Nụ cười trên cầu Hiền Lương
Hơn mười năm trước, tôi đến thăm gia đình nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người con yêu quý của Quảng Trị. Hôm đó, nhà văn và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi biết quê tôi ở ngay bờ nam sông Bến Hải - vĩ tuyến 17, đã kể, trước đêm ký Hiệp định Pa-ri 27-1-1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam, ông đã có mặt ở bờ nam sông Bến Hải. Tâm trạng nhà văn lúc đó hết sức lo lắng, bồi hồi, vui mừng vì chỉ cần qua một quãng đêm yên tĩnh nữa, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam sẽ kết thúc. Ông đứng một mình bên bờ sông, kính cẩn chờ giây phút thiêng liêng, trọng đại này. Chưa bao giờ trong ông căng đầy niềm cảm khái trầm hùng đến lạ lùng vậy. Đất nước bao phen gian lao đã in dấu trên trụ cầu Hiền Lương đổ gãy bằng bao nhiêu lớp vỏ hàu nham nhở, giống như vết bùn lấm nhọc nhằn chân ngựa đá mà vua Trần đã nhìn thấy ngày đuổi giặc khỏi Thăng Long hơn bảy thế kỷ trước. Thế rồi, ngày 27-1-1973 đi qua, Hiệp định Pa-ri được ký, con sông Bến Hải đã có đủ hai bờ. Cầu Hiền Lương được nối lại bằng cầu tạm chứng kiến lễ cưới đầu tiên được rước dâu qua cầu vào năm 1974. Nghe nhà văn kể chuyện, tôi hứa với lòng mình sẽ tìm về thăm đôi vợ chồng đặc biệt này.
Cũng vào thời khắc lịch sử Hiệp định Pa-ri được ký, tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, người lính hai bên chiến tuyến qua lại chuyện trò, tay bắt mặt mừng vì ai cũng muốn kết thúc chiến tranh. Một người lính của chế độ chính quyền miền nam cũ tươi cười bắt tay cô du kích. Anh bộ đội miền bắc thân mật quàng vai người lính ấy. Chứng kiến khoảnh khắc thú vị ngoài sức tưởng tượng, phóng viên chiến trường Chu Chí Thành đã bấm một kiểu ảnh và tác phẩm trở nên nổi tiếng với tên gọi “Hai người lính”. Sau này, ông mới biết anh bộ đội miền bắc có tên Nguyễn Huy Tạo và người lính chế độ chính quyền miền nam cũ mang tên Bùi Trọng Nghĩa.
Hôm ấy, tôi trở lại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh thăm đôi vợ chồng có lễ cưới đầu tiên rước dâu qua cầu Hiền Lương. Ông chồng là Hoàng Nghi và vợ là bà Hoàng Thị Hoa đang trồng hoa, nuôi lợn, chăm gà. Gia đình ông Nghi ở bờ bắc, gia đình bà Hoa ở bờ nam, hai người yêu nhau trong những năm tháng cùng chung một chiến hào, thề hẹn đến ngày đất nước hết chiến tranh, ông sẽ dâng lễ rước bà về làm vợ. Ngày nhà trai ở bờ bắc rước dâu người bờ nam qua cầu Hiền Lương, nhiều người mừng vui, hạnh phúc không cầm được nước mắt. Bởi vì để có hòa bình, hạnh phúc, cả dân tộc đã phải đổi bằng máu xương và chờ đợi ròng rã suốt hai mươi năm đất nước mới có ngày vui. Hiện ông bà Nghi tuổi đã gần tám mươi, họ sinh sống hạnh phúc cùng vợ chồng người con trai là Hoàng Hữu. Nhà ở cách bến sông chỉ gần 1 km, cho nên thi thoảng ông bà lại cầm tay nhau ra cầu Hiền Lương, đi bộ từ bờ bắc sang bờ nam như để nhắc nhở con cháu gắng sức giữ lấy hòa bình, xây dựng đất nước.
Chiếc cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua sông Bến Hải từng là nhân chứng của nỗi đau chia cắt đất nước; biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc; cũng là biểu tượng cho hòa bình, đoàn kết thế giới. Không biết bao nhiêu lãnh đạo của đất nước, chính khách của thế giới đã đến thăm chiếc cầu đặc biệt này. Cuối tháng 8-2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Đ.Kri-ten-brinh (Daniel Kritenbrink) đã đến thăm di tích lịch sử cầu Hiền Lương. Ông cùng đoàn Đại sứ quán Mỹ và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đi bộ từ bờ bắc qua bờ nam chiếc cầu. Khi biết Quảng Trị sẽ tổ chức lễ hội vì hòa bình, Đại sứ Đ.Kri-ten-brinh cho rằng, đây là một ý tưởng rất tuyệt vời. Ông rất ủng hộ ý tưởng này và nếu sự kiện đó diễn ra, ông sẽ vào Quảng Trị để tham dự. Ông nói, hòa bình là khát vọng chung của dân tộc Việt Nam cũng như của nhân loại.
Gương mặt hòa bình
Tôi còn nhớ cách đây gần 5 năm, trong một lần làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, về tìm hướng đột phá tạo ra cho Quảng Trị một thương hiệu lớn để phát triển, suốt buổi trò chuyện, đồng chí luôn nhắc đến ý tưởng xây dựng vùng đất này thành bảo tàng sinh động về hòa bình hay tổ chức lễ hội hòa bình để tạo ra cái mới, cái độc đáo thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Ý tưởng này rất thuyết phục vì vùng đất Quảng Trị thân thương từng bị chia cắt thành hai miền nam - bắc trong hơn 20 năm chiến tranh giành độc lập, là nơi điển hình cho hội tụ khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam. Người dân vùng đất này có truyền thống hòa hiếu, khoan dung, yêu chuộng hòa bình, vì thế Quảng Trị luôn được ví như gương mặt của hòa bình. Nơi đây xưa là chiến trường ác liệt bậc nhất Việt Nam và nay đang trở thành điểm đến của hòa hợp dân tộc. Tỉnh cũng là điểm đến của sự đoàn kết quốc tế với việc nhiều cựu chiến binh Mỹ đến đây thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn... Nói gắn gọn, hòa bình ở Quảng Trị cần được nâng lên thành biểu tượng khát vọng của nhân loại.
Những trăn trở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã dần trở thành hiện thực trong sự vui mừng của nhiều người. Tỉnh đã hoàn thành đề án “Festival vì hòa bình” trình Chính phủ phê duyệt, với mong muốn xây dựng Quảng Trị trở thành một biểu tượng hòa bình của Việt Nam gắn với phát triển du lịch qua việc quốc tế hóa “Festival vì hòa bình”.
Nhìn lại lịch sử, vùng đất Quảng Trị luôn gắn liền với những hy sinh, mất mát và đau thương của dân tộc. Hàng chục nghìn người con yêu quý của Tổ quốc tuổi mới đôi mươi thuộc nhiều thế hệ đã ngã xuống vùng đất này để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Quảng Trị hôm nay có 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất đai sông núi. Lịch sử để lại trên vùng đất này là hơn 400 di tích đã được quy hoạch, bảo tồn, phát triển với nhiều địa danh nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như Đường 9, Khe Sanh, Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Tà Cơn, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra (Mc Namara), Thành cổ Quảng Trị… Hằng năm, cứ đến ngày 30-4, Quảng Trị lại tổ chức lễ hội “Thống nhất non sông” tại di tích cầu Hiền Lương cầu mong cho đất nước luôn thái bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Quảng Trị rất xứng đáng được tôn vinh là một vùng đất vì hòa bình; cần quốc tế hóa tuyên truyền, quảng bá, khai thác di tích phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Ngày UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo về đề án “Festival vì hòa bình”, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý khẳng định, không nơi nào khác ở Việt Nam xứng đáng hơn Quảng Trị để tổ chức Festival này; thông qua “Festival vì hòa bình” để biến di tích, di sản ở vùng đất này trở thành những giá trị năng động phục vụ cuộc sống. Hòa bình, thống nhất đất nước là khát vọng chính đáng của người dân Việt Nam; và với người dân Quảng Trị, khát vọng hòa bình, thống nhất luôn ngấm sâu vào máu thịt của từng người. Ông Trần Công Chức, một nông dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh nơi bờ bắc sông Bến Hải, đang xây dựng một bảo tàng chứng tích chiến tranh để đợi đón du khách của lễ hội “Festival vì hòa bình”. Ông Chức gọi đó là bảo tàng hòa bình. Hiện vật của bảo tàng có hàng nghìn quả bom đạn lớn, nhỏ các loại trong chiến tranh còn sót lại vỏ được ông cất công sưu tầm, tìm kiếm mang về sắp đặt chuẩn bị trưng bày, triển lãm. Thấy việc ông làm giàu ý nghĩa, nhiều du khách nước ngoài tìm đến ủng hộ và giúp đỡ, mong bảo tàng của ông sớm khai trương. Ông Chức lý giải việc ông xây dựng bảo tàng hòa bình để nhắc nhở con em rằng, ước vọng hòa bình phải luôn cháy mãi trong trái tim của mỗi con người và nền hòa bình có được hôm nay đã đổi bằng biết bao xương máu của chiến sĩ, nhân dân.
Quảng Trị những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, nhất là văn hóa, du lịch. Về dài lâu không thể trông đợi vào nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp để tôn tạo các di tích, di sản lịch sử, văn hóa, cho dù đây là điều rất chính đáng. Nguồn hỗ trợ đó chỉ thật sự phát huy tác dụng khi Quảng Trị đã định hình được cho mình hướng đi đúng, khơi dậy những năng lực, lợi thế phát triển. Phải khai thác lịch sử, văn hóa để tìm trong đó nguồn lực phát triển hiện đại thông qua việc tổ chức “Festival vì hòa bình” và chuyên môn hóa thành dịch vụ hoạt động phục vụ du lịch.