Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô

Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đặt ra yêu cầu, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Đô thị hai bên sông Hồng. (Ảnh Đăng Anh)
Đô thị hai bên sông Hồng. (Ảnh Đăng Anh)

Kết luận số 80 nêu rõ, thành phố Hà Nội cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng, để sông Hồng thật sự là trung tâm phát triển của Thủ đô. Trong đó, đặc biệt lưu ý cần có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của Thủ đô. Nghị quyết số

15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm, khu vực phát triển đô thị hai bên sông và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quan điểm của nhiều nhà quy hoạch, kiến trúc sư là Hà Nội không thể mãi “quay lưng” với sông Hồng. Đây là sự lãng phí rất lớn đối với một không gian cảnh quan giá trị. Nhiều đô thị trên thế giới đã tạo ra dấu ấn, trở thành địa danh nổi tiếng thu hút khách du lịch nhờ việc khai thác thành công không gian hai bên bờ sông như: Sông Seine ở Paris (Pháp); sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc)...

Giáo sư Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xây dựng hai đập dâng ở cầu Xuân Quan và đê sông Đuống sẽ đưa mực nước sông Hồng dâng lên, Hà Nội trông rất đẹp trong cả mùa cạn và mùa lũ, đồng thời thuận tiện cho tàu bè đi lại. Bên cạnh đó, việc xây dựng dải cây xanh, đường đi bộ, cải tạo đê như là một đê siêu bền trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng góp phần nâng cấp cảnh quan hai bên sông Hồng.

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quy hoạch có định hướng sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt là phương án phát triển trục sông Hồng. Dòng sông không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, bổ sung nên diện mạo mới của Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, dọc 40 km ven sông Hồng ẩn chứa rất nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử với khoảng 30 di tích lịch sử, nổi bật trong đó là di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh; truyền thuyết thiên tình sử Chử Đồng Tử-Tiên Dung; đền Ghềnh và sự tích về công chúa Ngọc Hân... Dọc bờ sông Hồng còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi danh hàng trăm năm nay như: Làng giấy Yên Thái, làng đào Nhật Tân, làng gốm Bát Tràng...

Hà Nội đang triển khai những bước đầu của quá trình “đánh thức” không gian công cộng, không gian sinh thái và văn hóa tiềm năng của sông Hồng. Cuộc thi tuyển ý tưởng “Quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” đã được phát động và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn và người dân yêu mến thành phố. Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) được thành phố phê duyệt năm 2022, khu vực bãi giữa sông Hồng được định hướng quy hoạch thành hệ thống công viên cây xanh, cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, các quảng trường đô thị và công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đối với cảnh quan không gian đô thị, sông Hồng trở thành không gian kết nối, không gian giao thoa giữa không gian cũ và không gian mới, giữa không gian của lịch sử và không gian của tương lai. Sông Hồng có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt, khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sẽ được tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội ■