Hướng đi mới và thích ứng với điều kiện thực tiễn của địa phương đã giúp tỉnh Bình Dương phát triển nhanh chóng. Hiện Bình Dương đứng thứ nhì cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 172 triệu đồng, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương từ năm 2017...
Giao thông mở đường, khu công nghiệp tạo đột phá
Để giải quyết bài toán khó ban đầu về nguồn vốn đầu tư còn eo hẹp, vào năm 1997, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề ra quyết sách huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua việc phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế. Về giao thông, năm 1997, chính quyền tỉnh Bình Dương đã giao Tổng công ty Becamex IDC thực hiện đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 13 theo phương thức BOT đầu tiên trên cả nước trong lĩnh vực giao thông.
Sự vào cuộc của doanh nghiệp đã giúp dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sớm hoàn thành với chiều dài 62 km có sáu làn xe nối Thành phố Hồ Chí Minh qua Bình Dương và đến tỉnh Bình Phước, kết nối vào Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện nay). Tuyến đường huyết mạch này giúp kết nối từ tỉnh Bình Dương đến Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay và cảng quốc tế, tạo thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư và tạo động lực cho tỉnh Bình Dương cùng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển.
Từ thành công của việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, các tuyến đường khác tiếp tục hình thành tại Bình Dương thông qua nguồn lực xã hội hóa, như: Dự án mở rộng đường ĐT 741 kết nối tỉnh Bình Dương đến tỉnh Bình Phước, dự án mở rộng cầu Phú Cường và đường Huỳnh Văn Cù kết nối với huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh); các dự án giao thông liên tỉnh kết nối về hướng tỉnh Đồng Nai và về hướng Tây Ninh... Các dự án này góp phần đánh thức các vùng đất tiềm năng như Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên có điều kiện phát triển mạnh các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, thúc đẩy kinh tế công nghiệp bứt phá.
Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, nhất là sau khi doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Dương là Tổng công ty Becamex IDC hợp tác Tập đoàn Sembcorp (Singapore) vào năm 1996 cùng xây dựng một mô hình khu công nghiệp kiểu mẫu tại Việt Nam. Từ đây, các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) được hình thành, lan tỏa, thúc đẩy nhiều khu công nghiệp mới tại Bình Dương ra đời. Năm 1997, tỉnh Bình Dương có bảy khu công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 1.500 ha, thì đến nay, tỉnh đã có 29 khu công nghiệp được phân bố ở nhiều huyện, thị xã, thành phố với diện tích 12.663 ha, trong đó có 28 khu công nghiệp đi vào hoạt động có tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2%.
Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Trương Văn Phong chia sẻ, tất cả 29 khu công nghiệp tại Bình Dương hiện nay đều được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đầu tư 22 khu, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư bốn khu và doanh nghiệp liên doanh đầu tư ba khu. Đến nay các khu công nghiệp Bình Dương đã thu hút 3.080 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.400 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 29 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.576 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, xuất khẩu hơn 25 tỷ USD, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách 521 triệu USD...
Hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi và hạ tầng khu công nghiệp bài bản tại Bình Dương là ưu tiên hàng đầu để doanh nghiệp chọn lựa đầu tư. Ông Nagata Katsunori, Chủ tịch Công ty TNHH Sharp Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore IIA tại Bình Dương) chia sẻ: Doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bình Dương và đã chọn đầu tư vào tỉnh từ năm 2020. Bên cạnh hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng được yêu cầu, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương luôn được tăng cường đầu tư kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh cũng như kết nối với cảng biển, với sân bay, giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo hiệu ứng trong việc đầu tư của các doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp Đan Mạch, Tập đoàn Lego đầu tư hơn một tỷ USD đang xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi ở Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore III ở tỉnh Bình Dương. Ông Preben Elnef, Tổng Giám đốc Lego Manufacturing Việt Nam và Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp tại Bình Dương rất thuận lợi. Sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan, ban, ngành và nhiều đối tác của Lego trong giai đoạn nhà máy được xây dựng, đã giúp doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất trong nửa cuối năm 2024, mang sản phẩm đến với nhiều trẻ em hơn, để trẻ học tập thông qua vui chơi, qua đó tạo sự phát triển bền vững lâu dài trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Tạo điểm đến bền vững cho các nhà đầu tư
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, tỉnh Bình Dương luôn nỗ lực qua những cách làm mới trong cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số. Tỉnh quan tâm triển khai đào tạo nguồn nhân lực, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư...
Nhờ vậy, đến nay tỉnh Bình Dương đã thu hút 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn 706 nghìn tỷ đồng và 4.211 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 40,3 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành địa phương đứng thứ nhì cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn đã chọn lựa và đầu tư vào tỉnh Bình Dương, như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản); Procter & Gamble (Hoa Kỳ); Kumho (Hàn Quốc); Lego, Pandora (Đan Mạch); Sembcorp, Capitaland, Mapletree (Singapore)...
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gần sân bay và cảng biển quốc tế, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương đã tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới.
Tận dụng ưu thế này, phát huy nguồn nội lực và khai thác tối đa ngoại lực, trong những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương vẫn đạt được kết quả rất đáng khích lệ và có nhiều điểm sáng. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 6%; GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,7 tỷ USD...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết: Tỉnh Bình Dương hiện có quy mô kinh tế đứng thứ ba cả nước, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Để có được thành quả như hôm nay, suốt 27 năm qua, tỉnh Bình Dương kế thừa truyền thống “Trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” bằng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Để làm được điều này, vai trò của nguồn lực xã hội rất quan trọng trong xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo một quỹ đất sạch, phục vụ nhà đầu tư.
Hướng đến phát triển bền vững, hiện nay tỉnh Bình Dương đang tập trung thu hút theo chiều sâu, ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất lao động. Tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi nhằm kết nối đến sân bay, bến cảng và về trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nguồn nhân lực để người dân, doanh nghiệp đi lại thuận lợi. Hiện nay tỉnh Bình Dương đang tập trung làm và đạt kết quả tốt như tiếp tục mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 13, thành lập đường vành đai 3, triển khai và chuẩn bị khởi công đường vành đai 4 và đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, các tuyến đường kết nối về Thành phố Hồ Chí Minh và ra cảng...
Các công trình này được triển khai song song và có tiến độ đầu tư thuận lợi. Với hạ tầng khu công nghiệp, hiện tỉnh Bình Dương đang tập trung xây dựng thế hệ khu công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng sạch và phát triển bền vững. Sắp tới đây, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, các cụm công nghiệp sinh thái cũng đi theo hướng này để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư mới.
Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người tại tỉnh Bình Dương đạt 172 triệu đồng, tăng hơn 29 lần so với năm 1997; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 305 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1997; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, tăng hơn 87,6 lần; thu ngân sách đạt 73.257 tỷ đồng, tăng gần 89,7 lần...