Giám đốc Sở Công thương Bình Định Ngô Văn Tổng đánh giá, hiện nay, các dự báo về lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn chưa thống nhất, đi cùng các thách thức an ninh, nhất là dịch bệnh và biến đổi khí hậu đang trở thành nỗi lo thường trực... Do đó, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh. Việc tiếp tục thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA cùng với xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường rất lớn.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Sở Công thương Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 tăng 3,5% so với năm 2022. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh định hướng là trụ cột phát triển vẫn chiếm tỷ trọng hơn 85% và tăng 3,76%, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 103.103 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022 và là lần đầu tiên vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 1,6 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch năm. Đặc biệt, thặng dư thương mại xuất nhập khẩu theo hướng xuất siêu đạt 1,165 tỷ USD, chiếm khoảng 7,8%...
Một điểm sáng của tỉnh Bình Định thời gian qua là thu hút vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Cục Thống kê Bình Định, năm 2023, tỉnh thu hút sáu dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 46,2 triệu USD; có năm dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng 46,5 triệu USD. Đến nay, toàn tỉnh có 91 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,19 tỷ USD.
Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh thu hút mới 69 dự án với tổng vốn đăng ký 13.709 tỷ đồng. Nếu tính riêng các dự án sản xuất công nghiệp, năm 2023 đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.515 tỷ đồng, tăng 44,1% về tổng số dự án và tăng 132,7% về tổng vốn đăng ký. Một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương trong thời gian qua như dự án Nhà máy gạch, ngói Takao với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central với tổng vốn đầu tư 980 tỷ đồng; Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm và Chế biến thực phẩm San Hà Bình Định với tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng... hứa hẹn sẽ giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều người lao động.
Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital Brook Colin Taylor chia sẻ: “Gần chục năm trước, khi Khu kinh tế Nhơn Hội phần lớn vẫn còn là những đồi cát và đất đá, Tập đoàn VinaCapital đã đầu tư vào tỉnh Bình Định với dự án đầu tiên là Maia Quy Nhon Beach Resort. Tính đến thời điểm hiện tại, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch và suy giảm kinh tế, chúng tôi đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng vào dự án Maia và đưa vào vận hành đúng tiến độ những hạng mục quan trọng. Bên cạnh đó, từ năm 2019, chúng tôi đầu tư vào một dự án khác là Cát Hải Bay với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được khoảng 500 tỷ đồng”.
Tỉnh Bình Định đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp như công nghệ cao, du lịch, năng lượng tái tạo và logistics bên cạnh các ngành truyền thống như nông, lâm nghiệp và thủy sản. Gần đây, tỉnh cũng đã hoàn thành tuyến cáp quang biển quốc tế và nhiều dự án năng lượng sạch. Đây là lợi thế rất lớn để thu hút các công ty công nghệ đa quốc gia tham gia đầu tư, triển khai các dự án sản xuất lớn ở Bình Định.
Năm 2024 được xác định là năm bản lề, tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ 20, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 13 đã quyết nghị thông qua 21 chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 75/NQ-HĐND ngày 6/12/2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện ngành nông, lâm, ngư nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; phát huy các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người dân...; đồng thời triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2024 và thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), trong đó, sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và các giải pháp thúc đẩy nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản theo hướng bền vững.
Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện nhanh các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng cách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI; khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, công trình mới theo quy định; hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công các dự án, công trình trọng điểm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo tỉnh Bình Định tập trung triển khai là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thành phố biển Quy Nhơn đang thu hút đông nhân sự chất lượng cao trong và ngoài nước đến làm việc. Tỉnh đang tiếp tục thu hút nguồn nhân lực này thông qua các giải pháp hỗ trợ như xây dựng thêm cơ chế, tạo sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với người sử dụng lao động, sử dụng nhân lực chất lượng cao. Đại diện Tổ chức Christina Noble Children’s Foundation (CNCF) cho biết, tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng, cơ hội để củng cố thêm các chương trình, cũng như mở rộng những thành công đã đạt được; đồng thời mong muốn Bình Định sẽ là nơi nuôi dưỡng tài năng của đất nước, nơi có môi trường giáo dục đi đôi với sức khỏe, hình thành những công dân ưu tú của tương lai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo, phân giao chi tiết chỉ tiêu kế hoạch đến các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt có định hướng cụ thể đến ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài 21 chỉ tiêu kế hoạch theo nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bổ sung 11 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đối với cấp tỉnh và giao chi tiết 17 chỉ tiêu kế hoạch đến cấp huyện, thành phố; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể. Đáng chú ý, các chỉ tiêu theo kịch bản tăng trưởng không thấp hơn chỉ tiêu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh giao và có giải pháp trọng tâm, đột phá, tạo dư địa cho năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ■