60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Biểu tượng khát vọng hòa bình của liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào

Lịch sử liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào vốn đầy ắp những mốc son và sự kiện, nhưng nó đã trở nên phong phú, sinh động hơn bởi sự tồn tại một kỳ công của thế kỷ 20 - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - biểu tượng ý chí và quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý. Con đường huyền thoại ấy không chỉ giữ vai trò to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn thể hiện khát vọng hòa bình cháy bỏng của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Trên thực tế, đường Trường Sơn có từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng lúc đó chỉ là con đường giao liên nhỏ, hẹp. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, T.Ư Ðảng chủ trương khôi phục và mở rộng con đường này để chi viện cách mạng miền nam. Ðoàn 559 được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết đó. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, sau khi tuyến đường đi vào hoạt động, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã sử dụng tối đa sức mạnh của vũ khí, kể cả vũ khí bị nghiêm cấm sử dụng trong chiến tranh, hòng xóa bỏ đường Hồ Chí Minh, cắt đứt sự chi viện của hậu phương miền bắc đối với tiền tuyến miền nam.

Tháng 5-1960, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mỹ, chính quyền Sài Gòn huy động lực lượng đánh vào phía tây tỉnh Quảng Trị, khiến nhiều đơn vị vận tải của ta bị kẹt lại ở đây. Hoạt động chi viện chiến lược qua đường Trường Sơn đứng trước khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải lật cánh sang phía tây, chạy trên đất Lào để chi viện kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến.

Vốn là hai nước có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là có nhiều lần chung vận mệnh lịch sử, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào được hình thành và phát triển từ khá sớm; đến giai đoạn này, liên minh chiến đấu giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới, chiến đấu vì độc lập, tự do và khát vọng hòa bình của nhân dân hai nước. Nhận thức được yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ, cuối năm 1960, đại diện T.Ư Ðảng Lao động Việt Nam và T.Ư Ðảng Nhân dân Lào đã gặp gỡ, trao đổi và thống nhất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh cách mạng hai nước. T.Ư Ðảng hai bên đã nhất trí mở rộng tuyến đường Trường Sơn sang phía tây chạy trên đất Lào. Ðại diện T.Ư Ðảng Lào phát biểu: "Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em" (1).

Ðược sự đồng thuận của Ðảng, Nhà nước Lào, tháng 5-1961, tuyến đường Tây Trường Sơn chính thức khai thông, dài khoảng 100km từ Ðường 9 đến Mường Pha-lan, nối Trung Lào với Hạ Lào. Từ đây, hàng hóa, vũ khí, trang bị, kỹ thuật, thiết bị y tế... được vận chuyển trên tuyến đường Tây Trường Sơn một cách thuận lợi bằng các phương tiện gùi, xe đạp thồ, voi thồ và xe cơ giới. Chỉ tính riêng trong năm 1962, trên toàn tuyến Tây Trường Sơn, Ðoàn 559 đã vận chuyển được 961 tấn vũ khí, 7.800 tấn gạo, đón và đưa gần 10.000 cán bộ vào và ra (2), góp phần quan trọng cho sự phát triển của công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào.

Về phía đối phương, từ năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng đánh phá, quyết tâm ngăn chặn tuyến đường. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, các đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam xây dựng, chiến đấu trên tuyến đường Tây Trường Sơn đã được chính quyền, nhân dân và bộ đội nước bạn Lào hết lòng giúp đỡ. Nhiều bà mẹ, gia đình người Lào dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đã "nhường cơm, sẻ áo", "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" để góp phần giúp bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào hoàn thành nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Nhân dân nước bạn Lào còn đóng góp hàng triệu ngày công cùng bộ đội và thanh niên xung phong Việt Nam làm mới, sửa chữa đường, vận chuyển hàng hóa và thương binh, bệnh binh, góp phần bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến.

Ðáp lại tấm lòng thủy chung, trong sáng của nhân dân Lào, quân đội hai nước đã phát huy sức mạnh vĩ đại của liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do cho nhân dân. Trong đó, cuộc chiến đấu đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt (năm 1970) của đối phương là một trong những minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh chiến thắng của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. Với niềm tin tất thắng và khát vọng hòa bình cháy bỏng, khi đế quốc Mỹ mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Ðường 9 và một số trọng điểm của cách mạng hai nước, Bộ Chính trị, T.Ư Ðảng Việt Nam và Lào đã chủ động, quyết tâm tiến hành Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào.

Theo đó, liên quân Việt Nam - Lào đã sát cánh chiến đấu anh dũng kiên cường, lập nên chiến thắng lịch sử Ðường 9 - Nam Lào. Trung tướng Ðồng Sỹ Nguyên - nguyên Tư lệnh Ðoàn 559 đã từng cảm động viết về hình ảnh cao đẹp của những người chiến sĩ Việt Nam - Lào trong Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào: "Trong cuộc chiến này, khi mà đối phương đã huy động tối đa sức mạnh tổng lực hòng xóa con đường Trường Sơn; khi mà biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, nằm lại vĩnh viễn với những đồi lau xơ xác, những bìa rừng khuất nẻo… vì sự sống còn của con đường, vì sự toàn thắng của chiến dịch, nếu như ai đó thi vị hóa hết thảy sẽ là tội lỗi. Nhưng nếu không tìm thấy cội nguồn chiến thắng từ những bước chân nhún nhảy của những chàng trai, cô gái Pa Cô trên đường tải đạn, trong âm vang réo rắt tiếng đàn ta lư, hay điệu lăm vông của những nam nữ chiến sĩ Quân giải phóng Lào sau từng trận đánh…, thì cũng khó lý giải hết tầm thế của chiến công này…, và vì sao ta chiến thắng" (3).

Cùng với những thất bại liên tiếp trên chiến trường, cuộc chiến tranh hao người tốn của, kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ đã bị thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ lên án mạnh mẽ. Không thể cứu vãn giấc mộng đen tối, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Hiệp định Viêng Chăn (ngày 21-2-1973) về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào. Ðánh giá về sự kiện lịch sử này, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: "Nhờ chúng ta liên minh với nhau, mới có điều kiện cần và đủ để đánh thắng... Không có Lào và Campuchia giúp đỡ, thì Việt Nam không thể thắng lớn được..." (4).

Tính đến năm 1975, trong 16 năm gian khổ mà hào hùng, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển được 1,5 triệu tấn hàng hóa, 5,5 triệu tấn xăng dầu, bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ cùng khối lượng lớn binh khí kỹ thuật hiện đại vào chiến trường miền nam và các hướng mặt trận lớn. Ðặc biệt, trước Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tuyến đường Trường Sơn Ðông nối với Trường Sơn Tây đã được xây dựng, với tổng chiều dài gần 20 nghìn km, bao gồm năm hệ thống đường trục dọc dài 6.810 km, 21 hệ thống đường trục ngang dài 4.980 km, năm hệ thống đường vượt khẩu dài 700 km, 3.000 km đường giao liên, 1.300 km đường thông tin tải ba, 14 nghìn km đường thông tin hữu tuyến, 1.300 km đường vòng tránh các trọng điểm (5). Con đường và tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã cung cấp sức người, sức của, bảo đảm phục vụ thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, cũng như góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Lào, cách mạng Cam-pu-chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như vậy, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, mà còn là biểu tượng khát vọng hòa bình của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. Ðồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư Ðảng Nhân dân cách mạng Lào phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1990, đã xúc động nói: "Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác, đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Ðông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền nam Việt Nam... Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước, không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi" (6). Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng nhấn mạnh: "Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất trong lãnh đạo chiến tranh của Ðảng Cộng sản Việt Nam; là biểu hiện tình đoàn kết quốc tế đặc biệt: Việt Nam, Lào, Campuchia" (7).

ăm tháng trôi qua, thời gian có thể xóa nhòa dấu chân của những chiến sĩ Việt Nam - Lào trên đường Trường Sơn năm xưa, nhưng biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn sống mãi đối với nhân dân hai nước Việt Nam - Lào hôm nay và mai sau. Kỳ tích đường Hồ Chí Minh mãi mãi là biểu tượng vĩ đại của liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, trở thành tài sản vô giá, là động lực và sức mạnh to lớn để hai nước vững bước cùng nhau giành thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay cần phải hiểu và trân trọng lịch sử huy hoàng của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, đồng thời, gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu đó lên một tầm cao mới, để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc ở mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

----------------------------------------------------------------------------

(1). Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Nxb CTQG, H, 1993, tr.295.

(2). Ðặng Phong, 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb Tri thức, H,2008, tr.58.

(3). Ðồng Sỹ Nguyên, Ðường xuyên Trường Sơn, Nxb QÐND, H,1999, tr.224.

(4). Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn trong cuộc tọa đàm với Lào ngày 13-12-1973. Tài liệu đánh máy lưu tại Thư viện Quân đội.

(5). Ðường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại, Nxb QÐND, H,2004, tr.195.

(6). Báo Nhân Dân ngày 19-5-1990, tr.2-3.

(7). Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 5-2009, tr.14.