Bình Dương kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

NDO - Ngày 12/10, tại thành phố Thủ Dầu Một, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp về thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại Bình Dương, đến ngày 30/9, tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất hơn 455 tỷ đồng, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình hỗ trợ lãi suất gần 474 tỷ đồng và tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là hơn 315 triệu đồng. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất chủ yếu là doanh nghiệp với các lĩnh vực cho vay hỗ trợ lãi suất tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành hàng không, vận tải kho bãi.

Qua hơn 4 tháng triển khai, tuy có nhiều nỗ lực nhưng chương trình hỗ trợ lãi suất của các chi nhánh tổ chức tín dụng tại Bình Dương vẫn còn hạn chế.

Bình Dương kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Chỉ ra những hạn chế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho rằng, công tác tuyên truyền tiếp cận, mức độ tiếp cận vẫn còn chậm và chưa đa dạng trong hình thức tuyên truyền; việc tiếp cận của đa số các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn còn đơn lẻ; chưa tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và khách hàng nhằm tăng cường thông tin đối thoại để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc; việc tổ hội nghị kết nối giữa ngân hàng và khách hàng chỉ được thực hiện giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước đối với khách hàng; công tác truyền thông đối với một số tổ chức tín dụng vẫn chưa đầy đủ…

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tại Bình Dương cũng nêu khó khăn, vướng mắc như: doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa ngành nghề khó xác định được ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; đối tượng hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được được hỗ trợ lãi suất; thu thập chứng từ trong hộ kinh doanh đặc thù; ngành nghề không được hỗ trợ lãi suất; hồ sơ chứng từ chứng minh đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất, phương án phục hồi, phương án có khả năng trả nợ; sự thống nhất giữa các tổ chức tín dụng trong đánh giá tiêu chí có khả năng trả nợ và tiêu chí có khả năng phục hồi trong hỗ trợ lãi suất…

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị nêu trên để báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng về chương trình hỗ trợ lãi suất; chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin đối thoại giúp khách hàng tiếp cận thông tin từ sớm, từ xa, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đẩy nhanh thực hiện công tác hỗ trợ lãi suất.

Bình Dương kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% ảnh 2

Đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh: Chương trình hỗ trợ lãi suất rất có ý nghĩa và mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19; đồng thời, mong muốn các tổ chức tín dụng tập trung triển khai hiệu quả hơn nữa và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu của các khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; chủ động thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; rà soát các quy định, hướng dẫn nội bộ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định; phối hợp tăng cường công tác truyền thông, thông tin, đối thoại trực tiếp doanh nghiệp-ngân hàng giúp cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiểu rõ, nắm bắt thông tin, cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất.