Biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

NDO -

Ngày 6-10, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lê Văn Bình trao bằng khen cho các cá nhân là người có uy tín tiêu biểu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lê Văn Bình trao bằng khen cho các cá nhân là người có uy tín tiêu biểu.

Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung tại 124 thôn, khu phố, với 36.822 hộ/163.866 khẩu, chiếm 23,16% so dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Chăm có 18.134 hộ/85.256 khẩu (chiếm 12,05%); dân tộc Raglai có 16.803 hộ/73.613 khẩu (chiếm 10,41%); dân tộc Hoa có 761 hộ/2.797 khẩu (chiếm 0,4%); các dân tộc thiểu số khác có 1.126 hộ/2.200 khẩu (chiếm 0,31%).

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện có 124 người. Trong đó, dân tộc Raglai có 84 người; dân tộc Chăm có 35 người; dân tộc K’Ho có hai người; dân tộc Chu Ru có một người và dân tộc Nùng có hai người.

Những năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tiên phong trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.

Điển hình như các ông: Pi Năng Thiêng, dân tộc Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái; Thạch Ngọc Su, dân tộc Chăm ở xã Phước Thái, huyện Ninh Phước; ông Pi năng Sen, dân tộc Raglai ở xã Công Hải, huyện Ninh Hải…

Từ kết quả đạt được trong sản xuất, chăn nuôi của hộ gia đình mình, họ đã tích cực vận động đồng bào tham gia xây dựng mô hình sản xuất cánh đồng lớn cho cây lúa, cây bắp, măng tây xanh; thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây trồng…, qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số  nâng cao nhân thức, từng bước thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi,… đem lại năng suất cao, tăng thu nhập, và ngày càng có điều kiện cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống.

Cùng với đó, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện mình là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tích cực tham gia và vận động đồng bào hưởng ứng việc thực hiện các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động nhân dân thực hiện nghiêm về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tiêu biểu như các ông Bá Trung Tín, dân tộc Chăm ở thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam; ông Châu Văn Bính, dân tộc Chăm ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước; ông Cà Mau Thuyên, dân tộc Raglai ở thôn Ú, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn; ông Katơr Yêu, dân tộc Raglai ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc..., ngày càng được đồng bào tại các thôn, khu phố tín nhiệm và bình chọn là các chức sắc, già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, khu phố… tiên phong, gương mẫu. 

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín luôn tích cực tham gia đóng góp việc lập kế hoạch, lấy ý kiến nhân dân, vận động dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; xây dựng hương ước, qui ước; vận động đồng bào thay đổi các tập tục lạc hậu bằng việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giảm thiểu tình trạng tảo hôn... Nhờ đó, đã có 16/37 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Người có uy tín còn tích cực vận động đồng bào xây dựng quỹ khuyến học, quỹ dòng tộc,... giúp con cháu chăm lo học tập, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, vận động đồng bào tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; bài trừ các tệ nạn tập tục mê tín dị đoan; vận động bà con nâng cao ý thức, phòng chống tội phạm; giáo dục con em, người thân trong gia đình, dòng tộc không vi phạm các tệ nạn xã hội; vận động thanh niên dân tộc thiểu số hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tích cực cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng tỉnh, bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ, đầu tư và đồng hành với sự phát triển tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng bào như thấu hiểu sự chăm lo của các cấp, các ngành, đã nỗ lực vượt khó, chung tay góp sức xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống tinh thần và vật chất ngày càng được nâng lên nhiều; tình hình an ninh, trật tự tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được giữ vững.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Lê Văn Bình, tinh thần và trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh rất đáng biểu dương. Tuy trình độ, nghề nghiệp, độ tuổi, tôn giáo... có khác nhau, nhưng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, tinh thần cho cộng đồng mình, đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số. 

Tại hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng bằng khen cho 23 cá nhân là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vì đã có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.