Tỉnh luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 7.000 ha. Trong đó, bảy khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 2.850 ha và đã lấp đầy hai khu công nghiệp (Phú Tài và Long Mỹ); ba khu công nghiệp với tổng diện tích gần 700 ha đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; năm khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.400 ha đang trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Ngoài các khu công nghiệp, Bình Định còn có Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích hơn 14.300 ha (trong đó có 3/15 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế). Đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp đã thu hút hơn 400 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 150.000 tỷ đồng. Trong đó có 41 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đầu tư đăng ký gần 1 tỷ USD), chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh.
Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định Cao Thanh Thương cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, Khu kinh tế Nhơn Hội đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Trung ương và chính sách ưu đãi của tỉnh. Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Bình Định luôn quyết liệt đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, xây dựng và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền. Thời gian giải quyết thủ tục từ cấp phép đầu tư đến xây dựng các dự án trong khu công nghiệp đã được rút ngắn rất nhiều. Nhà đầu tư sẽ được giải quyết các vướng mắc nhanh nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án thành công và phát triển bền vững.
Trong giai đoạn vừa qua, với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, các khu công nghiệp đã quán triệt thực hiện và đạt một số kết quả tích cực, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường. Việc thu hút, kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư, các yếu tố môi trường xanh, công nghệ hiện đại luôn được ban quản lý khu kinh tế đặt lên hàng đầu với mục tiêu xây dựng các khu công nghiệp thật sự xanh và hiện đại.
Đồng hành với nhà đầu tư
Ông Douglas Balko, Giám đốc Phòng Giáo dục, phát triển kinh tế và quản trị nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không chỉ là một công cụ đo lường, đánh giá mà còn là chất xúc tác cho thay đổi, góp phần thúc đẩy các cải cách, tăng cường tính bền vững về môi trường và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Với vị trí chiến lược tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý kinh tế để trở thành một cửa ngõ quan trọng về đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế đa đạng của tỉnh, với các trụ cột chính là công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và kinh tế biển đã cho thấy cam kết của Bình Định về tăng trưởng cân bằng và bền vững.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, về cơ bản có bốn lĩnh vực để đánh giá một tỉnh, thành phố có chất lượng quản trị môi trường tốt. Đó là ở những nơi ấy có nỗ lực phòng ngừa, giảm ô nhiễm, thiên tai; thực thi các quy định pháp luật cũng như có những biện pháp hợp lý để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật về môi trường tại địa phương, nhưng đồng thời cũng phải làm sao để không tạo áp lực quá lớn cho các doanh nghiệp; các tỉnh, thành phố cần có hướng dẫn và có những thực hành xanh hay mua sắm xanh; khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua việc triển khai chính sách và chương trình hỗ trợ.
Đặc biệt, ở những địa phương có điểm số PCI cao thì những nơi đó chỉ tiêu đo lường, đánh giá về mức độ ô nhiễm thấp hơn so với các địa phương khác. Do vậy, để có môi trường kinh doanh thuận lợi, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục xây dựng chính quyền thân thiện với người dân và doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền.
Trong bối cảnh khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn liên quan việc tiếp cận đất đai, cần thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả theo hướng đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nên tập trung vào những lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Từ đó xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội. Đồng thời, tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên tinh thần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn đối với các nhà đầu tư, ngày 9/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 4147/QĐ-UBND về quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành quy chế này nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt được các trình tự thực hiện các thủ tục; thực hiện đồng thời các thủ tục giúp giảm số lần đi lại của nhà đầu tư và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục.
Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, để đạt được kết quả như vậy, tỉnh Bình Định đã nỗ lực rất nhiều trong phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó phải kể đến là công tác cải cách hành chính, nhất là hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.
Đây là bước chuyển đổi thể hiện quyết tâm của tỉnh trong công tác hỗ trợ đầu tư; xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh về trình tự thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà tài trợ, từng bước khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Bình Định cũng chú trọng đến công tác phát triển kinh tế xanh và bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.