Thông báo đến các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết: Triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tại tỉnh tăng 8,35% so cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 133.300 tỷ đồng, tăng 12,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19,2 tỷ USD và tăng 10%, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 12,8 tỷ USD, duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 42.360 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 2,53 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ… Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh.
Cùng kết quả nêu trên, tỉnh tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định; thông qua phương án phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; xúc tiến các thủ tục đầu tư một số công trình trọng điểm…
Toàn cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan đã trả lời thỏa đáng những kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp về những vấn đề, như: Khó khăn từ giá xăng dầu cao ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu; lãi suất ngân hàng trong nước cao làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; việc tín dụng đen ảnh hưởng đến doanh nghiệp; chính sách ổn định giá thuê đất và chính sách sắp xếp di dời doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; cần kiểm soát tạm nhập tái xuất chặt chẽ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp trong nước; trung tâm trưng bày và cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển phải nguồn nhân lực chất xám cao; xây dựng nhà ở xã hội và nhà trẻ cho con công nhân tại các khu và cụm công nghiệp; quan tâm đến các thiết chế văn hóa xã hội theo những khu vực quy hoạch công nghiệp mới…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh: Đồng hành với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh; đồng thời luôn lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách kịp thời theo thẩm quyền. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì ghi nhận báo cáo lên cấp trên để giải quyết thấu đáo.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng yêu cầu lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nghiên cứu tiếp thu các kiến nghị giúp tỉnh điều phối, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp một cách cụ thể.
Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bức xúc của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhằm tạo động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ổn định trong thời gian tới.