ngoài ra, tỉnh đã tích cực rà soát, cắt giảm các TTHC không cần thiết với 86 thủ tục (cấp tỉnh giảm 71 thủ tục; cấp huyện giảm 13 thủ tục; cấp xã giảm hai thủ tục). Bên cạnh công tác cải cách TTHC, Bình Dương tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông đối nội thông suốt, mang tính chất lan tỏa và kết nối với các tuyến đường đối ngoại, liên kết các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa.
Ba tháng đầu năm nay, Bình Dương thu hút được gần 30.800 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 50,1% so cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký thành lập mới đạt hơn 10.700 tỷ đồng, vốn điều chỉnh tăng thêm đạt 22.326 tỷ đồng. Thu hút FDI của tỉnh đạt 467 triệu USD, tăng 59% so cùng kỳ, đạt 26% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.960 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký 35,8 tỷ USD. Hiện Bình Dương đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo thân thiện môi trường, giá trị gia tăng lớn, sử dụng đất đai, lao động hiệu quả.
★ Trà Vinh phấn đấu có thêm tám xã và một huyện nông thôn mới
Tỉnh Trà Vinh hiện có tám xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; năm trong số chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 69 trong số 85 xã đạt cả 19 tiêu chí NTM. Năm 2020, tỉnh đã huy động tổng nguồn lực hơn 4.007 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (vốn trung ương hơn 293 tỷ đồng, vốn địa phương hơn 231 tỷ đồng; phần còn lại là nguồn vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và người dân đối ứng). Tỉnh cũng huy động tổng nguồn lực hơn 3.652 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó, chú trọng phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ người dân chuyển đổi hơn 2.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi thủy sản, giúp tăng hiệu quả từ 1,2 đến 3,5 lần so với trồng lúa trước đó. Ngành cũng hỗ trợ người dân cải thiện thu nhập qua cải tạo hơn 140 ha đất trồng tạp, hơn 1.000 ha mía kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con khác. Nhờ vậy, Trà Vinh giảm được 4.010 hộ nghèo (hơn 2.500 hộ là đồng bào dân tộc Khmer). Tỉnh hiện còn 5.204 hộ nghèo, chiếm 1,8% tổng số hộ dân.
Năm nay, Trà Vinh đặt mục tiêu có thêm tám xã và một huyện đạt chuẩn NTM; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh cũng phấn đấu không còn xã đạt dưới 14 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 đến 1,5%, hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo giảm từ 1,5 đến 2%.